> Obama ăn thịt nướng cùng thợ cắt tóc
Tổng thống Barack Obama. |
Cuộc thăm dò dư luận mới được công bố cho thấy, hàng triệu người bên ngoài nước Mỹ cảm thấy mình bị lừa gạt bởi một nhân vật mà vào năm 2009 đã bước chân vào Nhà Trắng trong ánh hào quang rực rỡ.
Việc trao tặng ông Obama giải thưởng cao quý - giải Nobel Hoà bình 2009 – là bằng chứng cho thấy thế giới hồi đó đã đặt biết bao kỳ vọng vào ông.
Nhưng giờ đây tình hình đã khác, ánh hào quang của ông Obama đã nhạt nhoà đi nhiều.
Vừa qua, Viện thăm dò dư luận Pew Research Centre đã đặt cho người dân 21 quốc gia trên khắp các lục địa cùng một câu hỏi về thái độ của họ đối với ông Obama cũng như đối với các mặt khác nhau trong chính sách của ông. Hoá ra trong vòng 3 năm rưỡi kể từ khi ông trở thành người đứng đầu nước Mỹ, niềm tin vào sự đúng đắn trong chính sách đối ngoại của ông đã bị lung lay dữ dội.
Nhưng điều đáng buồn hơn cả đối với Mỹ là việc phần lớn người dân 3 nước lớn nhất châu Âu là Anh, Đức và Pháp coi kinh tế Trung Quốc - chứ không phải kinh tế Mỹ - mới là nền kinh tế lớn nhất thế giới. |
Sự việc gây hoài nghi nhiều nhất trên thế giới là việc Lầu Năm Góc sử dụng máy bay không người lái ở Afghanistan, Pakistan và Yemen.
Cũng gây thất vọng sâu sắc là việc Mỹ không đáp ứng được nhiều mối hy vọng mà thế giới đã đặt vào Mỹ.
Chẳng hạn, hy vọng Mỹ sẽ không chỉ nghĩ đến bản thân mà sẽ còn nghĩ đến các nước khác, hy vọng Mỹ sẽ chỉ sử dụng vũ lực khi được HĐBA LHQ cho phép hoặc hy vọng Mỹ sẽ không ủng hộ Israel một cách mù quáng.
Người dân các nước bên ngoài nước Mỹ còn không thích việc Mỹ hầu như không làm gì hết trong cuộc đấu tranh toàn cầu chống biến đổi khí hậu.
Hoá ra trong vòng 3 năm rưỡi kể từ khi ông trở thành người đứng đầu nước Mỹ, niềm tin vào sự đúng đắn trong chính sách đối ngoại của ông đã bị lung lay dữ dội.
Vẫn được tín nhiệm hơn George Bush
Nói như thế không có nghĩa thái độ của thế giới đối với ông Obama và các mặt trong chính sách đối ngoại của ông chỉ toàn một màu tiêu cực.
Ông có thể được an ủi phần nào nếu biết rằng uy tín của ông ở nước ngoài cao hơn người tiền nhiệm George Bush.
Cuộc thăm dò dư luận nói trên của Trung tâm Pew Research Centre cho thấy, ông Obama được yêu mến và kính trọng nhiều nhất là ở châu Âu.
Trong hơn 3 năm qua, tỷ lệ người dân châu Âu ủng hộ ông chỉ giảm đi 6% và hiện ở mức 80%.
Tuy nhiên, tại các khu vực khác, ông không được cảm tình như thế. Tại Trung Quốc chẳng hạn, tỷ lệ người dân nước này ủng hộ ông sụt giảm mạnh - từ 62% năm 2009 xuống còn 28% hiện nay.
Tỷ lệ ủng hộ ông Obama tại khu vực các nước Hồi giáo còn thấp hơn nữa, chỉ ở mức chưa đến 25%.
Trong khi ấy tại Mỹ, chỉ còn chưa đầy 5 tháng nữa sẽ đến ngày bầu cử Tổng thống (6-11).
Tuy đảng Cộng hoà chưa họp Đại hội toàn quốc nhưng chắc chắn cựu Thống đốc bang Massachussetts Mitt Romney sẽ được giới thiệu làm ứng viên Tổng thống chính thức của đảng này để trở thành đối thủ nặng ký của đương kim Tổng thống Obama thuộc đảng Dân chủ.
Hiện nay, theo các cuộc thăm dò dư luận, tỷ lệ cử tri ủng hộ ông Obama chỉ cao hơn ông Romney chút ít.
Chẳng hạn, theo kết quả thăm dò của Viện Gallup, tỷ lệ cử tri ủng hộ ông Obama chỉ cao hơn 1% so với ông Romney (46% so với 45%).
Cũng theo kết quả thăm dò của viện Gallup, hoạt động của ông Obama trên cương vị Tổng thống được 47% người dân Mỹ ủng hộ.
Vũ Việt
Theo Kp.ru và Lenta.ru