Chặn nguy cơ thất thoát hàng chục nghìn tỷ
Chiều 21/7, KTNN đã họp báo công bố kết quả kiểm toán năm 2016 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2015. Theo ông Trần Khánh Hòa, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN), trong giai đoạn 2011 - 2015, cả nước đã cổ phần hóa được 499 doanh nghiệp, số vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo giá trị sổ sách đã được thoái 26.222 tỷ đồng, thu về 36.537 tỷ đồng.
Theo KTNN, việc thực hiện đề án còn chưa đáp ứng được tiến độ đề ra. Đặc biệt, kết quả kiểm toán tại 7 doanh nghiệp cho thấy, việc xử lý các vấn đề tài chính trước khi cổ phần hóa và định giá doanh nghiệp còn nhiều tồn tại, nhất là lựa chọn phương pháp định giá, xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất...
Đáng lưu ý, qua kiểm toán đã xác định tăng giá trị thực tế vốn nhà nước hơn 20 nghìn tỷ đồng. Trong đó việc định giá theo phương pháp tài sản của 7 doanh nghiệp, KTNN đã xác định giá trị thực tế vốn nhà nước tăng hơn 5 nghìn tỷ đồng, điển hình như: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam hơn 440 tỷ đồng, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam 388 tỷ đồng; Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp trên 1.333 tỷ đồng; Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam hơn 2 nghìn tỷ đồng...
Ngoài ra, nếu áp dụng phương pháp dòng tiền chiết khấu đối với Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist và Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Truyền hình cáp Việt Nam, KTNN xác định giá trị vốn nhà nước tăng thêm so với phương pháp tính tài sản hơn 15 nghìn tỷ đồng.
Điều tra dấu hiệu mua bán hóa đơn
Theo kết quả kiểm toán, thu NSNN năm 2015 đạt hơn 998 nghìn tỷ đồng, vượt 9,6% (trên 87 nghìn tỷ đồng) dự toán. Tuy nhiên, tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận còn lại phải nộp ngân sách vẫn diễn ra khá phổ biến tại các doanh nghiệp, đơn vị được kiểm toán.
Theo ông Hòa, KTNN đã xác định số tiền phải nộp ngân sách tăng thêm hơn 11 nghìn tỷ đồng, trong đó một số đơn vị có kiến nghị nộp ngân sách lớn như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) 2.054 tỷ đồng, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) 1.755 tỷ đồng; Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn (RESCO) 1.264 tỷ đồng...
Đặc biệt qua đối chiếu 1.653 người nộp thuế, KTNN đã kiến nghị các khoản phải nộp NSNN tăng thêm hơn 2 nghìn tỷ đồng. Cá biệt qua đối chiếu thuế, KTNN đã chuyển một vụ việc sang Cơ quan CSĐT, Bộ Công an để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật về các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự đối với Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Dầu khí Hoàng Ngân về việc phát sinh một số giao dịch mua bán lớn bất thường, đáng ngờ, có dấu hiệu mua bán hóa đơn.
Cũng về thu ngân sách, báo cáo ngành kiểm toán cho thấy, một số cục thuế, chi cục thuế chưa quản lý hết các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh nhưng chưa đăng ký thuế. Ngoài ra, còn có tình trạng một số cục thuế chưa thực hiện xử phạt hoặc xử phạt chưa đầy đủ đối với các trường hợp chậm nộp hồ sơ khai thuế, chưa yêu cầu người nộp thuế kê khai đầy đủ các chỉ tiêu trên danh bạ người nộp thuế.
KTNN chưa nhận được một văn bản chính thức nào
KTNN đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính, các đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời kiến nghị về xử lý tài chính của KTNN trong năm 2016 đối với niên độ ngân sách 2015 là hơn 38.775 tỷ đồng, trong đó các khoản tăng thu hơn 11 nghìn tỷ đồng, giảm chi trên 16 nghìn tỷ đồng.
Đáng lưu ý, KTNN còn đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ KH&ĐT kiểm điểm và xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan trong việc tự ý bố trí kế hoạch vốn cho 18 dự án không có cơ sở, trình phương án điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư nước ngoài chậm. Trước đó, ngoài Bộ KH&ĐT, còn một số đơn vị khác như Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao cũng có những phản ứng mạnh về kết luận kiểm toán.
Tuy nhiên, trả lời về vấn đề này tại buổi họp báo, phía KTNN khẳng định, đến thời điểm này, KTNN chỉ biết thông tin trên qua báo chí và chưa nhận được một văn bản chính thức nào. “Nếu nhận được văn bản, chúng tôi sẽ trả lời theo quy định. Tuy nhiên đến nay chúng tôi chưa nhận được bất cứ văn bản của Bộ KH&ĐT, GTVT, Y tế hay bất kỳ đơn vị được kiểm toán nào”, ông Hòa nhấn mạnh.
Về việc này, Phó Tổng KTNN Cao Tấn Khổng nói thêm, quá trình thực hiện kiểm toán luôn được làm rất nghiêm túc, căn cứ vào những bằng chứng sát thực, bằng văn bản cụ thể chứng minh, nếu không có là vi phạm pháp luật. “Mỗi kết luận kiểm toán ảnh hưởng đến sinh mạng chính trị của đối tượng được kiểm toán, là vấn đề đạo đức nghề nghiệp, đạo đức con người. Do vậy, khi công bố kết luận kiểm toán phải đúng từng câu, từng chữ chứ không thể nói gì thì nói được”, ông Khổng khẳng định.
Đáng lưu ý, qua kiểm toán đã xác định tăng giá trị thực tế vốn nhà nước hơn 20 nghìn tỷ đồng. Trong đó việc định giá theo phương pháp tài sản của 7 doanh nghiệp, KTNN đã xác định giá trị thực tế vốn nhà nước tăng hơn 5 nghìn tỷ đồng, điển hình như: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam hơn 440 tỷ đồng, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam 388 tỷ đồng; Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp trên 1.333 tỷ đồng; Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam hơn 2 nghìn tỷ đồng...