Người Anh hùng đặc công Rừng Sác và cuộc gặp mặt với Chủ tịch nước

Người Anh hùng đặc công Rừng Sác và cuộc gặp mặt với Chủ tịch nước
TP- Ông Trịnh Xuân Bảng đã bước sang tuổi 67, nhưng trông người lính đặc công Rừng Sác vẫn còn tráng kiện và săn chắc lắm. Ngôi nhà cấp 4 khang trang của ông được Quân chủng hải quân xây tặng nằm sát ngay QL1A ở thôn Hòa Bình (Quảng Hưng-Quảng Trạch- Quảng Bình).

Tại đây, đầu năm 2008, ông đã được tiếp đón một vị khách đặc biệt là Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết...

Dùng bom địch để đánh địch

Rót ly nước trà đặc sánh mời chúng tôi và câu chuyện của một thời trận mạc cứ thế tuôn chảy như không có điểm dừng.

Cũng phải thôi, hơn 7 năm cận kề sinh tử trong cái địa danh vang dội một thời- Rừng Sác, người lính đặc công thủy Trịnh Xuân Bảng có cho riêng mình cả một thiên tiểu thuyết. Những câu chuyện về những kỷ niệm, những trận đánh đan xen vào nhau hút hồn người nghe.

Ông Bảng chậm rãi kể: Tôi sinh năm Nhâm Ngọ, cầm tinh con Ngựa. Mà ngựa này là ngựa chiến đấy (ông cười) nên cuộc đời gắn chặt với binh nghiệp. Năm 1965, tôi nhập ngũ.

Ban đầu được sung vào đơn vị 365 thuộc huyện đội Bố Trạch. Duyên do thế nào khi mà lực lượng hải quân trong trận đánh đầu tiên với không lực Hoa Kỳ bị thương vong quá lớn, thế là họ vào đơn vị 365 tuyển thêm quân bổ sung. Tôi được chọn.

Ngỡ sang đó làm lính Hải quân. Nhưng không ngờ, người ta đưa chúng tôi ra Hải Phòng huấn luyện làm đặc công thủy. Năm tháng huấn luyện ở Hải Phòng đã tôi rèn chúng tôi trở thành những kình ngư sông nước. Cuối năm 1966, chúng tôi vào Nam.

Đi bộ ròng rã gần 9 tháng trời mới vào đến Đồng Nai và được phiên vào trung đoàn 10 của Quân khu 7. Cả trung đoàn đóng quân ở một vùng rừng ngập mặn, mãi một thời gian tôi mới biết đó là rừng Sác.

Nó tiếp giáp với Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và chỉ cách Sài Gòn chừng 30 km. Một bãi sình lầy mênh mông với đủ loại cây như sú, vẹt, đước, mắm... Nước lên thì lút đầu.

Nước xuống thì phơi trắng đất với vô vàn kênh rạch chằng chịt. Muốn bám trụ được ở đây, đòi hỏi người lính phải có ý chí và thần kinh thép. Sinh tử cận kề. Đói khát thường trực. Nhiệm vụ nặng nề luôn ở trứơc mặt. Có lẽ thời chiến thì ở đâu cũng vậy...

Người Anh hùng đặc công Rừng Sác và cuộc gặp mặt với Chủ tịch nước ảnh 1
Ông Bảng bên giàn bầu nhà mình

Ông Bảng gọi vợ mang lên một chai rượu “cuốc lủi” trong như mắt mèo. Ông san đều ra các ly nhỏ và mời chúng tôi. Rượu nặng cay xé vòm họng.

Ông cười bảo, giá như hồi đó mỗi lần vào đánh tàu giặc ở cảng Sài Gòn hay Cát Lái mà có được tí rượu này thì hay biết mấy? Ông tiếp câu chuyện trận mạc của mình. Lúc này giọng kể của ông hào sảng và cuốn hút lạ...

Sau trận Mậu Thân 1968, địch choáng váng nên tập trung vây ráp, phong tỏa, chốt chặn tất cả mọi con đường tiếp tế, nhằm đẩy quân chủ lực ra khỏi vành đai Sài Gòn. Trung đoàn Rừng Sác gần như bị cô lập với chất chồng gian khó. Lương thực thì cạn kiệt.

Chúng tôi lúc đó mỗi ngày chỉ được phép cầm hơi bằng một ly gạo nhỏ, như cái ly đang uống rượu này thôi. Nước uống giữa mùa khô thiếu trầm trọng, bởi đây là vùng nước mặn.

Cả đại đội chúng tôi chỉ còn đúng một quả đạn B40 và mỗi người chỉ còn đúng một băng đạn AK. Tiết kiệm tất cả. 3 tháng trời vùng rừng Sác yên ắng không hề nghe một tiếng súng.

Bọn chiêu hồi suốt ngày ra rả là đã đẩy và tiêu diệt hết quân chủ lực của Việt cộng ra khỏi vùng này. Người dân bán tín bán nghi.

Để mang lại niềm tin cho nhân dân, lúc đó ông Lương Văn Nho (Hai Nhã) Tư lệnh QK7 và ông Trần Bá Ước, trung đoàn trưởng đã xuống đại đội của tôi yêu cầu:

Vẫn biết chúng ta đang gặp rất nhiều khó khăn, nhưng cấp trên lệnh cho chúng ta phải vào căn cứ địch ở Nhà Bè tạo cho bằng được một vụ nổ để gây tiếng vang và khẳng định với nhân dân rằng chúng ta luôn bên họ. Ban chỉ huy đại đội lặng im nhìn nhau.

Thuốc nổ không còn một cân. Lấy đâu ra bây giờ? Dẫu có tìm được thuốc nổ đi chăng nữa thì làm sao vào được cảng Nhà Bè vốn được xiết chặt bảo vệ, đến con muỗi cũng khó chui lọt? Mọi người suy nghĩ rất lung vắt óc tìm kế sách. Tôi lúc đó ở trung đội nên không được tham gia cuộc họp này.

Sau cuộc họp, ông Hai Nhã gặp tôi và tâm sự. Tôi buột miệng: Thưa thủ trưởng, việc đó không phải là khó lắm. Ông Hai Nhã bảo: Cậu đang đùa à? Tôi đề xuất, bom Mỹ thả xuống rừng Sác có nhiều quả bị câm.

Đưa công binh đi đào lấy một quả chừng 5 tạ. Tháo hạt nổ bị câm và đặt hạt nổ của mình vào hẹn giờ thế là xong. Còn ai là người đi đánh? Tôi xung phong đi và cho tôi toàn quyền được chọn thêm 2 người giỏi nhất trong trung đội.

Tôi bảo: Đi đánh thì được, nhưng khi rút về chắc không kịp. Ông Hai Nhã trầm ngâm một lúc rồi gật đầu chấp thuận phương án mà tôi đề xuất. Chúng tôi tập trung chuẩn bị khẩn trương và lên đường. Đó là một đêm không trăng.

Tôi làm tổ truởng cùng 2 chiến sỹ là Trần Dần (Hà Tĩnh) và Nguyễn Chất Xê (Thái Bình) lên đường lúc 19 giờ. Chúng tôi vừa bơi cách xa nhau, vừa giữ liên lạc qua một sợi dây nhỏ để cùng đùn đẩy khối thuốc bom 5 tạ đến mục tiêu.

Tàu cao tốc của giặc tuần tiễu nhiều như trấu. Đèn pha quét dọc ngang mặt sông sáng như ban ngày. Chúng tôi bơi đứng, mặt chỉ cách mặt nước chừng 20 phân.

Một ống thở nhỏ được gắn vào thân bèo lục bình cứ thế trôi. Cứ bơi và tránh địch như thế hơn 7 giờ đồng hồ là chúng tôi tiếp cận được mục tiêu. Đó là một chiếc tàu tải trọng 1,5 vạn tấn chở vũ khí.

Vây bọc xung quanh chiếc tàu này có đến vài chục chiếc tàu nhỏ bảo vệ và cảnh giới. Cứ khoảng mươi phút là chúng thả bộc phá xuống quanh tàu. Người nhái của chúng thường xuyên lượn lờ bảo vệ. Hơn 2 giờ sáng chúng tôi mới hoàn tất công việc cài bom.

Đặt hẹn giờ sau 1 tiếng và chúng tôi rút. Một giờ sau khi chúng tôi còn đang dập dờn trên sóng nước thì nghe một tiếng nổ vang trời cùng với một đụn khói bốc cao.

Lửa trên tàu bốc cháy rần rật. Sức công phá của khối thuốc bom mạnh đến mức, mặc dù lúc đó chúng tôi đã ở khá xa, nhưng lực đẩy của nó khiến chúng tôi dạt mỗi đứa một nơi. Và sau đó là gần 1 tuần lạc tìm nhau để cùng trở về căn cứ....

Ông Bảng bảo, đó là một tuần đáng nhớ nhất trong đời với 3 lần giáp mặt kẻ địch. Cái sống và cái chết mong manh đến mức tưởng như không hề có ranh giới.

Ông đã cùng đồng đội của mình vượt qua nó để sống cho đến bây giờ. Ông là người đầu tiên của Trung đoàn được tuyên dương Anh hùng ngay trong năm 1969. Hai người trong tổ cùng đi với ông trong trận đánh này, sau đó họ đều trở thành Anh hùng đặc công rừng Sác...

Ông Bảng rời rừng Sác sau hơn 7 năm bám trụ. Trở ra Bắc, ông nhận nhiệm vụ mới và chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh... Mãi đến năm 1987 ông mới về nghỉ hưu với quân hàm trung tá.

Cuộc gặp mặt cảm động với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết

Cuối tháng 1/2008, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết có chuyến thăm Tết sớm với nhân dân các tỉnh miền Trung. Trời đang mùa rét đậm, rét hại.

Làm việc nhanh gọn với lãnh đạo tỉnh với nội dung chủ yếu là quan tâm hơn nữa đến người nghèo và đồng bào dân tộc trong dịp Tết cổ truyền, Chủ tịch nước dành nhiều thời gian về thăm các đối tượng chính sách.

Chiếc xe của Chủ tịch nước dừng lại bên mé đường, gần ngay cổng nhà ông Trịnh Xuân Bảng.

Hôm đó, ông Bảng diện một chiếc áo mùa đông của quân chủng Hải quân. Ông chỉ mặc chiếc áo này vào những dịp lễ trọng. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ôm vai ông Bảng cùng vào nhà như hai người bạn chiến đấu lâu ngày gặp mặt.

Cùng ngồi ở bộ bàn ghế giản dị ngay gian giữa nhà và câu chuyện một thời trận mạc cứ thế tuôn trào chân tình, dân dã như không hề có khoảng cách.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chăm chú lắng nghe, rồi như nói với chính mình: “Tôi nghĩ tất cả Đặc công rừng Sác thời đó đều xứng đáng là những anh hùng”.

Ông Bảng rót mời Chủ tịch nước một ly rượu ngâm thuốc bắc và một điếu thuốc lá như cái lễ phải có của vùng đất này. Cầm ly rượu trên tay, Chủ tịch nước hỏi vui: Đây có phải là rượu đầu giường, ông uống bà khen không? Tất cả cười vui.

Từ lúc đó như không còn khoảng cách khách-chủ. Những kỷ niệm đầy ắp một thời, những khó khăn bây giờ và những dự tính cho con cháu được nói ra tự nhiên như hai người bạn cũ lâu ngày gặp lại. Chủ tịch nước hỏi thăm về gia cảnh của ông Bảng bây giờ.

Ông Bảng bảo, con đông quá nên còn vất vả nhiều. Chủ tịch hỏi có bao nhiêu đứa con? Ông Bảng ngập ngừng: Dạ thưa 7 đứa. Chủ tịch Nguyễn Minh Triết: Thời đó 7 đứa con chưa phải là nhiều. Kháng chiến trường kỳ, lớp cha anh ngã xuống phải có lớp con cháu đứng lên...

Trước khi chia tay, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khoác vai ông Trịnh Xuân Bảng cùng chụp với mọi nguời một bức hình kỷ niệm. Chủ tịch nước nói cho mọi người cùng nghe: Đã là đặc công rừng Sác rồi thì chẳng có thử thách nào là không thể vượt qua.

Giờ mình phải là tấm gương sáng cho các cựu binh và các thế hệ con cháu để họ hiểu thế hệ cha anh đã sống đẹp, sống có ích như thế nào...

Với ông Bảng, có lẽ đó là cái ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời mình. Còn lúc này, khi chia tay chúng tôi ông hào hứng: Tuần tới, mời các cháu lại ra đây để cùng với những cựu binh một thời như chúng tôi kỷ niệm ngày Toàn thắng.

Nói rồi, ông quay lại bàn thờ giữa nhà rưng rưng thắp lên đó một nén nhang cho những đồng đội đã khuất.

MỚI - NÓNG
Hơn 40 doanh nghiệp Ấn Độ đến Bình Định
Hơn 40 doanh nghiệp Ấn Độ đến Bình Định
TPO - Hơn 40 doanh nghiệp Ấn Độ hoạt động trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch, giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Phía Ấn Độ cam kết sẽ trao đổi, chuyển giao cho các trường đại học ở Việt Nam về lĩnh vực robot, trí tuệ nhân tạo...