Khơi dòng chảy kiều hối về Việt Nam

Khơi dòng chảy kiều hối về Việt Nam
TPO - Theo Ngân hàng thế giới, năm 2015, Việt Nam đứng thứ 3 tại châu Á, và đứng thứ 11 trên thế giới về thu hút kiều hối. Đây là những thành tích nổi bật của Việt Nam trong thu hút nguồn kiều hối.

Ngày 10/10, Học viện Ngân hàng phối hợp với Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học thuộc đề tài với chủ đề “Chính sách kiều hối của Việt Nam trong thời gian qua - Thực trạng và giải pháp”. Chủ trì hội thảo có Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh.

Nhận định của cơ quan quản lý, kiều hối có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo của các quốc gia đang phát triển và có tỷ lệ tiết kiệm nội địa thấp. Đối với Việt Nam, dòng kiều hối có sự gia tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây do những yếu tố lịch sử và kinh tế.

Cùng với hơn 500 nghìn lao động xuất khẩu, khoảng 4 triệu người Việt Nam (tương đương 4,5% dân số quốc gia) đang sinh sống tại nước ngoài như Mỹ (55%), Pháp (7,5%) và Australia (7,5%), và thường xuyên gửi số lượng lớn kiều hối về Việt Nam.

Trong suốt 22 năm qua, dòng tiền này tăng khoảng gần 100 lần từ 0,14 tỷ USD năm 1993 lên 11 tỷ USD năm 2013 và khoảng 13,2 tỷ USD vào năm 2015 và có xu hướng gia tăng do hiệu quả của chính sách xuất khẩu lao động cũng như các chính sách để thu hút dòng kiều hối của Chính phủ.

Giai đoạn 2002–2015, dòng kiều hối chiếm khoảng 6,0% GDP trong khi đó dòng vốn FDI và ODA vào Việt Nam lần lượt là 7,7% và 3,0% GDP. Theo Ngân hàng thế giới, năm 2015, Việt Nam đứng thứ 3 tại châu Á, và đứng thứ 11 trên thế giới về thu hút kiều hối. Đây là những thành tích nổi bật của Việt Nam trong thu hút nguồn kiều hối.

Trong những năm qua, dòng kiều hối trở thành nguồn vốn quan trọng để bù đắp thâm hụt cán cân thương mại đồng thời hỗ trợ dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Sự gia tăng trong dòng kiều hối vào Việt Nam trong thời gian qua có thể được giải thích bằng các yếu tố như:

Bên cạnh chính sách quản lý ngoại hối, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài cũng là một chính sách quan trọng không kém trong thu hút dòng kiều hối chảy vào Việt Nam.

Dòng kiều hối ngày càng trở thành nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam, bù đắp thâm hụt thương mại và đóng góp vào quy mô dự trữ ngoại hối quốc gia.

Ở góc độ vi mô, dòng kiều hối giúp xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống của những người nhận kiều hối, thể hiện thông qua việc hỗ trợ tiêu dùng trực tiếp, đặc biệt là đầu tư sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh những tác động tích cực của dòng kiều hối đến kinh tế xã hội, không thể không nói đến những tác động tiêu cực mà nó mang lại đó là; Kiều hối và tình trạng đô la hóa; Kiều hối và vấn đề tiêu dùng quá mức; và Kiều hối và hoạt động rửa tiền,... Do đó, để tối ưu hóa nguồn vốn kiều hối phục vụ phát triển kinh tế xã hội thì cần có một hệ thống chính sách kiều hối đồng bộ và khoa học, phù hợp hơn với diễn biến và tình hình mới ở Việt Nam.

Các đại biểu tham gia Hội thảo cũng đề xuất nhiều giải pháp nhằm thu hút hơn nữa dòng kiều hối vào Việt Nam. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh trong bối cảnh hội nhập, tự do hóa và thị trường hóa, dư địa cho các chính sách thu hút kiều hối không còn nhiều, để có thể thu hút hơn nữa dòng kiều hối thì cần phải có sự phối hợp giữa các bộ, ngành chặt chẽ vì lợi ích chung.

Qua thống kê tại Việt Nam cho biết, năm 2015 có khoảng 3.600 doanh nghiệp của kiều bào đang hoạt động với 2.000 dự án, tổng vốn 8,6 tỷ USD, mang về nguồn lợi khoảng 20 tỷ USD mỗi năm, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực thương mại, du lịch, xây dựng, bất động sản, sản xuất hàng xuất khẩu, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy hải sản…

Cơ quan quản lý cũng cho biết, hơn 70% kiều hối chuyển về “chảy” vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh; khoảng gần 22% đầu tư vào bất động sản và chỉ khoảng 7% là hỗ trợ thân nhân, gia đình trang trải sinh hoạt, mua sắm, chữa bệnh, xây dựng nhà cửa.

MỚI - NÓNG