Tháng Tư giữa Trường Sa

Tháng Tư giữa Trường Sa
TP - Trung tuần tháng 4, tàu HQ 561 nhổ neo rời cảng Cam Ranh đạp sóng ra Trường Sa với hành trình qua 11 đảo chìm, đảo nổi, nhà dàn Trường Sa.

> Tình nguyện ra Trường Sa dạy học
> Trường Sa có thêm hai ngôi chùa

Trường Sa yên bình…

Đoàn công tác số 4 gồm gần 200 viên chức công đoàn cả nước dưới sự chỉ huy của Đại tá Nguyễn Đức Nho, Phó tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân, xuất phát từ cảng Cam Ranh đạp sóng ra Trường Sa.

Thời tiết đầu tháng Tư tương đối thuận lợi, mưa ít, sóng nhẹ. Chị Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động, Chủ tịch Công đoàn viên chức Việt Nam, tâm sự: “Lần đầu tiên đặt chân tới Trường Sa, mang theo tình cảm gửi gắm của người đất liền, không nói ra nhưng chị em chúng tôi ai nấy đều hồi hộp”.

Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Vân (Hội Nhà báo Khánh Hòa) chia sẻ, dù đã 3 lần ra Trường Sa nhưng chị vẫn chưa nguôi cảm xúc kỳ lạ dâng lên mỗi lần đặt chân lên những đảo nhỏ. Đi và say sóng, tỉnh lại rồi vẫn… muốn đi.

Lần lượt những đảo chìm, đảo nổi Đá Nam, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa lớn… Đảo trưởng Trịnh Công Lý (đảo Sinh Tồn), bộc bạch: “Nói thật là chúng tôi dường như không có cảm giác cô quạnh. Lính đảo bây giờ không phải như trước, hầu hết anh em đều tự trang bị các phương tiện công nghệ hiện đại, liên lạc với người thân mọi lúc mọi nơi khi cần”.

Đặt chân tới Trường Sa lớn, hòn đảo lớn nhất quần đảo, cũng là lúc những cơn mưa đầu hạ bắt đầu đổ xuống. Nơi đây có sân bay, có điện gió, trường học, trạm y tế hiện đại, không thiếu nước ngọt, cây xanh. Quân dân trên đảo hiền hòa đón khách, như những người thân quen từ bao giờ.

Thư gửi bố giữa Gạc Ma

Con gái Trần Thị Thu Hà tại nơi bố Trần Đức Thông hy sinh 25 năm về trước
Con gái Trần Thị Thu Hà tại nơi bố Trần Đức Thông hy sinh 25 năm về trước.
 

Trên hành trình Trường Sa, theo thông lệ, đoàn dừng lại vùng biển Cô Lin-Gạc Ma dâng hương tưởng niệm 64 cán bộ chiến sĩ hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo ngày 14/3/1988.

 “Chuyến thăm Trường Sa lần này là mong muốn lớn lao của cả gia đình tôi, để con gái được một lần thắp hương cho bố ngay tại nơi bố vĩnh viễn nằm xuống”.  

Chị Trần Thị Thu Hà

Giây phút ấy, gần như bất ngờ diễn ra một hình ảnh cảm động. Một nữ thượng úy công an trong quân phục của ngành đưa tay chào trang nghiêm trước vòng hoa nghi ngút khói hương, hoa đăng, rồi bật khóc lớn, gọi tên bố.

Chị chính là Trần Thị Thu Hà, con gái duy nhất của Trung tá Anh hùng Trần Đức Thông, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146 – Vùng 4 Hải quân, người đã chỉ huy giữ đảo và anh dũng hy sinh ngay trên vùng biển này.

Rồi chị lấy ra một bức thư viết gửi bố khẽ đọc lên giữa gió biển ào ạt, và châm lửa hóa lá thư ấy thả xuống biển khơi. Cả đoàn không ai nén được xúc động, nhiều tiếng nấc nghẹn ngào.

“Chuyến thăm Trường Sa lần này là mong muốn lớn lao của cả gia đình tôi, để con gái được một lần thắp hương cho bố ngay tại nơi bố vĩnh viễn nằm xuống. Tròn 25 năm trước, khi tôi đang học cấp 3 ở quê Hà Nam, bố tôi đã hy sinh được mấy ngày nhưng gia đình tôi vẫn chưa hề biết tin. Một tuần sau đó không hiểu sao tôi thấy nóng ruột, viết một lá thư gửi vào đơn vị của bố ở Vùng 4 Hải quân này. Nhưng bố tôi đã không thể nào đọc được lá thư ấy nữa…”, giọng chị Hà nghẹn lại.

Tôi chợt nhớ trong truyện ngắn “Mây trắng còn bay”, nhà văn Bảo Ninh kể chuyện có người mẹ già lam lũ lần đầu tiên ngồi trên máy bay. Mẹ cứ khẩn khoản nhờ cô tiếp viên khi nào bay qua sông Bến Hải thì báo giùm mẹ biết. Khi máy bay ngang qua vùng vĩ tuyến xưa, mẹ già lập cập mang ra tấm ảnh một phi công trẻ cắt từ trên báo, nải chuối xanh, mấy cái oản, rồi lặng lẽ thắp hương …

Tiếp viên hoảng hốt vì an toàn bay, hành khách khó chịu, còn mẹ già khẩn khoản: “Bác ơi, van bác… Chẳng là bác ạ, bữa nay giỗ thằng cả nhà tôi. Non ba chục năm rồi, bác ơi, tôi mới lên được miền cháu khuất”. Thì ra con mẹ là phi công, hy sinh trên vùng trời này. Ngày giỗ, đồng đội cũ của con trai góp tiền mua cho mẹ chiếc vé máy bay để lên trời thăm con.

Chuyển lời lính đảo

Lính đảo Sinh Tồn, Lê Minh Phú (19 tuổi), kể: “So với thế hệ các chú các bác ngày trước, bây giờ lính đảo tụi em “sướng” hơn nhiều, nhất là về phương tiện thông tin liên lạc. Hàng ngày, từ đảo xa, chúng em vẫn có thể chia sẻ ngay với bạn bè, gia đình trong đất liền những suy nghĩ, nỗi vui buồn nhớ nhung”.

Cũng như Phú, chàng lính trẻ 22 tuổi Nguyễn Bá Linh, chân thành: “Em đã “mê” Trường Sa từ khi còn học cấp 2, và đã từng đăng ký xin đi Trường Sa khi chưa đủ tuổi. Bây giờ đủ tuổi và được ra Trường Sa canh giữ đảo, là điều em toại nguyện. Chỉ tiếc là thời gian được ở lại hơi ngắn so với ước muốn của mình”.

Hằng ngày, Phú, Linh cùng những chàng lính trẻ trên đảo đều gửi thông điệp của mình qua điện thoại với các bạn bè cùng lứa đang theo học những trường đại học trong đất liền.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, ông Bùi Hải, thành viên trong đoàn, chia sẻ: “Có thể nhiều người trong đoàn chúng tôi đã sống qua hai phần đời mới có dịp ra Trường Sa. Nhưng tôi tin chắc rằng giữa Trường Sa sóng gió này, được mắt thấy tai nghe về hình ảnh đêm ngày bảo vệ chủ quyền biển đảo cũng như sự hy sinh lớn lao của anh em cán bộ chiến sĩ nơi đây, chúng tôi đã làm được một việc lớn có ý nghĩa trong đời. Về lại đất liền, bằng trách nhiệm và tình cảm, chúng tôi - chúng ta sẽ góp sức nhiều hơn nữa tuyên truyền, ủng hộ vật chất lẫn tinh thần, góp sức vào công cuộc đấu tranh bảo vệ biển đảo của Tổ quốc”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Một ngày của Hoa hậu Thanh Thủy
Một ngày của Hoa hậu Thanh Thủy
TPO - Hoa hậu Thanh Thủy cho biết cô trở lại Hà Nội với tâm thế hào hứng và hạnh phúc. Cô thích không khí và ẩm thực ở thủ đô. "Bây giờ tôi trở lại với cương vị mới và thành tích tuyệt vời trên đấu trường quốc tế", cô nói.