Hãng RIA Novosti ngày 17/6 dẫn lời Bộ trưởng Hải quân Mỹ Ray Mabus cho rằng, sự hiện diện của chiến hạm Mỹ ở Biển Đen là nhằm ngăn chặn xung đột cũng như giữ cho các tuyến hàng hải được thông mở.
“Chúng tôi sẽ hiện diện ở đó. Chúng tôi đang làm công tác ngăn chặn. Đó là lý do chính cho sự hiện diện của chúng tôi nhằm ngăn chặn những xung đột có thể xảy ra”, Bộ trưởng Ray Mabus nói khi đang ở trên chiếc tàu khu trục USS Mason của Mỹ ở Địa Trung Hải.
Theo Công ước Montreux năm 1936, tàu thuyền của các quốc gia không có đường ranh giới trên Biển Đen sẽ không được phép có mặt ở Biển Đen quá 21 ngày.
Trước đó, hôm 6/6, tàu khu trục USS Porter DDG 78 của Hải quân Mỹ đã đi vào Biển Đen “tiến hành hoạt động thường xuyên trong khuôn khổ các cuộc hải hành theo kế hoạch”.
Mục tiêu của kế hoạch là nhằm tăng cường hòa bình và ổn định ở vùng Biển Đen, chứng minh cam kết của Mỹ về an ninh tập thể với đồng minh NATO và hỗ trợ các đối tác của Washington ở châu Âu.
USS Porter DDG 78 sẽ ghé thăm các cảng Biển Đen thuộc các đồng minh NATO của Mỹ, sẽ tổ chức cuộc tập trận song phương với đội tàu các nước đối tác. Dự kiến, tàu cũng sẽ cập cảng Odessa của Ukraine.
Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ sau đó ra thông báo cho biết, tàu ngầm của nước này đã được lệnh có mặt ở Biển Đen để bảo vệ tàu khu trục hạm USS Porter DDG 78 trong thời gian chiến hạm Mỹ thực thi nhiệm vụ ở khu vực.
Trong khi đó, Vụ trưởng Vụ Hợp tác châu Âu của Bộ Ngoại giao Nga, ông Andrey Kelin cho biết: “Thỉnh thoảng tàu Mỹ lại vào Biển Đen”, và “Tất nhiên, chúng tôi không hoan nghênh, và không có gì ngạc nhiên khi chúng tôi buộc phải đưa biện pháp phản ứng”.