Khóc với cao su

TP - Từng được mệnh danh là “vàng trắng”, hai năm nay người dân ở Đồng Nai ví von thành ... “mất trắng” để nói về giá mủ cao su đang rớt thê thảm. Hàng ngàn hộ dân trồng cao su đang lâm vào cảnh nợ nần, chặt bỏ hoặc khai thác cầm chừng.

Sau 5 năm đầu tư vườn cao su 3ha với hàng tỷ đồng vay ngân hàng, đến khi cao su cho thu mủ thì ông Nguyễn Văn Hùng ở xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) lại bỏ bê. “Nếu thuê nhân công cạo mủ, thì giá bán mủ chỉ đủ trả tiền nhân công. Còn chặt cây để bán thì không ai mua do cao su non không thể bán gỗ được”, ông Hùng buồn rầu kể. Để chờ ngày giá mủ cao trở lại, ông Hùng trồng tiêu dưới gốc cao su. 

Theo Sở Công Thương Đồng Nai, toàn tỉnh năm  có khoảng 44 ngàn hécta cao su, với sản lượng đạt 40 ngàn tấn/năm... Những năm gần đây, giá cao su liên tục giảm, hiện giá thành xuất khẩu chỉ tương đương với giá thành sản xuất nên đang tạo ra sức ép rất lớn cho ngành cao su.

Với 8 ha cao su, bà Lê Thị Nguyệt ở xã Xuân Thạnh  (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) hằng ngày chỉ cạo cầm chừng số mủ đủ để trả công cho hai người chăm sóc vườn cây. Giá mủ khô cao su hiện nay chỉ 19 ngàn đồng/kg nên các chủ vườn không ai thuê nhân công cạo. Còn đầu tư phân bón cho cây, theo bà Nguyệt các chủ vườn gần như đều bỏ mặc”. Nếu phải đầu tư phân bón thì phải mất 10 triệu cho 1 ha. Từ hai năm nay khi giá mủ xuống thấp không ai còn đầu tư phân bón cho cây nữa”- bà Nguyệt cho biết.

Tại xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu), giáp ranh với TP Biên Hòa, nhiều vườn cao su tiểu điền đã bị ủi trắng, phân lô bán nền. Vườn nào chưa bán thì người dân bỏ mặc trở thành bãi chăn thả bò. Ông Hai Long, chăn thả bò trong vườn cao su kể, lúc trước không dám lùa bò vào cao su vì sợ đạp gãy cây, làm bể chén mủ. Nay thì chủ vườn còn khuyến khích để bò ăn bớt cỏ khỏi phải phát quang dọn dẹp.

Khóc với cao su ảnh 1

Cao su hiện chỉ được khai thác cầm chừng.

Hệ lụy

Cao su rớt giá liên tục, không chỉ người trồng lao đao mà những người làm nghề ươm cây cao su giống cũng lâm vào cảnh khó khăn.  Khu vực các xã Suối Tre (thị xã Long Khánh) và Xuân Thiện (huyện Thống Nhất) có hàng trăm hộ ươm giống, cung cấp khắp các tỉnh Đông Nam bộ. Thời ấy mủ cao su tăng giá, nhà nhà làm vườn ươm do thu nhập từ cây cao su giống lãi gấp nhiều lần so với trồng cây khác trên cùng diện tích đất. 

Anh Nguyễn Văn Kha, một thanh niên ở xã Suối Tre nổi tiếng về làm cây cao su giống tính trung bình mỗi sào đất ươm cao su giống, lời khoảng 40 triệu đồng. Cả khu vực quanh Viện Cao su Đông Nam bộ ở xã Suối Tre từng tấp nập hàng đoàn xe tải các nơi về chở cao su giống. Tuy nhiên từ khoảng năm 2013 đến nay, giá mủ cao su tụt dần cũng là lúc nghề làm cao su giống lao đao, nhiều vườn cây giống mang cho cũng không ai lấy.

Không ít ngân hàng cũng đang ôm hàng đống nợ từ cao su. Anh A, một nhân viên tín dụng của một ngân hàng trên địa bàn Đồng Nai cả năm nay phải chịu trách nhiệm tìm bán hơn 4 ha cao su do khách hàng thế chấp vay 1,5 tỷ đồng.

Toàn bộ vườn cây cao su 4 năm tuổi từng được định giá gấp 3 số tiền vay nhưng khách hàng mất khả năng trả nợ, vườn cao su được phát mãi suốt hơn 1 năm nay không ai mua. “Chúng tôi hy vọng một vài năm tới cao su lại được giá, nếu không nông dân chúng tôi sẽ ngập trong nợ nần”- ông Nguyễn Văn Hùng nói như khóc. 

Đông Nam bộ: Cà phê mất mùa, rớt giá

Tại khu vực Đông Nam Bộ, vụ thu hoạch cà phê năm nay nhiều nhà vườn giảm khoảng 30% đến 50% sản lượng do mùa khô đến sớm. Hiện khu vực này đã bắt đầu thu hoạch nhưng giá cà phê nhân xuất khẩu đột ngột giảm mạnh từ 1.703 USD/tấn rồi xuống 1.689 USD/tấn và hiện tại chỉ còn 1.595 USD/tấn. Giá giảm bất ngờ làm cho cả doanh nghiệp xuất khẩu lẫn người trồng cà phê ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước thấp thỏm lo âu. Thông tin từ Cục Thống kê Đồng Nai, trong 10 tháng của năm 2015, xuất khẩu cà phê của Đồng Nai là 215 ngàn tấn, chỉ bằng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình trạng mất mùa, rớt giá như trên cũng xảy ra tại Bình Phước...       

Đình Thục

MỚI - NÓNG