Tăng phí, hạn chế lưu thông
Sau khi kết thúc mục tiêu, chương trình giảm ùn tắc giao thông trên địa thành phố giai đoạn 2012 - 2015 nhưng chưa thực hiện được phương án hạn chế xe cá nhân, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục đưa ra mục tiêu, chương trình 2016 - 2020. Theo đó, cùng với từng bước “xóa” hơn 50 điểm ùn tắc còn lại, 5 năm tới, thành phố Hà Nội sẽ thực hiện phương án hạn xe cá nhân. Tổng kinh phí được chi cho giai đoạn này là hơn 2.100 tỷ đồng. Với việc hạn chế xe cá nhân, thành phố Hà Nội nêu rõ, ngay trong năm 2016, các sở ngành có liên quan phải lập ra được đề án, tổng mức chi cho việc này là 700 triệu đồng.
Đại diện UBND thành phố Hà Nội cho hay, sở dĩ phải tổ chức lập đề án là nhằm xác định rõ lộ trình, giải pháp thực hiện. Theo đại diện UBND thành phố Hà Nội, hiện kết cấu hạ tầng phát triển không theo kịp với tốc độ tăng quá nhanh của phương tiện cá nhân, điều này đã gây ùn tắc giao thông kéo dài thời gian qua. Do vậy, việc lập đề án hạn chế xe cá nhân là để khắc phục tình trạng trên. Sở GTVT là một trong các cơ quan thường trực được thành phố giao tham mưu để lập đề án.
Trao đổi với PV Tiền Phong về vấn đề này, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, sau khi chương trình giảm thiểu ùn tắc giai đoạn 2016 – 2020 được lập xong, và HĐND thành phố thông qua, Hà Nội sẽ xây dựng đề án hạn chế xe cá nhân. Đề án này liên quan đến nhiều người nên Thành phố phải có tờ trình Chính phủ. Bao giờ Thủ tướng Chính phủ đồng ý thì lãnh đạo thành phố Hà Nội mới giao cho Sở GTVT triển khai.
“Tôi cho rằng, khâu yếu nhất và cũng là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến ùn tắc giao thông ở Hà Nội chính là quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Nếu vẫn cứ để xảy ra tình trạng nhà máy, xí nghiệp di dời đến đâu, chung cư mọc lên thay thế đến đó thì giải pháp hạn chế xe cá nhân cuối cùng cũng chỉ “gây khó” cho dân chứ không đạt được hiệu quả trong việc chống ùn tắc”.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng
Tuy nhiên, nói về kế hoạch triển khai chương trình, mục tiêu giảm ùn tắc 5 năm tới, trong đó có giảm lượng xe cá nhân mà Sở GTVT là đơn vị được giao thực hiện, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho rằng, các phương án hạn chế xe cá nhân đang được Sở GTVT thảo luận. “Khác với các dự thảo mà các bộ, ngành đã xây dựng trước đây, Hà Nội sẽ không thực hiện việc cấm mua phương tiện, vì đó là quyền của công dân. Thay vào đó, Hà Nội sẽ xem xét hạn chế bằng cách không cho đi vào từng khu vực, tuyến phố; thậm chí là kiểm soát chặt việc đăng ký sử dụng xe mới”, đại diện Sở GTVT nêu phương hướng.
Cùng với đó, đại diện Sở GTVT cũng cho biết, thành phố sẽ có các hình thức chế tài đủ mạnh, như thủ tục sở hữu xe nghiêm ngặt, phí dịch vụ cao… Ví như để đăng ký được biển số xe máy, chủ sở hữu phải đáp ứng được các điều kiện kèm theo; ô tô ngoại thành để vào được nội đô phải qua bao nhiêu trạm phí “lưu hành nội thành”. Tiếp đến là giá trông giữ xe đắt đỏ, nhiều tuyến đường bị hạn chế xe cá nhân lưu thông… Như vậy, để vào được khu vực trung tâm thành phố, ngoài mất nhiều tiền, chủ phương tiện còn cảm thấy phiền phức khi đi xe cá nhân.
Thế giới làm được, sao Hà Nội lại không?
Đề cập việc Hà Nội khởi động nghiên cứu Đề án hạn chế phương tiện cá nhân, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Cục phó Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, đây là việc hết sức cần thiết. “Đến thời điểm này, tôi nghĩ việc xây dựng Đề án hạn chế phương tiện cá nhân là cấp bách rồi, đáng ra, chúng ta phải làm lâu lắm rồi, để đến bây giờ mới bắt tay làm thì cũng muộn. Nói thật, chúng ta có “tật” là cứ bàn đi, bàn lại, khi thảo luận thì hăng hái lắm nhưng đến lúc đưa ra quyết định thì chẳng ai dám quyết. Cái đó là rất dở, cần có cán bộ dũng cảm, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, ông Thanh nói.
Cũng theo ông Thanh, khi thực hiện việc hạn chế phương tiện cá nhân sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của người dân, cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nên việc công bố giải pháp và lộ trình thực hiện sớm lúc nào tốt lúc đấy. Có như thế thì doanh nghiệp và người dân mới lên được phương án để thích nghi. Công bố sớm lộ trình cũng là biện pháp để tạo “sức ép” đến các cơ quan quản lý trong việc làm tốt quy hoạch xây dựng, di dời công sở, cũng như triển khai các phương thức vận tải công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm, tàu điện trên cao.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, việc siết hạn chế đăng ký xe, thu phí đối với xe vào nội đô khó mà thực hiện được hiệu quả. Bởi nó không phù hợp với đặc thù giao thông đô thị của Việt Nam. “Chúng ta đừng thấy cứ cái gì các nước trên thế giới làm được là học theo và làm ngay. Bởi đặc thù của Việt Nam khác rất xa so với các nước”, ông Hùng nói.
Trái lại, ông Thanh cho rằng, việc hạn chế bằng cách thu phí phương tiện vào nội đô và kiểm soát việc đăng ký xe mới theo giới hạn là việc làm cần thiết. Bởi vài năm tới, xe hơi ở Việt Nam sẽ rất rẻ, 200- 300 triệu đồng là mua được xe rồi nên nếu không “phanh” lại thì chắc chắn đường phố Hà Nội sẽ lâm vào cảnh “kẹt cứng” hết đường để đi. “Tại sao Singapore đất nước tự do hiện đại thế mà người ta làm được, còn chúng ta lại không? Chúng ta cứ thấy dư luận phản ứng rồi “xịt” ngay lại thì rất khó mà thực hiện được”, ông Thanh nói.
Thừa nhận việc hạn chế phương tiện cá nhân đến thời điểm nào đó bắt buộc phải thực hiện song ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, muốn làm được điều đó một cách hiệu quả thì trước hết phải xem xét bài toán tổng thể về giao thông đô thị, từ khâu quy hoạch cho đến khâu xây dựng hạ tầng.
Duy Tuấn
Chỉ cần 2 xe thôi cũng có thể gây tắc đường và nghìn xe cũng không tắc. Nguyên nhân gây ùn tắc là ý thức tham gia giao thông và trình độ tay lái. Tập trung vào đào tạo và đầu tư vào giáo dục ý thức con người đi.
Thích Trả lời
Khuất Hữu Dần
Ô tô gồm ô tô cá nhân và ô tô công vụ lưu thông trên đương! Nên giảm ô tô công vụ để làm gương cho người dân 1 năm rồi giảm đến ô tô cá nhân rồi giảm đến xe máy!
Thích Trả lời
Minh Nguyễn
Phải giải quyết từ gốc chứ không phải từ ngọn như thế này. Dọn nhà không phải là dúi hết rác rưởi vào gầm giường để nhìn thấy cái phòng sạch là xong! Không ai thích lao vào đám đông tắc đường cả mà phải cấm họ! Tốn tiền, tốn thời gian, mệt mỏi.... Nhưng tại sao cả triệu người vẫn phải cắn răng chấp nhận, trong khi lưng oằn các loại thuế phí, trong khi vẫn phải tự chi phí những dịch vụ công đáng lẽ phải được nhà nước cung cấp??? Phải giải quyết được hệ thống GT công cộng sao cho thật thuận tiện đã. Rồi dãn dân bằng cách phát triển vành đai dân cư vệ tinh; dãn trường đại học - cao đẳng, dãn công xưởng & văn phòng... Ngoài ra, an ninh trật tự cũng phải đảm bảo để người ta đi bộ không lo bị cướp giật hành hung... Khi người ta thấy GTCC thuận tiện thì không phải nói mọi người cũng sẽ từ bỏ phương tiện cá nhân.
Thích Trả lời
Nguyễn Đoàn
Hạn chế xe cá nhân, dùng các công cụ là chính sách, các quy định thì các bác giải quyết phần ngọn thôi. Gốc rễ của vấn đề các bác không tập trung vào nhìn nhận Nó như một bản in đó, in sai thì các bác phải sửa ở file mềm trong máy tính thì in ra nó sẽ oke Còn cứ đi sửa cái tờ in ra rồi thì giải quyết gì chứ Chuyển các trường đại học, bệnh viện ra ngoài càng nhanh càng tốt (Cái này cho các doanh nghiệp tư nhân đầu tư) Giãn các trung tâm thương mại, các khu trung cư ra
Thích Trả lời
lybason
Ông Hùng nói đúng ở Sài gòn cũng vậy, hiện nay quận 4 đang xảy ra , người nghĩ ra chuyện hạn xe cá nhân thiếu thực tế.
Thích Trả lời
Ngọc Thìn
Động cơ giảm ùn tắc giao thông là động cơ vô cùng tốt, nhưng không nên theo tư duy lâu nay là không giải quyết được thì cấm, vậy thôi. Có lẽ nên suy nghĩ cái nọ đẩy cái kia phát triển, 2.100 tỷ có thể xây được nhiều cầu vượt, nút giao thông, lắp đặt biển báo khoa học, kẻ đường khoa học, bãi đỗ xe... là giảm được ùn tắc giao thông.
Thích Trả lời
Xe ôm
Không ai muốn ra đường cả. Công việc bắt buộc thôi. Bây giờ hạn chế cũng được, nhưng phải tính nếu không mang xe cá nhân thì dân đi bằng gì. Đi làm, đưa con đi học. Nếu hệ thống giao thông công cộng được như nước ngoài thì hãy cấm như họ.
Thích Trả lời
Cao Long
Từ khi di dời nhà máy Da giày Thụy Khuê, dân cư 2 đường Hoàng Hoa Thám và Thụy Khuê đều được nếm mùi tắc đường hàng sáng, hàng chiều mỗi ngày do ở vị trí nhà máy mọc lên ngay khu Chung cư cao cấp. Không hiểu sao 2 con đường bé tí mà cho xây toàn khu Chung cư ở đoạn gần chợ Bưởi và Da giầy nữa!
Thích Trả lời
tung
Còn tiếp tục xây chung cư trong nội đô thì không bao giờ giải quyết được bài toán giao thông.
Thích Trả lời
Tâm Đức
Hạn chế phương tiện cá nhân nhiều nước trên thế giới từng làm, nhưng là trong bối cảnh họ đã thoả mãn điều kiện đi lại của người dân. Thử hỏi Hà Nội từ nay đến 2020 có thêm được bao nhiêu km đường giao thông nội đô, có thêm bao nhiêu tuyến đường xe buýt, có bao nhiêu tuyến đường sắt trên cao, có bao nhiêu tuyến đường xe điện ngầm để có thể đáp ứng ít nhất 50% nhu cầu đi lại của người dân? Đó là bài toán cần có lời giải của các nhà hoạch định chính sách, hoạch định chiến lược giao thông. Nếu chưa thể đáp ứng 50% nhu cầu đi lại của người dân, thì chưa nên đặt ra vấn đề hạn chế phương tiện cá nhân. Mặt khác, cũng đừng để phát sinh thêm vấn đề là: vì hạn chế xe cá nhân, nên cần thêm và thường xuyên sử dụng xe công(!) Hy vọng Hà Nội sớm có lời giải thỏa đáng cho vấn đề giao thông đô thị!
Thích Trả lời
Thanh
Hạn chế cũng được thôu nhưng tôi cho rằng trước khi hạn chế thì phải hoàn thiện được hệ thông giao thông công cộng cho người dân trước. Muốn so sánh với nước ngoài thì phải nhìn xem họ đã làm được những gì trước khi hạn chế. Ví dụ ngay như Singapore, trong thành phố muốn đi đâu cứ tàu điện ngầm mà đi. Bao giờ làm được thế thì chả cần hạn chế người ta cũng tự để xe ở nhà.
Thích Trả lời
Nguyen Manh Hung
Theo tôi thấy nguyên nhân gây tắc đường chủ yếu: (1) Ra đường xe tắc xi nhiều hơn xe cá nhân (cần chấm dứt cấp mới hãng tắc xi và hạn chế số lượng xe) (2)Xem lại ngay việc quy hoạch (yếu kém và bừa bãi): Các nhà máy, xí nghiệp nội đô dẹp đi thì khu đô thị và chung cư mọc lên tại đó (hàng nghìn hàng vạn dân về ở) (3)Xem lại ngay việc cấp đăng ký xe máy, ô tô cho cả SV ngoại tỉnh (4)Chuyển bệnh viện và trường học ra ngoại thị ...
Thích Trả lời
Thằng Gù
Nhớ ngày xưa nút giao Ngã Tư Sở suốt ngày ùn tắc vì xe đạp quá đông (Xe đạp là phương tiện thích dụng thời bấy giờ). Nay xe máy lại phù hợp với loại phương tiện giao thông trên phố, ngõ ngách và lối đi trên toàn thành. Thế kỷ 21 khi đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao hơn người ta sử dụng ô tô để đi lại để theo kịp nền văn minh nhân loại. Thuế, các loại phí giao thông đường bộ thu đã quá cao nhưng việc cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông lại đang luẩn quẩn...
Thích Trả lời
Phạm Xuân Ngọc
Hạn chế xe cá nhân là ý định tốt, nhưng cần làm rõ mọi người đi làm đưa con đi học bằng cách nào cho thuận tiện! Đừng làm việc gì lãng phí và không tác dụng (như phân làn ở Hàng Bài)
Thích Trả lời
lê tất Thắng
Rất đúng mong UBND thành phố làm ngay để bảo vệ môi trường thủ đô xanh, sạch đẹp vì xe máy là nguyên nhân chính nhưng muốn cấm xe máy phải đưa ra lộ trình 5 năm đến 10 năm để không ảnh hưởng đến Dân và nhà Sản xuất
Thích Trả lời
Diep
Cái yếu kém ở đây là trình độ quản lý về giao thông (cơ sở hạ tầng, thực thi pháp luật giao thông, nâng cao nhận thức, ý thức cho người dân, chiến lược dài hơi...) còn yếu kém, không theo kịp trình độ và sự phát triển của xã hội, nên đổ cho dân là không đúng. Ngày xưa nghèo, xe đạp không có mà đi, bây giờ có điều kiện, sắm vài oto vài xe máy là quyền của họ, không ảnh hưởng gì tới vấn đề ùn tắc giao thông. Có nên chăng nâng cao đầu tư cơ sở hạ tầng, vai trò thực thi pháp luật giao thông, chính sách phù hợp.v.v... Thì dần dần sẽ giải quyết vấn đề về ùn tắc. Không nên cái gì cũng so với nước ngoài. Mình đang ở giai đoạn cách đây 20 năm của họ? So sánh vậy hoá ra khập khiễng à. Thế năng lực (sức hiệu quả công việc) của Việt Na bằng bao nhiêu phần trăm của SGP? Giao thông nói chung hiện tại so với họ như thế nào? Mức sống của người dân bằng bao nhiêu so với SGP? Nên nhớ một quy luật, khi tích đủ về lượng, sẽ chuyển hoá về chất. Chỉ khi nào, ý thức người dân tự giác chấp hành GT, cơ sở hạ tầng đáp ứng việc đi bộ của dân không cần sử dụng xe công mà vẫn kịp giờ làm, chi phí rẻ, tiện lợi... Thì lúc đó mới so với nước ngoài được...
Thích Trả lời
abc
Đi xe bus từ nhà đến nơi làm việc hết 1 giờ lại hay bị móc túi, chen lấn bẹp người thì làm sao hạn chế phương tiện cá nhân được.
Thích Trả lời