Hải quân Việt Nam - Trung Quốc xuyên bão tuần tra chung

Hải quân Việt Nam - Trung Quốc xuyên bão tuần tra chung
“Hồng Hà gửi Thái Sơn. Chúng ta đã hoàn thành đợt tuần tra liên hợp lần thứ 15 và luyện tập tìm kiếm cứu nạn thành công. Thông qua hoạt động tuần tra liên hợp, Hải quân hai nước đã đóng góp vào việc xây dựng và bảo vệ vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc như một vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, vì lợi ích của mỗi bên, đóng góp vào việc duy trì trật tự, an ninh trong khu vực”.
Tàu của Hải quân Việt Nam và Trung Quốc diễn tập tìm kiếm cứu nạn
Tàu của Hải quân Việt Nam và Trung Quốc diễn tập tìm kiếm cứu nạn.

Đây là nội dung bức điện của chỉ huy biên đội tàu Việt Nam gửi phía Trung Quốc nhân kết thúc chuyến tuần tra liên hợp Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 15 và luyện tập chung tìm kiếm cứu nạn (từ ngày 23 đến ngày 24/6/2013)...

Đi vào tâm bão

Ngày 22/6, bão số 2 di chuyển với tốc độ chóng mặt, từ phía Biển Đông hướng vào các tỉnh Bắc Bộ. Đoàn công tác tham gia tuần tra liên hợp thắc thỏm, lo phía bạn báo hoãn. Trước đó, mọi công tác chuẩn bị cho chuyến tuần tra liên hợp đã được hoàn tất gọn gàng, sẵn sàng chờ lệnh xuất phát.

Đến 14 giờ chiều, khi phía bạn thông báo vẫn thực hiện tuần tra theo kế hoạch, cán bộ chiến sĩ Hải quân Việt Nam không giấu được niềm vui. Vậy là không uổng công chuẩn bị trước đó hàng tháng trời. Gió mưa thì mặc gió mưa, xé bão mà đi vì những dặm biển bình yên và hữu nghị.

Tại khu vực Quân cảng Vùng 3 Hải quân, hai chiếc tàu chiến hiện đại của Hải quân Việt Nam chờ sẵn. Trên boong tàu, các chiến sĩ hải quân Việt Nam hoàn tất công tác kiểm tra kỹ thuật và luyện tập đối phó với các tình huống bất trắc có thể xảy ra. Mặc cho gió thốc ầm ầm, mang theo hơi mặn của đại dương, phả vào mắt, vào mặt, phủ lên thành tàu một lớp muối trắng xóa, những người con của biển cả vẫn hồi hộp, sẵn sàng nhận lệnh lên đường.

Tham gia đợt tuần tra trên vùng biển vịnh Bắc Bộ, về phía Việt Nam có hai tàu HQ 011 (Đinh Tiên Hoàng) và HQ 012 (Lý Thái Tổ) thuộc Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân. Phía Trung Quốc cử hai tàu tên lửa mang số hiệu 568 và 570, thuộc Hạm đội Nam Hải, tham gia đợt tuần tra.

Theo biên bản thỏa thuận đã được Hải quân 2 nước ký từ năm 2005, hằng năm, Hải quân hai nước sẽ tổ chức hai chuyến tuần tra liên hợp trên vùng biển vịnh Bắc Bộ và kế hoạch tuần tra cũng được luân phiên hai bên xây dựng. Đây là một hoạt động nằm trong chiến lược đối ngoại quốc phòng sáng tạo của Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam. Chuyến tuần tra liên hợp lần này là lần thứ 15 kể từ khi Hải quân hai nước ký thỏa thuận tuần tra liên hợp.

Đúng 16 giờ chiều 22/6, trên boong kỳ hạm mang số hiệu HQ 012, Thượng tá Phạm Văn Hoạt, Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 162, Chỉ huy biên đội tàu của Hải quân nhân dân Việt Nam phát lệnh xuất phát. Ngoài trời, mưa như quất roi xuống mặt biển. Gió rít ầm ầm, thổi thốc trên boong tàu.

Tiếng Chính trị viên Nguyễn Hồng Bàng vang lên rành rọt, dứt khoát: “Chỉ còn ít phút nữa là biên đội tàu chúng ta bước vào tuyến tuần tra chung với Hải quân Trung Quốc. Trong điều kiện sóng gió khắc nghiệt, đây là lúc cần phát huy cao độ sức chịu đựng sóng gió trong thực hiện nhiệm vụ...!”.

Ít phút sau, chiếc HQ 012 từ từ rời khỏi Quân cảng Đà Nẵng. Trên cột cờ của tàu, mặc cho gió bão vần vũ, lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh phần phật bay trong gió lộng. Ra khỏi đốc cảng, chiếc HQ 012 xoay ngang. Toàn bộ sĩ quan, thủy thủ trên tàu dàn thành hàng ngang trên boong, đứng nghiêm trang chào quân cảng. Ba hồi còi rền vang một vùng biển. Có một cái gì đó dâng lên ngang ngực, nghẹn ngào.

Thực hiện xong nghi lễ chào quân cảng, chiếc HQ 012 quay mũi hướng ra khơi. Phía sau nó, chiếc tàu kỳ viên HQ 011 lặng lẽ bám theo. Cả hai nhanh chóng thực hiện đội hình hàng dọc lệch, khoảng cách giữa hai tàu khoảng 3-5 liên.

Phía trước là tâm bão, cũng là đợt tuần tra liên hợp lần thứ 15 và cuộc luyện tập chung tìm kiếm cứu nạn giữa Hải quân hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Một lần nữa, các cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam lại ra khơi thực hiện nhiệm vụ của quân chủng, của đất nước giao phó.

Vượt sóng tuần tra

Khởi hành khi cơn bão số 2 đang quần đảo ở Biển Đông, hai con tàu của Hải quân Việt Nam mải miết đè lên những con sóng lừng, hướng tới điểm hẹn ngoài khơi xa.

Ngày mới bắt đầu cũng là lúc hai tàu của Hải quân nhân dân Việt Nam từ từ tiến vào điểm tập kết. Những hoạt động chuẩn bị phối hợp với phía bạn được khẩn trương tiến hành. Phía bên kia đường phân định ranh giới vịnh Bắc Bộ, hai tàu của Hải quân Trung Quốc mang số hiệu 568 và 570 cũng đã có mặt.

Khi gặp nhau, biên đội tàu của Hải quân hai nước cùng thực hiện chào nhau thông qua kênh liên lạc đàm thoại bằng tín hiệu cờ. “Chào các bạn Hải quân nhân dân Việt Nam, chúc các bạn có chuyến tuần tra liên hợp với Hải quân Quân giải phóng Trung Quốc thành công tốt đẹp”, khẩu lệnh chào của phía tàu Trung Quốc thông qua thủy thủ hai bên đánh bằng tín hiệu cờ tay. Sau công tác kiểm tra kênh thông tin liên lạc và gửi điện chào nhau, tàu tuần tra hai bên đồng thời tiến vào tuyến tuần tra của mình theo đội hình hàng ngang cách tuyến tuần tra chuẩn 1 hải lý. Đội hình tuần tra mỗi bên theo hàng dọc, khoảng cách giữa các tàu từ 3-5 liên.

Đúng 7 giờ 30 phút sáng 23/6, đợt tuần tra liên hợp bắt đầu. Hai biên đội tàu đi song song theo đường dích dắc, dọc theo đường phân giới trên vịnh Bắc Bộ. Hai bên duy trì tốc độ trung bình 13 hải lý/giờ, tùy theo điều kiện cụ thể trên biển có thể giảm xuống 9 hải lý/giờ, hoặc tăng lên 14 hải lý/giờ.

Quá trình tổ chức tuần tra, hai bên đã thường xuyên trao đổi thông tin và xử lý các tình huống về an toàn hàng hải và các vấn đề liên quan. Qua đó đã nâng cao khả năng phối hợp xử lý tình huống khi tàu của hai bên hoạt động, tuần tra trên biển.

Cùng cứu người giữa ngàn khơi sóng gió

Một trong những nội dung chính của đợt tuần tra liên hợp Việt Nam – Trung Quốc lần thứ 15 là luyện tập chung tìm kiếm cứu nạn. Cả hai bên đều chuẩn bị kỹ lưỡng cho hoạt động này.

Sáng sớm ngày 24/6, hai biên đội tàu Việt Nam và Trung Quốc bước vào đợt luyện tập chung tìm kiếm cứu nạn trên vùng biển phía đông đảo Thanh Lân của Việt Nam.

Tình huống giả định là một tàu cá của Việt Nam (hoặc Trung Quốc) và người trên tàu bị nạn trên vùng biển vịnh Bắc Bộ. Cơ quan tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam (hoặc Trung Quốc) nhận được thông tin, tín hiệu báo cấp cứu khẩn cấp và vị trí tương đối của các mục tiêu gặp nạn. Ngay lập tức lực lượng tuần tra liên hợp của Việt Nam – Trung Quốc nhận được thông tin tàu bị nạn và tổ chức tìm kiếm cứu nạn.

Bắn pháo hiệu lệnh bắt đầu luyện tập tìm kiếm cứu nạn
Bắn pháo hiệu lệnh bắt đầu luyện tập tìm kiếm cứu nạn.

Đúng 6 giờ ngày 24/6, hai kỳ hạm cùng tuyên bố bắt đầu luyện tập tìm kiếm cứu nạn, gửi điện thông báo: “Bắt đầu luyện tập phối hợp tìm kiếm cứu nạn”. Tàu kỳ hạm mỗi bên bắn 3 phát đạn tín hiệu màu đỏ (tàu Việt Nam bắn trước, tàu Trung Quốc bắn trả lời).

Báo động toàn tàu HQ 012, chuẩn bị tác chiến tìm kiếm cứu nạn. Tất cả cán bộ, chiến sĩ làm việc trên mặt boong đều mặc áo phao ra bên ngoài quân phục Hải quân. Trên boong tàu, Phó thuyền trưởng, Thượng úy Trần Văn Vương, chỉ huy anh em thủy thủ chuẩn bị các phương tiện, sẵn sàng tìm người bị nạn.

Trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 6 giờ 20 phút, hai bên chia sẻ thông tin về khu vực tàu bị nạn, tính chất tàu như chìm, cháy, độ nổi, thời gian duy trì sức sống, tình hình thương vong về người, điều kiện khí tượng thủy văn.

Hoạt động luyện tập bước vào giai đoạn cao điểm khi biên đội tàu hai bên bắt đầu chuyển hướng, vận động đến vị trí đã định để thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn. Tại các vị trí này, tàu kỳ hạm của mỗi bên thả một mục tiêu giả định tàu bị nạn (một phao tròn cứu sinh, sơn màu đỏ trắng, cắm cờ và bắt đầu cho phát khói màu vàng báo hiệu), đồng thời thông báo cho nhau về tọa độ thả mục tiêu.

Ngoài trời lúc này mưa nặng hạt. Mặt biển, do ảnh hưởng từ hoàn lưu bão, trở nên đen sẫm. Những con sóng lừng cao như ngôi nhà hai tầng, dưới sự “trợ giúp” của gió cấp 8, cấp 9, nối tiếp nhau ập vào thành tàu. Những con sóng to, không cam lòng bị bỏ lại phía sau, trùm lên đuôi tàu, để lại lớp bọt trắng xóa. Cán bộ, chiến sĩ hải quân hai bên đều ngâm nước biển ướt sũng. Có lúc, con tàu nghiêng ngả trước những cơn sóng dữ. Điều kiện sóng nhồi dồn dập khiến việc phát hiện mục tiêu càng trở nên khó khăn.

Cán bộ, chiến sĩ hải quân hai bên vẫn kiên trì tìm kiếm giữa muôn trùng sóng gió, tích cực quan sát phát hiện mục tiêu bị nạn. Chỉ trong vòng hơn 30 phút triển khai các phương án tìm kiếm cứu nạn, tàu của hai nước đều đã tìm kiếm được mục tiêu bị nạn, tổ chức sơ cứu và trao trả người bị nạn cho nhau. Xuyên bão biển, nụ cười rạng rỡ mừng thành công của các chiến sĩ, cán bộ hải quân hai bên khiến một góc đại dương bừng sáng.

Đến 7 giờ 30 phút ngày 24/6, hoạt động luyện tập chung tìm kiếm cứu nạn hoàn thành. Ba phát tín hiệu màu xanh (tàu Trung Quốc bắn trước, tàu Việt Nam trả lời) được bắn lên, cùng lúc tàu kỳ hạm của lực lượng tuần tra hai nước phát lệnh: “Kết thúc luyện tập tìm kiếm cứu nạn”. Sau khi hoàn thành luyện tập chung, tàu bạn dẫn đường cho biên đội tàu hải quân Việt Nam hành quân về Trạm Giang, thực hiện kế hoạch giao lưu hữu nghị với Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc.

Hải trình của hòa bình, hữu nghị

Chuyến tuần tra lần thứ 15 của Hải quân Việt Nam và Hải quân Trung Quốc đã thực hiện đúng kế hoạch và mục tiêu đề ra, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và phương tiện. Việc tổ chức tuần tra liên hợp và luyện tập tìm kiếm cứu nạn thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị, tin cậy lẫn nhau và tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, giao lưu giữa Hải quân hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp, góp phần duy trì trật tự, an ninh trên vùng biển vịnh Bắc Bộ.

Đêm 24/6, biên đội tàu Việt Nam thả neo ở eo biển Quỳnh Châu của nước bạn, chờ sớm mai cập cảng Trạm Giang, thăm và giao lưu hữu nghị.

24 giờ xuyên bão tuần tra chung với các tàu của Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc trên hành trình gần 300 hải lý là một hải trình không thể nào quên. Đó là hải trình của hòa bình, hữu nghị, bảo đảm chủ quyền quốc gia trên vùng biên hải của Tổ quốc. Những người lính hải quân trong biên đội tàu Việt Nam đã trải qua gian nan vất vả, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, nhân dân và quân đội giao phó.

Đêm trên eo biển Quỳnh Châu thật đẹp. Mặt biển lung linh nom như một tấm gương khổng lồ phản chiếu ánh sáng từ bầu trời đầy sao. Biên đội tàu của Hải quân Việt Nam đậu im lìm, thi thoảng, một vài con sóng nghịch ngợm dập dềnh ào đến vỗ về mạn tàu.

Giữa yên tĩnh, chợt nghe tiếng hát từ phía sau tàu vọng lại: “Cho dẫu mai đây, xa ánh đèn thành phố. Anh đến buông neo nơi thăm thẳm ánh sao trời…”. Ngước nhìn bầu trời đêm, xa xa phía Tổ quốc, từng chùm sao lấp lánh.

Lại nhớ tới những hồi còi trầm hùng vang vọng giữa biển khơi như lời nhắn gửi mong muốn có một vùng biển bình yên, hữu nghị, mà chuyến tuần tra liên hợp lần thứ 15 và luyện tập tìm kiếm cứu nạn thành công là minh chứng rõ nét.

Theo Quân đội Nhân dân

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.