Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào ngày 4-5 tại Bắc Kinh Ảnh: AP. |
Đây là một trong những nội dung chủ đạo được bà Clinton nhấn mạnh tại Bắc Kinh sau khi kết thúc đợt họp cấp cao kéo dài 2 ngày vốn bị phủ bóng đen bởi cuộc khủng hoảng về nhân vật bất đồng chính kiến Trần Quang Thành, người trốn quản thúc tại nhà để xin trú ẩn tại Đại sứ quán Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, Washington và Bắc Kinh vẫn có thể hợp tác cùng nhau trong các vấn đề quốc tế. “Chúng tôi thấy rằng hai quốc gia đang phụ thuộc lẫn nhau một cách chắc chắn và hoàn hảo,” bà Clinton nói tại cuối buổi họp.
Về vấn đề Triều Tiên, Mỹ muốn Trung Quốc gây thêm áp lực đối với hàng ngũ lãnh đạo của quốc gia đang bị cô lập nhằm làm giảm tham vọng hạt nhân của nước này.
“Hàng ngũ lãnh đạo mới ở Bình Nhưỡng vẫn có cơ hội để thay đổi đường lối và đặt lợi ích của người dân lên trên hết. Nếu họ tập trung tôn trọng các cam kết của mình và tái nhập vào cộng đồng quốc tế, chú trọng vấn đề nuôi sống và giáo dục công dân nước mình thì Mỹ sẽ hưởng ứng và hợp tác với họ,” bà Clinton nói.
Theo BBC, một trường đại học Mỹ đang mời luật sư Trần Quang Thành nhận học bổng Ảnh: Getty Images. |
Bà Clinton cũng nhấn mạnh Mỹ và Trung Quốc, hai thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, có thể hợp tác với nhau để gây áp lực tương tự lên Iran vì chương trình hạt nhân của nước này, cũng như có hành động mạnh mẽ để trừng phạt Tổng thống Syria Bashar al-Assad vì đàn áp người nổi dậy chống chính phủ. Bà Clinton cho rằng, Bắc Kinh chưa đóng vai trò tương xứng trong cách phản ứng với cuộc khủng hoảng ở Syria.
Các quan chức Mỹ nói rằng, Trung Quốc ngày càng thiện chí hơn trong việc xem xét biện pháp chống lại Iran, trong bối cảnh chuẩn bị có một hội nghị bàn tròn mới về vấn đề hạt nhân mà thành viên tham dự là những cường quốc.
“Nếu chúng tôi nới lỏng áp lực hoặc từ bỏ quyết tâm, Iran sẽ có ít động lực hơn để đàm phán vì những điều tốt đẹp hay tiến hành những bước đi cần thiết để giải quyết mối lo ngại của cộng đồng quốc tế,” bà Clinton nói.
Bà cũng thúc giục Trung Quốc hợp tác cùng Mỹ và các quốc gia khác để xem xét biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Tổng thống Syria - nhân vật mà Washington và các đồng minh cho là không tuân theo kế hoạch hòa bình do cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan soạn ra.
Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Yukiya Amano hôm 4-5 nói rằng ông không ngạc nhiên nếu Triều Tiên tiến hành một vụ thử hạt nhân mới. “Chúng tôi không có giám sát viên ở đó. Chúng tôi đang theo dõi sát tình hình. Chúng tôi không có kiến thức hay thông tin đặc biệt gì, nhưng nếu một vụ thử hạt nhân mới được tiến hành thì tôi cũng không ngạc nhiên,” ông Amano nói tại một hội nghị vừa diễn ra ở Thụy Sĩ. |
Bà Clinton hoan nghênh Bắc Kinh vì ủng hộ nghị quyết của Hội đồng Bảo an để ủng hộ kế hoạch hòa bình của Liên minh châu Phi dành cho Sudan và Nam Sudan, và kêu gọi Trung Quốc gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Sudan rằng nước này phải dừng vô điều kiện mọi cuộc tấn công qua biên giới, đặc biệt là “các cuộc ném bom oanh tạc mang tính khiêu khích” đối với người láng giềng phía nam.
Các quan chức Mỹ cho rằng đòn bẩy kinh tế đáng kể của Bắc Kinh ở cả Sudan và Nam Sudan có thể là nhân tố quan trọng trong việc làm dịu thái độ thù địch giữa hai quốc gia.
Diễn đàn kinh tế chiến lược Mỹ - Trung vừa được tổ chức tại Bắc Kinh là diễn đàn thường niên được tổ chức lần thứ 4 giữa hai quốc gia, nhằm nêu bật mối quan hệ hợp tác ngày càng tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nhưng cũng có thể trở thành kẻ thù tương lai.