Tạo chút “vốn” để mặc cả
Ngày 30/10, Mỹ thông báo nước này sẽ triển khai lực lượng đặc nhiệm tại Syria để cố vấn và hỗ trợ lực lượng nổi dậy trong cuộc chiến chống IS. Quyết định này đánh dấu lần đầu tiên Mỹ triển khai lính trên thực địa sau hơn 1 năm mở các chiến dịch không kích nhưng không mấy hiệu quả.
Giới chức Nhà Trắng thông báo Tổng thống Obama đã chỉ thị cho Lầu Năm Góc cử khoảng 50 binh sĩ đặc nhiệm tới Syria với tư cách là các cố vấn quân sự và nhóm này sẽ chỉ hoạt động trong phạm vi “cố vấn, hỗ trợ” có giới hạn và không trực tiếp tham chiến chống IS.
Theo một quan chức khác, động thái này chỉ là một sự “điều chỉnh” chứ không “thay đổi” chiến lược chống IS của Washington.
Nguồn tin cho biết thêm lực lượng đặc nhiệm Mỹ sẽ được bố trí ở miền Bắc Syria và có thể sẽ phối hợp với lực lượng người Kurd và các đồng minh trong thành phần nhóm “Các lực lượng Dân chủ Syria”.
Giới chức Mỹ cũng khẳng định Washington chưa có kế hoạch tăng cường binh sĩ tới Iraq, mà nhiều khả năng sẽ điều phối lại lực lượng có sẵn hiện nay để hợp tác hiệu quả hơn với các lực lượng Iraq.
Bên cạnh đó, Washington cũng sẽ tăng cường cho các lực lượng đang đóng tại căn cứ không quân Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ các máy bay cường kích A-10 và máy bay tiêm kích F-15.
Mỹ triển khai thêm 12 chiếc A-10 áp sát biên giới phía Bắc Syria
Động thái của Mỹ diễn ra trong bối cảnh đại diện 17 quốc gia đang tham dự Hội nghị Quốc tế Mở rộng về giải quyết cuộc khủng hoảng Syria diễn ra tại thủ đô Vienna của Áo.
Đại diện 17 nước tham dự hội nghị gồm Nga, Mỹ, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Jordan, Đức, Pháp, Ai Cập, Italy, Anh, Iraq, Liban, Oman và Trung Quốc.
Có thể thấy, Mỹ đang cố gắng giành lại lợi thế trên thực địa vốn đang nằm trong tay Nga và lực lượng chính phủ Syria. Nếu giúp phe nổi dậy lật ngược thế cờ, Mỹ sẽ có “vốn liếng” cho các cuộc đàm phán tiếp theo về Syria.
Nga ra oai
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Nga Sergei Ryabkov tuyên bố không nước nào có quyền sử dụng lực lượng quân sự tại Syria nếu không được sự đồng ý của Chính phủ Syria.
Hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời Phó Thủ tướng Ryabkov nhấn mạnh việc sử dụng lực lượng quân sự dưới bất kỳ hình thức nào tại Syria nếu không có sự nhất trí của chính quyền Damascus đều là hành động "không thể chấp nhận được".
Phi công Nga tại Syria
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov ngày 30/10 tuyên bố rằng nhưng thông tin mà Mỹ đưa ra về việc các cuộc không kích của Nga tại Syria không nhằm vào IS là hoàn toàn sai lệch.
Tướng Konashenkov bác bỏ những tuyên bố của người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Nga Will Stevens cho rằng có tới 80% các vụ không kích của Nga không trúng các mục tiêu của IS tại Syria, mà nhằm vào phe đối lập, kể cả lực lượng mà phương Tây gọi là "ôn hòa" ở Syria.
Ông Konashenkov ám chỉ rằng phát biểu của vị Đại sứ Stevens cho thấy Mỹ coi IS hay các tổ chức khủng bố như "Jabhat Al-Nusra" và "Jaish Al-Fatah" là lực "lượng đối lập ôn hòa".
Ông Konashenkov phê phán việc một nhà ngoại giao Mỹ ở Moskva lại đưa ra những phát biểu nhân danh Bộ ngoại giao Mỹ dựa trên những thông tin sai lệch.
Máy bay Su-24M của Nga tại căn cứ Hmeimim, Syria
Từ ngày 30/9, Nga đã mở chiến dịch không kích chống IS tại Syria. Chiến dịch này của Nga diễn ra sau khi có sự đề nghị chính thức từ chính quyền của Tổng thống Bashar Al Assad.
Chỉ sau khoảng một tháng, chiến dịch chung giữa lực lượng không quân Nga và quân đội Syria chống IS đang đạt được "những thành quả lớn". Ngược lại, Mỹ và lực lượng liên quân của hàng chục nước tiến hành không kích chống IS tại Iraq và Syria từ hơn một năm qua, nhưng vẫn không đánh bại được lực lượng khủng bố này.
Đến nay, Nga vẫn tuyên bố sẽ không triển khai lực lượng bộ binh ở Syria. Tổng thống Nga Vladimia Putin khẳng định Nga chỉ tiến hành ném bom tiêu diệt các mục tiêu của IS ở Syria, đồng thời khẳng định Nga không muốn dính líu đến cuộc chiến tranh giữa các tôn giáo tại Syria.
Theo thông báo mới nhất của Bộ Quốc phòng Nga, trong vòng một tháng qua, không quân Nga đã phá hủy hơn 1.600 mục tiêu của IS với gần 1.400 lần xuất kích. Trong số các mục tiêu bị tiêu diệt có 249 điểm chỉ huy, liên lạc, 51 trại huấn luyện, 35 nhà máy chế tạo vũ khí, 131 kho đạn dược, nhiên liệu, 371 cứ điểm cùng 786 trại dã chiến và các căn cứ khác.
Bên cạnh đó, không quân Nga cũng hỗ trợ quân đội Syria giải phóng hơn 50 điểm dân cư khỏi lực lượng khủng bố.