Hạn chế phương tiện cá nhân: Vì sao 13 năm vẫn loay hoay

Phương tiện cá nhân luôn được coi là nguyên nhân ùn tắc. Ảnh: Anh Trọng.
Phương tiện cá nhân luôn được coi là nguyên nhân ùn tắc. Ảnh: Anh Trọng.
TP - Ba nhiệm kỳ bộ trưởng, chủ tịch thành phố trôi qua… mà lộ trình và giải pháp cụ thể cho việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân vẫn chưa thành hiện thực.

Trong 13 năm qua, Hà Nội, TPHCM, Bộ GTVT và các đơn vị có liên quan đã đầu tư nghiên cứu kinh nghiệm trong và ngoài nước nhằm tìm ra lời giải cho bài toán hạn chế phương tiện cá nhân tại các thành phố lớn. Nhưng rồi, ba nhiệm kỳ bộ trưởng, chủ tịch thành phố trôi qua… mà lộ trình và giải pháp cụ thể cho việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân vẫn chưa thành hiện thực.

Bài 1: Mật độ phương tiện vượt 22 lần thiết kế

Với 5,5 triệu ô tô, xe máy và trung bình mỗi tháng có thêm gần 20 nghìn phương tiện cá nhân được đăng ký mới, trong khi diện tích đất dành cho giao thông hết sức hạn hẹp, nếu các phương tiện cùng ra đường một thời điểm thì ô tô, xe máy tại Hà Nội sẽ không còn đất để nhích bánh.

18 m2 đường “cõng” 10 ô tô

Có mặt cắt ngang từ 4 đến 8 làn xe và hạ tầng vỉa hè, dải phân cách, vạch kẻ phân làn đồng bộ, gần 10 năm trước các tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, Nguyễn Trãi - Trần Phú, Cầu Giấy - Xuân Thủy, Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng, Khuất Duy Tiến - Phạm Hùng… được mệnh danh là đường sân bay ở khu vực phía Tây Nam Thủ đô. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, lượng phương tiện tăng nhanh, khiến giao thông ùn tắc trên các tuyến đường này xảy ra liên miên. Mỗi khi di chuyển trên các tuyến đường này thời gian qua, người dân Thủ đô thường mất từ 30 phút đến cả giờ mới thoát qua một nút giao thông. Thậm chí, khi chưa có hầm chui tại các nút giao Thanh Xuân, trong các tháng đầu năm học mới, nhiều người tham gia giao thông có hôm bị chôn chân gần 4 giờ đồng hồ trên đường Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến. Theo khảo sát của phóng viên, lượng phương tiện đông, hỗn độn không đi theo làn lối và lòng đường không thể mở rộng là nguyên nhân chính gây ùn tắc kéo dài.

Hà Nội đang có trên 5,5 triệu xe cá nhân, trong đó xe máy 4,4 triệu (chiếm 74%); mỗi tháng Hà Nội có thêm hơn 19 nghìn ô tô, xe máy được đăng ký mới. Ngoài ra thành phố còn có khoảng 50.000 phương tiện vãng lai, ngoại tỉnh. Mật độ phương tiện lưu thông trên đường tại một số nút giao thông đang vượt 22 lần so với năng lực thiết kế.

Đánh giá về tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội thời gian qua, lãnh đạo Phòng CSGT (PC67), Công an thành phố Hà Nội cho rằng, ùn ứ giao thông có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Với nguyên nhân chủ quan, đại diện PC67 nêu thực tế, do dân cư tập trung và đổ về khu vực nội thành quá đông, gây áp lực cho hạ tầng giao thông. Theo lãnh đạo PC67, lượng phương tiện lưu thông tại Thủ đô đã vượt quá thiết kế mặt đường. “Chỉ tính xe cá nhân hiện toàn thành phố có trên 5,5 triệu ô tô, xe máy và trung bình mỗi tháng Hà Nội còn có thêm hơn 19 nghìn ô tô, xe máy được đăng ký hoạt động mới”, lãnh đạo PC67 thông tin.

Các chuyên gia đô thị cũng cho rằng, mạng lưới hạ tầng giao thông tại Hà Nội chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, không theo kịp với sự tăng nhanh của phương tiện cá nhân. Theo tính toán, quỹ đất dành cho giao thông theo quy hoạch là 20 đến 26% đất đô thị, tuy nhiên ở Hà Nội con số này mới chỉ 7 đến 8%. Tỷ lệ diện tích mặt đường từ khu vực vành đai 3 trở vào trên đầu phương tiện được quy đổi ra ô tô con chỉ khoảng 10 đến 11m2/xe khi di chuyển, trong khi yêu cầu là 44m2/xe.

Như vậy mật độ phương tiện lưu thông trên đường của Hà Nội đang vượt 4 lần so với năng lực thiết kế; đặc biệt có một số nút vượt tới 22 lần như Láng - Lê Văn Lương, Phạm Hùng - Xuân Thủy. Với số vượt trên, tính trung bình, thì mỗi ô tô tại Hà Nội chỉ có 1,8 m2 đường để lưu thông. Thực tế trên, nếu tất cả ô tô đều ra đường cùng một thời điểm thay vì lưu thông, phương tiện sẽ xếp đặc kín như bãi đỗ xe trên đường do không còn đất để nhích bánh.

Hạn chế phương tiện cá nhân: Vì sao 13 năm vẫn loay hoay ảnh 1

Ùn tắc xảy ra như cơm bữa ở Thủ đô. Ảnh: Như Ý.

Thả phanh, vỡ trận quy hoạch

Lý giải về ùn tắc thời gian qua, hầu hết các cơ quan chức năng Hà Nội đều cho rằng, do thành phố đang có nhiều công trình thi công, học sinh bước vào năm học mới và mưa gió… Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, nguyên nhân căn bản vẫn là lượng phương tiện cá nhân nhiều, dẫn đến đường quá tải. Trên một số tuyến đường của Hà Nội vừa xây dựng, như Lê Văn Lương - Tố Hữu, Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng; Khuất Duy Tiến - Phạm Hùng, Cầu Giấy - Xuân Thủy, Nguyễn Hữu Thọ - Lê Quang Đạo… lòng đường từ 4 đến 8 làn xe, rất rộng.

Ngoài ra, trên các tuyến đường này còn có hệ thống dải phân cách, vỉa hè, phân làn xe đồng bộ và không thua kém đường sá các nước phát triển, nhưng gần đây chính những tuyến đường này lại rơi vào ùn tắc nặng nhất.

Giải mã vấn đề trên, một số chuyên gia khẳng định, dân số chính là nguyên nhân mấu chốt. Một điều có thể dễ hiểu, dân số tập trung đông sẽ dẫn đến phương tiện đông. Với chiều rộng 6 làn xe, hai bên đường vắng bóng nhà dân, gần 10 năm trước khi mới làm xong các tuyến đường này, nhiều người còn e ngại, các tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, Khuất Duy Tiến - Phạm Hùng… làm để ai đi.

Tuy nhiên đến nay, các tuyến đường này phương tiện đã đan kín, hai bên đường cũng chi chít những tòa nhà, trung tâm thương mại cao ngất. Riêng trục đường Tố Hữu, đoạn từ ngã tư Khuất Duy Tiến đến Lê Văn Lương dài chỉ hơn 500m nhưng chúng tôi ghi nhận, có gần 50 nóc nhà cao từ 15 tầng trở lên. Quy luật phát triển đô thị cho thấy, khu vực nào có đường, có nhà và hạ tầng kèm theo sẽ kéo dân cư đến đông.

Với Thủ đô Hà Nội, trong bối cảnh đường sá không thể mở rộng, hạ tầng giao thông khai thác ở mức vượt ngưỡng, thì bài toán dân số, cụ thể là phân bố lại dân cư phải được tính đến hàng chục năm. Tuy nhiên, sau 30 năm Đổi mới, phát triển, chính quyền thành phố vẫn chưa làm được điều này. Đơn cử, trong Quy hoạch Thủ đô Chính phủ đã nêu rõ, số lượng sinh viên các trường đại học tại trung tâm nội đô giai đoạn từ nay đến 2020 chỉ khoảng 30 vạn, nhưng chưa đến năm 2020 mà số lượng này đã là 66 vạn (vượt hơn gấp đôi), đó là chưa nói đến học sinh tại hơn 2.400 trường học trên địa bàn. Dân số Hà Nội trong 5 năm qua tăng thêm 1,3 triệu người, riêng khu vực nội thành tăng 1,2 triệu người (chưa tính dân số vãng lai).

“Lượng dân cư tăng nhanh và chỉ tập trung ở khu vực nội thành như vậy thì không một hạ tầng nào có thể chịu tải được. Vậy nhưng đến nay chính quyền Hà Nội vẫn chưa có giải pháp nào cho việc này, ai thích thì vẫn có thể mua nhà và vào nội đô nhập khẩu, đăng ký cho phương tiện hoạt động được”, KTS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Kiến trúc Hà Nội nêu thực tế.

Theo ông Hanh, nhìn ra các thành phố phát triển bên ngoài, có quy hoạch là họ bám theo để xây dựng, phát triển, nhưng Hà Nội lại đang quản lý đô thị và thực hiện quy hoạch theo kiểu “thả phanh”, đến nay gần như vỡ trận. Ví như, hiện cứ ai xin được đất thì gần như thoải mái xây dựng, thiết kế. 10 năm nay cả Chính phủ và chính quyền thành phố đều có quy định, trong khu vực nội đô không xây dựng nhà cao từ 10 tầng trở lên, vậy nhưng không tính các tòa nhà đã hoàn thành, hiện thành phố đang có gần 20 dự án các tòa nhà cao trên 10 tầng, trong đó có nhiều dự án đã và chuẩn bị đưa vào hoạt động như 89 Láng Hạ; 131 Thái Hà…    

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.