Huyền thoại 'siêu tiêm kích' đánh chặn Mig-31 (kỳ II)

Huyền thoại 'siêu tiêm kích' đánh chặn Mig-31 (kỳ II)
TPO - Mig-31 ngay từ ý tưởng thiết kế đã phải phù hợp với học thuyết phòng thủ đường không và không gian đương thời, đồng thời được phân loại là hệ thống máy bay tiêm kích chiến lược.

Huyền thoại 'siêu tiêm kích' đánh chặn Mig-31 (kỳ II)

> 'Siêu tiêm kích' chiến lược Mig-31 và cuộc đối đầu siêu cường (kỳ I)>

> Ẩn số sức mạnh Không quân Nga 

TPO - Mig-31 ngay từ ý tưởng thiết kế đã phải phù hợp với học thuyết phòng thủ đường không và không gian đương thời, đồng thời được phân loại là hệ thống máy bay tiêm kích chiến lược.

Huyền thoại 'siêu tiêm kích' đánh chặn Mig-31 (kỳ II) ảnh 1
 

Máy bay tiêm kích chiến lược Mig-31 là một hệ thống vũ khí đường không được thiết kế chuyên biệt cho các nhiệm vụ phòng thủ và tấn công chiến lược thuộc lực lượng tiêm kích phòng không Liên Xô và Nga nhằm đáp lại nguy cơ bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân tầm xa mang phóng từ lực lượng máy bay tấn công chiến lược và các hệ thống vũ khí tấn công hạt nhân từ quĩ đạo thấp của Không quân Mỹ.

Chống máy bay tấn công chiến lược mang tên lửa hành trình hạt nhân tầm xa – nhiệm vụ chiến lược thứ nhất của hệ thống Mig-31

Máy bay B-52H mang tên lửa hành trình tầm xa AGM-86B ALCM tiến hành phi vụ tuần phòng hạt nhân (Photo of FAS)
Máy bay B-52H mang tên lửa hành trình tầm xa AGM-86B ALCM tiến hành phi vụ tuần phòng hạt nhân (Photo of FAS).
 

Cuối những năm 1950, Không quân Mỹ đã phát triển và từng bước đưa vào trang bị các loại tên lửa đường đạn và tên lửa hành trình mang đầu nổ hạt nhân mang phóng từ máy bay tấn công chiến lược nhằm vào các mục tiêu trọng yếu trên lãnh thổ Liên Xô. Trong số các dự án phát triển vũ khí hạt nhân của Không quân Mỹ có thể kể tới các dự án phát triển 2 loại tên lửa sau: Tên lửa hành trình phóng từ máy bay tấn công tầm xa GAM-77/AGM-28 Hound Dog (phát triển từ năm 1956, hoàn tất thử nghiệm vào năm 1959, trang bị từ năm 1960) và Tên lửa đường đạn phóng từ máy bay tấn công tầm xa GAM-87/AGM-48 Skybolt (phát triển từ năm 1958, hoàn tất thử nghiệm vào năm 1962, trang bị hạn chế trong năm 1963).

Đáng chú ý là các loại tên lửa trên được trang bị cho máy bay ném bom chiến lược B-52G hoặc B-52H thường xuyên bay tuần phòng hạt nhân quanh lãnh thổ Liên Xô, có thể được phóng khi máy bay cách mục tiêu tấn công từ 1.100km đối với GAM-77 và 1.850km đối với loại GAM-87.

Tên lửa hành trình tầm xa GAM-77/AGM-28 Hound Dog treo dưới cánh máy bay ném bom chiến lược B-52G (Photo of USAF)
Tên lửa hành trình tầm xa GAM-77/AGM-28 Hound Dog treo dưới cánh máy bay ném bom chiến lược B-52G (Photo of USAF).
Tên lửa đường đạn GAM-87/AGM-48 Skybolt chờ gắn lên cánh máy bay B-52G (Photo of USAF)
Tên lửa đường đạn GAM-87/AGM-48 Skybolt chờ gắn lên cánh máy bay B-52G (Photo of USAF).
 

Trong thập niên 1960-1970, Không quân Mỹ phát triển loại tên lửa tấn công tầm ngắn mang đầu nổ hạt nhân phóng từ máy bay AGM-69 SRAM (phát triển từ năm 1964, hoàn tất thử nghiệm năm 1971, trang bị từ năm 1972) thay thế GAM-77 và GAM-87 để trang bị cho lực lượng máy bay tấn công chiến lược B-52G/H và FB-111A. Dù tầm phóng ngắn (55 km khi được phóng từ độ cao thấp và 160km khi được phóng trên cao) nhưng tên lửa AGM-69 tỏ ra rất nguy hiểm nhờ khả năng tự dẫn chính xác khi đi kèm máy bay tấn công chiến lược tầng thấp FB-111A hay máy bay tấn công chiến lược tầng cao B-52G/H.

Tên lửa tấn công hạt nhân tầm ngắn AGM-69 SRAM gắn trên ổ xoay trong khoang bom của máy bay B-52 (Photo of USAF)
Tên lửa tấn công hạt nhân tầm ngắn AGM-69 SRAM gắn trên ổ xoay trong khoang bom của máy bay B-52 (Photo of USAF).

Thập niên 1970-1980, không quân Mỹ quay về với ý tưởng trang bị tên lửa hành trình tấn công hạt nhân tầm xa mang phóng từ máy bay với loại tên lửa AGM-86 ALCM (phát triển từ năm 1974, hoàn tất thử nghiệm năm 1979 và trang bị năm 1981). Sử dụng hệ dẫn đường quán tính kết hợp đối chiếu địa hình thực TERCOM, bản AGM-86B ALCM có thể được phóng đi từ máy bay tấn công chiến lược B-52G/H khi bay cách mục tiêu tấn công tới 2400km.

Với các loại tên lửa hành trình tấn công tầm xa phóng từ máy bay rất khó bị bắn hạ nêu trên, Không quân chiến lược Mỹ có khả năng phát động đòn tấn công ngay khi đang tiến hành tuần phòng hạt nhân xuống các mục tiêu từ khoảng cách nằm ngoài tầm với của lực lượng phòng không mặt đất hay tiêm kích phòng không thông thường của đối phương.

Tên lửa hành trình tầm xa AGM-86B mang phóng từ máy bay tấn công chiến lược B-52 (Photo of USAF)
Tên lửa hành trình tầm xa AGM-86B mang phóng từ máy bay tấn công chiến lược B-52 (Photo of USAF).

Như vậy, nhiệm vụ của hệ thống Mig-31 là phải phát hiện và bắn hạ máy bay tấn công chiến lược mang tên lửa hành trình đang tuần phòng hạt nhân của Mỹ trước khi chúng kịp tới khu vực phóng tên lửa.

Chống hệ thống vũ khí tấn công chiến lược từ quĩ đạo thấp – nhiệm vụ chiến lược thứ 2 của hệ thống Mig-31

Bên cạnh nỗ lực phát triển và trang bị các loại tên lửa hành trình mang đầu nổ hạt nhân mang phóng từ máy bay nêu trên, Mĩ tiếp tục phát động cuộc đua vũ trang không gian bằng chương trình phát triển hệ thống vận chuyển không gian lưỡng dụng Space Transportation System (STS), hay còn gọi là Chương trình Tàu con thoi từ đầu năm 1972 và đưa vào sử dụng từ năm 1981.

Theo thiết kế, STS gồm hệ thống các tàu không gian có thể tái sử dụng được phóng từ các bệ phóng di động, dùng để vận chuyển vệ tinh và các khí tài không gian lên quĩ đạo thấp của Trái đất, rồi trở về căn cứ chỉ định theo cách thức hạ cánh thông thường của máy bay. Trong con mắt của các nhà chiến lược quân sự Liên Xô, STS chính là một cấu phần của hệ thống vũ khí tấn công chiến lược có tính chất tương tự hệ thống vũ khí tấn công từ quĩ đạo thấp Fractional Orbital Bombardment System (FOBS) do Liên Xô phát triển từ thập niên 1960.

Tàu con thoi thuộc Hệ thống vận chuyển không gian STS của Mĩ được coi là một cấu phần của Hệ thống vũ khí tấn công từ quĩ đạo thấp (Photo of NASA)
Tàu con thoi thuộc Hệ thống vận chuyển không gian STS của Mỹ được coi là một cấu phần của Hệ thống vũ khí tấn công từ quĩ đạo thấp (Photo of NASA).
 

Như vậy, nhiệm vụ của hệ thống Mig-31 là kết hợp với các hệ thống cảnh giới, theo dõi không gian và vũ khí chống vệ tinh quĩ đạo thấp bố trí trên mặt đất (hệ thống vũ khí năng lượng định hướng hay chùm hạt) và trong không gian (hệ thống máy phóng mìn hạt nhân) phát hiện, đeo bám và phóng tên lửa chống vệ tinh nhằm vô hiệu các cấu phần thuộc hệ thống vũ khí tấn công từ quĩ đạo thấp của Mỹ.

Mang phóng tên lửa đẩy vệ tinh lưỡng dụng vào không gian – nhiệm vụ chiến lược thứ 3 của hệ thống Mig-31

Phóng tên lửa đẩy mang vệ tinh hay khí tài quân sự vào không gian từ hệ thống phóng cơ động có các ưu nhược điểm nhất định so với hệ thống phóng cố định từ bãi phóng. Đối với hệ thống phóng cơ động trên máy bay, các ưu điểm so với hệ thống phóng cố định bao gồm: nâng cao khả năng bảo toàn năng lực phóng trước đòn tấn công hủy diệt của đối phương nhằm vào cơ sở phóng; giảm nguy cơ bị hệ thống tình báo mặt đất và không gian của đối phương theo dõi và giám sát quá trình phóng; tùy chọn vị trí kinh tuyến của điểm phóng để đưa vệ tinh hay thiết bị quân sự không gian vào các quĩ đạo có độ cao và góc nghiêng khác nhau. Hệ thống tên lửa đẩy lưỡng dụng phóng từ máy bay có thể dùng vào việc phóng vệ tinh và thiết bị không gian, cũng như dùng vào việc phóng các vũ khí tấn công từ quĩ đạo thấp FOBS.

Mô hình Hệ thống phóng cơ động Mig-31I và tên lửa đẩy ISIM (Photo of www.airwar.ru)
Mô hình Hệ thống phóng cơ động Mig-31I và tên lửa đẩy ISIM (Photo of www.airwar.ru).
 

Như vậy, nhiệm vụ của hệ thống Mig-31 là sử dụng năng lực mang phóng tên lửa đẩy lưỡng dụng đưa vệ tinh, vũ khí và khí tài quân sự vào không gian để cùng các cấu phần khác của bộ đội tên lửa chiến lược và vũ trụ của Liên xô tạo thành năng lực răn đe tấn công chiến lược.

Việc tiếp cận hệ thống Mig-31 theo khái niệm hệ thống vũ khí chiến lược thay vì chiến thuật nêu ở phần trước cho phép làm rõ và giải thích hàng loạt vấn đề về nhiệm vụ, trang bị, triển khai, chiến thuật, kĩ thuật hàng không (cơ khí hàng không, khí tài và điện tử hàng không, vũ khí hàng không) liên quan tới loại máy bay này. Dưới đây sẽ trình bày cách phân loại hệ thống Mig-31 trong mối quan hệ với việc phân loại máy bay tiêm kích phòng không Liên Xô và Nga, với quá trình hợp nhất lực lượng tiêm kích phòng không và không quân, cũng như với quá trình chuyên biệt nhiệm vụ phòng thủ tên lửa và phòng thủ không gian nhằm làm rõ tính kế thừa, thay thế và phát triển của hệ thống vũ khí này.

Phân loại hệ thống Mig-31

Hệ thống Mig-31 tùy thuộc nhiệm vụ chiến lược được phân loại thành 2 phân hệ vũ khí chuyên biệt là Hệ thống máy bay tiêm kích đánh chặn mang tên lửa tuần phòng chiến đấu đối không tầm xa và Hệ thống máy bay tiêm kích mang vũ khí không gian và chống vũ khí không gian.

Hệ thống Mig-31 trong phân hệ máy bay thuộc lực lượng tiêm kích phòng không IA-PVO của Liên Xô và Nga

Lực lượng tiêm kích phòng không của Liên xô và Nga được phân chia theo nhiệm vụ thành các chủng loại máy bay tiêm kích phòng không chuyên biệt phù hợp với tầm và tầng phòng thủ đường không, trong đó tầm phòng thủ đường không là yếu tố chủ đạo trong phân định chủng loại máy bay. Các loại máy bay tiêm kích phòng không bao gồm: Máy bay tiêm kích đánh chặn phòng thủ điểm , Máy bay tiêm kích đánh chặn tuần phòng chiến đấu đối không , Máy bay tiêm kích đánh chặn tuần phòng chiến đấu đối không tầm xa và Máy bay tiêm kích đánh chặn vũ khí không gian.

Máy bay tiêm kích đánh chặn phòng thủ điểm là loại máy bay tiêm kích phòng không có tầm hoạt động cách sân bay căn cứ và mục tiêu bảo vệ tối đa tới 1.500km. Đặc trưng thứ nhất của nhóm máy bay tiêm kích này là có thể dùng chung chủng loại máy bay tiêm kích tiền phương, nhưng có điều chỉnh hệ vũ khí, khí tài chuyên biệt hoá cho nhiệm vụ phòng không nên thường có đuôi P sau tên chủng loại máy bay. Đặc trưng thứ hai của nhóm này là chỉ xuất kích khi có báo động phòng không và hoạt động chặt chẽ theo dẫn đường mặt đất. Nhiệm vụ của loại tiêm kích này là kết hợp với phòng không mặt đất bắn hạ mọi loại phương tiện bay xâm phạm không phận bảo vệ. Các máy bay tiêm kích phòng không thuộc nhóm này gồm: Mig-19P++, Mig-21P++, Mig-21M++, Mig-23P/M++, Su-9, Su-11, Su-15T++, Mig-29S++.

Máy bay tiêm kích đánh chặn Mig-23MLD thuộc nhóm Истребитель-перехватчик (Photo of www.airwar.ru)
Máy bay tiêm kích đánh chặn Mig-23MLD Photo of www.airwar.ru.
 

Máy bay tiêm kích đánh chặn tuần phòng chiến đấu đối không là loại máy bay tiêm kích phòng không có tầm hoạt động cách sân bay căn cứ và mục tiêu bảo vệ tối đa tới 2.500km. Đặc trưng của nhóm tiêm kích phòng không này là duy trì khả năng hoạt động trên không tương đối dài và khả năng tự lùng sục, đeo bám và bắn hạ mục tiêu mà không hoàn toàn lệ thuộc vào dẫn đường mặt đất.

Nhóm tiêm kích này lại được phân thành ngành tiêm kích cao tầng dùng chặn bắt, bắn hạ máy bay do thám hay tấn công tầng cao, ngành tiêm kích thấp tầng dùng lùng sục, đeo bám và bắn hạ tên lửa hành trình hoặc máy bay tấn công đột kích tầng thấp của đối phương và ngành tiêm kích đa nhiệm tấn công, tiêu diệt cả mục tiêu lẫn lực lượng tiêm kích hộ tống của đối phương. Các máy bay tiêm kích phòng không thuộc nhóm này gồm: Yak-25++, Yak-27++, Yak-28 (tầng thấp), Mig-25P++ (tầng cao), Su-27P++, Su-27SM, Su-30, Su-35.

Máy bay tiêm kích đánh chặn tầng thấp Yak-28P thuộc nhóm Барражирующий истребитель-перехватчик (Photo of www.airwar.ru)
Máy bay tiêm kích đánh chặn tầng thấp Yak-28P (Photo of www.airwar.ru).
 

Máy bay tiêm kích đánh chặn tuần phòng chiến đấu đối không tầm xa là loại máy bay tiêm kích phòng không có tầm hoạt động cách sân bay căn cứ hoặc mục tiêu bảo vệ từ 2500km trở ra. Đặc trưng của nhóm tiêm kích phòng không này là duy trì khả năng tuần phòng trên không lâu dài và hoạt động không lệ thuộc vào dẫn đường mặt đất. Nhóm tiêm kích này có nhiệm vụ chủ yếu là xuất kích tuần phòng ngăn chặn, phòng ngừa máy bay tấn công chiến lược bay tuần phòng hạt nhân của đối phương, hoặc bắn hạ máy bay tấn công chiến lược của đối phương khi chúng vẫn còn ngoài tầm phóng tên lửa hành trình mang đầu nổ hạt nhân. Các máy bay tiêm kích phòng không thuộc nhóm này gồm: Tu-128 và Mig-31.

Máy bay tiêm kích đánh chặn Tu-128 thuộc nhóm Дальний барражирующий истребитель-перехватчик (Photo of www.airwar.ru)
Máy bay tiêm kích đánh chặn Tu-128 thuộc nhóm (Photo of www.airwar.ru).
 

Máy bay tiêm kích đánh chặn vũ khí không gian là một khái niệm hệ thống vũ khí mới xuất hiện trong giai đoạn phát triển hệ thống Mig-31. Nhiệm vụ của máy bay tiêm kích loại này là mang phóng tên lửa chống vệ tinh và hệ thống vũ khí không gian của đối phương.

Như vậy, việc phân công phòng không nhiều tầng, nhiều lớp giữa các nhóm máy bay tiêm kích phòng không cho thấy vị trí của hệ thống Mig-31 trong nhóm máy bay tiêm kích đánh chặn tuần phòng chiến đấu đối không tầm xa. Hệ thống tiêm kích đánh chặn Mig-31 là sự kế thừa và phát triển các yếu tố kĩ chiến thuật của các hệ thống tiêm kích đánh chặn Mig-25, Yak-28 và Tu-128. Từ năm 1981 tới nay, Mig-31 trực tiếp thay thế và chủ yếu đảm nhiệm nhiệm vụ của máy bay tiêm kích đánh chặn Tu-128 trong các đơn vị tiêm kích phòng không chiến lược ở tầm xa, đồng thời thay thế và đảm nhiệm nhiệm vụ của máy bay tiêm kích đánh chặn cao tầng Mig-25 và tiêm kích đánh chặn thấp tầng Yak-28 trong các đơn vị tiêm kích phòng không vòng ngoài.

Quá trình hợp nhất lực lượng tiêm kích phòng không IA-PVO với lực lượng không quân tiêm kích IA-VVS và nhu cầu xuất khẩu vũ khí tác động tới sự phát triển của hệ thống Mig-31

Việc hợp nhất lực lượng giữa lực lượng tiêm kích phòng không IA-PVO với không quân tiêm kích IA-VVS vào giữa những năm 1990 làm xuất hiện và gia tăng xu hướng chiến thuật hóa hệ thống tiêm kích chiến lược Mig-31 trong lực lượng không quân mặt trận FA-VVS. Nhưng dù xu hướng chiến thuật hóa hệ thống máy bay tiêm kích chiến lược có mạnh tới đâu thì hệ thống Mig-31 vẫn là loại máy bay tiêm kích giữ nhiệm vụ phòng không chiến lược tầm xa duy nhất hiện nay trong cơ cấu không quân mặt trận của VVS.

Máy bay tiêm kích Mig-31B thuộc nhóm Многоцелевой барражирующий истребитель-перехватчик trong lực lượng không quân mặt trận hợp nhất FA-VVS (Photo of www.airwar.ru)
Máy bay tiêm kích Mig-31B trong lực lượng không quân mặt trận hợp nhất FA-VVS (Photo of www.airwar.ru).
 

Một thời gian ngắn sau khi Liên Xô tan rã, các lực lượng phòng không và không quân Nga đứng trước đòi hỏi hợp nhất nhằm tái tổ chức lực lượng cho các yêu cầu nhiệm vụ mới và tiết giảm ngân sách cho phù hợp với nguồn ngân sách quốc phòng eo hẹp được phân bổ hàng năm thời hậu Xô viết. Ngày 16/7/1997, tổng thống Nga Boris Eltsin đã kí sắc lệnh hợp nhất các lực lượng phòng không và không quân toàn liên bang dưới vỏ bọc VVS, nhưng với cơ cấu chỉ huy và nhân sự của PVO.

Sau gần 1 năm sắp xếp công tác tổ chức chỉ huy và điều chỉnh học thuyết, Không quân Nga bắt đầu quá trình tái cơ cấu lực lượng và trang bị khí tài của quân chủng hợp nhất. Trong quá trình này, hệ thống Mig-31 từ vị trí máy bay tiêm kích phòng không đầu bảng của PVO đã chuyển sang xếp sau các máy bay tấn công chiến lược của VVS trước đây trong danh mục ưu tiên ngân sách duy trì vận hành, mua sắm và hiện đại hóa trang bị không quân. Do không đủ kinh phí mua sắm máy bay mới và duy trì trực ban cho quá nhiều chủng loại máy bay tiêm kích phòng không chuyên biệt bên cạnh lực lượng tiêm kích mặt trận hiện có, VVS đã tiến hành điều chỉnh cách phân loại máy bay tiêm kích phòng không theo hướng nhiệm vụ chung với máy bay tiêm kích mặt trận để làm cơ sở xác định yêu cầu kĩ chiến thuật cho việc mua sắm thay thế trang bị và tối ưu hóa chi phí vận hành.

Đây được xem là cách tiếp cận chiến thuật hóa của VVS đối với hệ thống tiêm kích chiến lược chuyên biệt của IA-PVO trước đây khi tái cơ cấu các lực lượng không quân mặt trận FA-VVS. Cách tiếp cận này cũng tỏ ra phù hợp với một số khách hàng quốc tế trước nay vốn không có lực lượng tiêm kích phòng không chuyên nghiệp và đã quen với việc mua hệ thống tiêm kích chiến lược đã giản lược tính năng của Liên xô trước đây để dùng cho các nhiệm vụ chiến thuật của không quân như trinh sát, ném bom đột kích và tiêm kích phòng không chống máy bay trinh sát cao tầng của đối phương.

Máy bay tiêm kích Mig-31BS là bản nâng cấp của Mig-31 chuẩn hoá theo cấu hình Mig-31B (Photo of www.airwar.ru)
Máy bay tiêm kích Mig-31BS là bản nâng cấp của Mig-31 chuẩn hoá theo cấu hình Mig-31B (Photo of www.airwar.ru).
 

Từ khi nhập vào VVS, hệ thống Mig-31 được điều chỉnh phân loại từ Máy bay tiêm kích đánh chặn tuần phòng chiến đấu đối không tầm xa thành Máy bay tiêm kích đánh chặn tuần phòng chiến đấu đa nhiệm đối không, rồi thành máy bay tiêm kích tuần phòng chiến đấu đa nhiệm. Mỗi lần điều chỉnh chiến thuật hóa hệ thống trên ứng với một đợt trang bị mới hoặc nâng cấp hệ thống Mig-31 của FA-VVS vào các năm 1999 (trang bị mới Mig-31B và nâng cấp Mig-31 sang chuẩn Mig-31B, gọi là Mig-31BS) và 2008 (trang bị mới Mig-31BM để thay thế các Mig-31BS hết hạn sử dụng).

Máy bay tiêm kích Mig-31BM thuộc phân nhóm Многоцелевой барражирующий истребитель trong hệ thống Mig-31 (Photo of www.airwar.ru)
Máy bay tiêm kích Mig-31BM trong hệ thống Mig-31 (Photo of www.airwar.ru).
 

Với vai trò máy bay tiêm kích đánh chặn tuần phòng chiến đấu đa nhiệm đối không, hệ thống Mig-31 (cụ thể là Mig-31B và Mig-31BS) đảm nhiệm nhiệm vụ tuần phòng phòng không chiến lược như trước đây và phối hợp - phân nhiệm phòng không chiến thuật thấp - cao tầng với các máy bay tiêm kích Su-27 và Su-30 trong tầm phòng không cách sân bay căn cứ và mục tiêu bảo vệ từ 1.500km trở ra, đồng thời thực hiện một số nhiệm vụ chiến thuật khác của không quân như trinh sát, chỉ huy dẫn đường trên không, hộ tống máy bay tấn công chiến lược và máy bay tuần phòng hải dương tầm xa.

Còn với vai trò máy bay tiêm kích tuần phòng chiến đấu đa nhiệm như hệ thống Mig-31 đang được thay thế triển khai hiện nay (cụ thể là Mig-31BM) thì ngoài các nhiệm vụ của Mig-31B, máy bay tiêm kích Mig-31BM còn được giao nhiệm vụ chế áp phòng không hay chống chỉ huy tấn công đường không của đối phương (như tìm diệt các trung tâm thông tin chỉ huy phòng không, trạm radar cảnh giới – dẫn đường tầm xa hay các máy bay cảnh giới - chỉ huy dẫn đường trên không) trong chiều sâu chiến lược chiến dịch đường không.

Nếu như quá trình hợp nhất lực lượng tiêm kích phòng không IA-PVO với lực lượng không quân tiêm kích IA-VVS trong cơ cấu không quân mặt trận FA-VVS và nhu cầu xuất khẩu vũ khí tác động tới sự phát triển của hệ thống Mig-31 theo hướng chiến thuật hóa hệ thống vũ khí chiến lược, tức làm xuất hiện loại vũ khí lưỡng nhiệm chiến lược-chiến thuật với trọng tâm chiến lược, thì quá trình chuyên biệt nhiệm vụ phòng thủ tên lửa PRO và phòng thủ không gian PKO trong hệ thống phòng thủ không gian vũ trụ hợp nhất VKO thuộc Bộ tư lệnh binh chủng vũ trụ lại tác động tới sự phát triển của hệ thống Mig-31 theo hướng dân sự hóa hệ thống vũ khí, tức làm xuất hiện loại vũ khí lưỡng dụng quân sự-dân sự. Tuy nhiên cũng giống với xu hướng chiến thuật hóa, xu hướng dân sự hóa hệ thống Mig-31 dù có mạnh mẽ tới đâu cũng không thể làm thay đổi bản chất vũ khí chiến lược của Mig-31.

Ngay từ đầu thập niên 1960, cùng với việc phóng thành công tàu vũ trụ có người điều khiển vào không gian, Liên Xô đã hoạch định chiến lược làm chủ khoảng không ngoài Trái đất và đi kèm đó là nhiệm vụ phòng thủ chống các loại vũ khí tới từ khoảng không là tên lửa đường đạn và phương tiện tấn công từ không gian mà đối phương đang ráo riết chạy đua phát triển. Năm 1964, Cục quản lí phương tiện không gian trung ương TsUKOS trực thuộc Bộ quốc phòng Liên Xô được thành lập nhằm thống nhất tổ chức quản lí và phát triển hạ tầng phương tiện không gian quân sự toàn liên bang.

Đây chính là tiền đề quan trọng cho việc phát triển lực lượng phòng thủ không gian PKO của Liên Xô sau này. Tới năm 1970, TsUKOS được nâng cấp thành Tổng cục quản lí phương tiện không gian GUKOS thuộc Bộ quốc phòng, với các cục chuyên ngành về hệ thống vũ khí không gian và phòng chống vũ khí không gian, hệ thống phòng thủ tên lửa đường đạn và hệ thống các viện nghiên cứu khoa học, học viện, phòng thiết kế chuyên ngành cho các lĩnh vực trên.

Về tổ chức lực lượng phòng thủ tên lửa và phòng thủ không gian: ngày 31/1/1967 và 30/3/1967, Bộ tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên Xô đã ban hành các quyết định thành lập Bộ tư lệnh phòng thủ tên lửa và Bộ tư lệnh phòng thủ không gian trực thuộc Bộ đội phòng không quốc gia PVO-Strany để tổ chức chỉ huy chiến đấu cho các lực lượng này. Chính yếu tố phòng thủ chiến lược bổ sung vào phòng không chiến lược đã đẩy Bộ đội phòng không quốc gia lên vị trí quân sự trọng yếu thứ 3 chỉ sau Lục quân và Bộ đội tên lửa chiến lược, thậm chí còn xếp trên cả Hải quân. Ngày 1/10/1982 cho tới thời điểm Liên xô tan rã, lực lượng phòng thủ tên lửa và phòng thủ không gian được tách ra thành Binh chủng phòng thủ tên lửa – không gian RKO.

Ngày 10/8/1992, tổng thống Nga Boris Eltsin ban hành sắc lệnh thành lập Quân chủng chiến tranh không gian VKS với nhiệm vụ chuẩn bị và thực hiện tác chiến chiến dịch không gian vũ trụ. Tới tháng 7/1997, cùng với lực lượng phòng thủ tên lửa (gồm hệ thống tên lửa đánh chặn chiến lược A-135, hệ thống cảnh giới bị tấn công bằng tên lửa đường đạn, hệ thống thông tin chỉ huy, hệ thống hậu cần kĩ thuật) được tách ra sau khi PVO-Strany giải thể, lực lượng bộ đội vũ trụ được chuyển giao từ VKS sang cho Binh chủng Bộ đội tên lửa chiến lược RVSN quản lí.

Ngày 1/6/2001, tổng thống Nga Vladimir Putin kí sắc lệnh thành lập Quân chủng Vũ trụ từ các lực lượng phòng thủ tên lửa, phòng thủ không gian tách ra từ Binh chủng Bộ đội tên lửa chiến lược nhằm thống nhất nhiệm vụ phòng thủ không gian vũ trụ về một đầu mối chuyên nhiệm. Như vậy là biến động tổ chức lực lượng trong giai đoạn hậu Xô viết khiến nhiệm vụ phòng thủ tên lửa và phòng thủ không gian vũ trụ biến chuyển từ một cấu phần phòng thủ chiến lược chuyên biệt RKO sang tay lực lượng tấn công chiến lược VKS, rồi lại trở về với chính nó là lực lượng phòng thủ chiến lược chuyên biệt. Quá trình chuyên biệt nhiệm vụ phòng thủ tên lửa PRO và phòng thủ không gian PKO kéo theo sự phát triển thăng trầm của hệ thống Mig-31 vũ khí không gian.

Trong số các chương trình phát triển vũ khí không gian và phòng thủ không gian dưới thời Xô Viết do GUKOS tiến hành có một nhánh tuyệt mật phát triển hệ thống phương tiện đường không để mang phóng tên lửa đẩy vệ tinh, tên lửa chống vệ tinh và máy bay không gian dùng vào mục đích quân sự gọi là dự án phát triển hệ thống phương tiện vũ khí không gian SVKA. Các máy bay quân sự hiện có tại thời điểm đó hoặc phát triển mới để mang phóng tên lửa đẩy vệ tinh quân sự và máy bay không gian trong dự án SVKA gồm: Mig-31, Tu-95K và An-225. Do bị chế ước bởi Hiệp ước phòng thủ tên lửa Xô-Mĩ (ABM Treaty) có hiệu lực từ năm 1972, dự án SKVA mới chỉ dừng ở các đề án thiết kế kĩ thuật khả thi hoặc thử nghiệm hệ thống vũ khí chiến thuật trong suốt thập niên 1970.

Tới cuối năm 1983, GUKOS bắt đầu thúc đẩy triển khai dự án SVKA với nhóm viện nghiên cứu và phòng thiết kế vũ khí trực thuộc sau khi phía Mĩ thực hiện các chương trình nghiên cứu trong khuôn khổ Sáng kiến phòng thủ chiến lược SDI. Ngày 27/11/1984, dưới sự chuẩn bị của GUKOS và Phòng thiết kế Mikoyan, dự án hệ thống vũ khí đánh chặn vệ tinh và vũ khí không gian Mig-31 (Mig-31D) đã được Hội đồng nhà nước Liên Xô thông qua và cho phép triển khai. Từ năm 1985 tới năm 1990, hàng loạt thử nghiệm hệ thống vũ khí đánh chặn vệ tinh Mig-31 (Mig-31A) do các phòng thiết kế cùng GUKOS và RKO phối hợp tiến hành nhằm phát triển và hoàn thiện hệ thống. Sau năm 1990, SVKA bị ngừng do những biến động chính trị trong nước và việc giải thể Liên xô.

Máy bay tiêm kích đánh chặn vũ khí không gian Mig-31A và tên lửa chống vệ tinh
Máy bay tiêm kích đánh chặn vũ khí không gian Mig-31A và tên lửa chống vệ tinh.
 

Dưới thời Liên bang Nga, GUKOS hầu như không tiến hành được các thử nghiệm hệ thống SVKA trong thập niên 1990 do không được phân bổ đủ ngân sách, ngoại trừ dự án Burlak sử dụng máy bay tấn công chiến lược Tu-160SK mang phóng tên lửa đẩy hạng trung hợp tác với đối tác Đức. Với ngân sách thường niên ít ỏi, GUKOS chỉ đủ ưu tiên duy trì hiện trạng hạ tầng vũ trụ hiện có và từng bước tạo vỏ bọc dân sự hóa cho các dự án phát triển vũ khí của mình. Tuy nhiên chỉ sau khi Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước phòng thủ tên lửa vào năm 2001 và dưới sức ép tái trang bị khí tài không gian chống mất cân bằng phòng thủ tên lửa chiến lược mới do Quân chủng Vũ trụ mới thành lập của Liên bang Nga, GUKOS mới được phân bổ ngân sách để đẩy mạnh SVKA đồng loạt cho nhiều hệ thống mang phóng đường không từ hạng nhẹ tới nặng như Mig-31, An-124-100VS, An-225-100, M-55 và 3M-T.

Đáng chú ý là từ kinh nghiệm thu được từ dự án Burlak-Diana, các dự án vũ khí không gian sau này đều được công khai như các dự án hệ thống không gian dân sự dưới vỏ bọc liên doanh giữa các tổ hợp thiết kế chế tạo hàng không quân sự Nga với đối tác nước ngoài. Riêng với hệ thống Mig-31, GUKOS đã chọn phát triển loại Mig-31S (được PTK Mikoyan hoán cải từ Mig-31D từ năm 1997) cho dự án trong nước và Mig-31I (dự án Ishim) liên doanh với KazKosmos của Kazakhxtan từ năm 2003. Tất cả các dự án trên đều mang tính lưỡng dụng quân sự-dân sự do GUKOS đứng sau các tổ hợp hàng không quân sự nhằm phát triển công nghệ phóng tên lửa đẩy vệ tinh, tên lửa đánh chặn vũ khí không gian có thể chuyển đổi sang phóng tên lửa mang vũ khí tấn công chiến lược từ quĩ đạo thấp.

Máy bay tấn công chiến lược Tu-160SK và tên lửa đẩy hạng trung Burlak và Burlak-Diana
Máy bay tấn công chiến lược Tu-160SK và tên lửa đẩy hạng trung Burlak và Burlak-Diana.
Huyền thoại 'siêu tiêm kích' đánh chặn Mig-31 (kỳ II) ảnh 17
 

Quá trình tái chuyên biệt nhiệm vụ phòng thủ tên lửa PRO và phòng thủ không gian PKO dưới thời Liên bang Nga đã tác động theo hướng dân sự hóa tới hệ thống Mig-31, khiến hệ thống này chuyển từ Máy bay tiêm kích đánh chặn vũ khí không gian như định danh ban đầu dưới thời Xô viết ở dự án hệ thống Mig-31D vào năm 1984 thành Máy bay mang phóng tên lửa chống vệ tinh ở hệ thống Mig-31A vào năm 1987 và Mig-31S vào năm 1997, rồi chuyển tiếp thành Máy bay mang phóng tên lửa đẩy ở hệ thống Mig-31I vào năm 2003. Quá trình dân sự hóa này tạo ra tính chất lưỡng dụng quân sự-dân sự cho hệ thống vũ khí không gian Mig-31, nhưng không hề thay đổi bản chất vũ khí phòng thủ và tấn công chiến lược của hệ thống vũ khí này.

Hình vẽ Máy bay mang phóng tên lửa đẩy Mig-31 và tên lửa đẩy Micron thuộc 1 trong số các dự án SVKA của GUKOS
Hình vẽ Máy bay mang phóng tên lửa đẩy Mig-31 và tên lửa đẩy Micron thuộc 1 trong số các dự án SVKA của GUKOS .
 

Nhiệm vụ của hệ thống tiêm kích chiến lược Mig-31

1. Phòng không chiến lược

Mig-31 ngay từ ý tưởng thiết kế đã phải phù hợp với học thuyết phòng thủ đường không và không gian đương thời, đồng thời được phân loại là hệ thống máy bay tiêm kích chiến lược chuyên nhiệm của lực lượng tiêm kích phòng không Liên Xô.

Ngày 24/05/1968, Hội đồng bộ trưởng Liên xô ban hành nghị quyết về việc nâng cấp hệ thống vũ khí đường không cũ và phát triển các hệ thống vũ khí đường không mới, trong đó có hệ thống vũ khí đánh chặn đường không đa tầng S-155M sử dụng máy bay tiêm kích đánh chặn phát triển theo mẫu Ye-155MP. Ý tưởng thiết kế được duyệt ban đầu của Ye-155MP là loại tiêm kích đánh chặn tuần phòng chiến đấu đối không đa tầng để đưa vào biên chế thay thế nhiệm vụ của các loại máy bay tiêm kích đánh chặn tuần phòng chiến đấu đối không vòng ngoài đang được biên chế tại thời điểm như máy bay tiêm kích đánh chặn cao tầng Mig-25P và máy bay tiêm kích đánh chặn thấp tầng Yak-28P. Khi hoạt động trong S-155M, máy bay tiêm kích phát triển từ mẫu Ye-155MP đồng thời sử dụng cả hệ thống chỉ huy dẫn đường mặt đất và hệ thống chỉ huy dẫn đường trên không để tìm diệt các loại mục tiêu là máy bay tấn công chiến lược cao tầng, máy bay tấn công chiến lược đột kích thấp tầng và các loại tên lửa hành trình mang đầu nổ hạt nhân đang trên đường tới mục tiêu bảo vệ.

Trong quá trình thiết kế thử nghiệm, dự án Ye-155MP được điều chỉnh, bổ sung yêu cầu nhiệm vụ nhằm dự kiến thay thế cả loại máy bay tiêm kích đánh chặn tuần phòng chiến đấu đối không tầm xa hiện đang biên chế tại thời điểm đó là Tu-128 trong vai trò tuần phòng tìm diệt máy bay tấn công chiến lược mang phóng tên lửa hành trình tầm xa của đối phương ở bên ngoài tầm phóng.

Thao tác tiếp dầu trên không trong các cuộc hành quân đường không tầm xa giữa máy bay tiếp dầu IL-78 và cặp máy bay tiêm kích hộ tống Mig-31B (Photo of www.airwar.ru)
Thao tác tiếp dầu trên không trong các cuộc hành quân đường không tầm xa giữa máy bay tiếp dầu IL-78 và cặp máy bay tiêm kích hộ tống Mig-31B (Photo of www.airwar.ru) .
 

Với việc hoàn thiện và triển khai máy bay tiêm kích theo mẫu Ye-155MP, phân hệ máy bay tiêm kích đánh chặn mang tên lửa tuần phòng chiến đấu đối không tầm xa Mig-31 đảm nhiệm nhiệm vụ phòng không chiến lược trong lực lượng tiêm kích phòng không Xô viết từ năm 1981, bao gồm các nhiệm vụ: tuần phòng đánh chặn máy bay mang phóng tên lửa hành trình chiến lược của đối phương từ ngoài tầm phóng, lùng diệt máy bay tấn công chiến lược đa tầng và máy bay đột kích chiến lược thấp tầng, các loại tên lửa hành trình mang đầu nổ hạt nhân tầm xa đang trên đường tới mục tiêu bảo vệ trong khu vực phòng không cách mục tiêu bảo vệ từ 1500km trở ra.

Từ năm 1999, bước phát triển chiến thuật hóa của phân hệ máy bay này là Máy bay tiêm kích đánh chặn tuần phòng chiến đấu đa nhiệm đối không (Mig-31B và Mig-31BS) và Máy bay tiêm kích tuần phòng chiến đấu đa nhiệm (Мig-31BM) vẫn tiếp tục đảm nhiệm nhiệm vụ phòng không chiến lược bên cạnh một số nhiệm vụ chiến thuật trong cơ cấu lực lượng không quân mặt trận của VVS Liên bang Nga.

2. Hộ tống tấn công chiến lược

Đầu thập niên 1990, Không quân Nga và Phòng thiết kế Tupolev hợp tác phát triển dự án Máy bay tiêm kích hộ tống hạng nặng trên cơ sở máy bay tấn công chiến lược Tu-160, gọi là Tu-160P. Theo yêu cầu thiết kế, Tu-160P được trang bị các loại tên lửa đối không tầm xa và tầm trung xa gắn trong các ổ phóng xoay bố trí phía trong khoang quân giới để bay kèm đội hình máy bay tấn công chiến lược Tu-160 nhằm chống lực lượng máy bay tiêm kích đánh chặn chiến lược của đối phương. Trong khi dự án này vẫn còn nằm trên giấy thì VVS và PVO hợp nhất lực lượng vào năm 1997, dẫn tới khả năng sử dụng lực lượng Mig-31 hiện có từ IA-PVO chuyển sang làm nhiệm vụ hộ tống lực lượng tấn công chiến lược.

Trong các năm 1998 và 1999, Không quân Nga đã tổ chức hàng loạt cuộc diễn tập hộ tống đội hình tác chiến chiến dịch đường không tầm xa có sử dụng máy bay tiêm kích hộ tống (Mig-31B và Su-30), máy bay tiếp dầu trên không IL-78, máy bay cảnh giới và chỉ huy đường không A-50 với các máy bay tấn công chiến lược Tu-95MS và Tu-160. Kết quả của các đợt diễn tập đường không có thời gian bay hành quân liên tục từ 10 tiếng đồng hồ trở lên này đã cho thấy Mig-31 là loại thích hợp nhất để hộ tống loại máy bay tấn công chiến lược siêu âm Tu-160, trong khi Su-30 chỉ phù hợp với các loại máy bay tấn công chiến lược và phục vụ hành quân còn lại như Tu-95MS, IL-78 và A-50.

Đội hình diễu hành đường không gồm máy bay tiếp dầu IL-78, máy bay tấn công chiến lược Tu-160 và 2 cặp máy bay tiêm kích hộ tống Mig-31B (Photo of Oleg Ivanov)
Đội hình diễu hành đường không gồm máy bay tiếp dầu IL-78, máy bay tấn công chiến lược Tu-160 và 2 cặp máy bay tiêm kích hộ tống Mig-31B (Photo of Oleg Ivanov).
 

Từ đầu thập niên 2000 về sau, Mig-31 (Mig-31B và Mig-31BM) được giao nhiệm vụ chuyên hộ tống lực lượng máy bay tấn công chiến lược Tu-160 trong các đợt diễn tập và chiến dịch tác chiến đường không tại khu vực Bắc Băng Dương và Viễn Đông nước Nga. Từ các căn cứ không quân khác nhau, các biên đội máy bay tấn công chiến lược Tu-160 và các biên đội tiêm kích hộ tống Mig-31B xuất kích và hợp đoàn tại khu chờ đội hình trước khi vận động tới khu vực phóng tên lửa hành trình tầm xa nhắm tới mục tiêu tấn công trong kế hoạch tác chiến.

Cặp bài trùng gồm máy bay tấn công chiến lược Tu-160 và máy bay tiêm kích hộ tống Mig-31B đang bay diễu hành (Photo of Sergy)
Cặp bài trùng gồm máy bay tấn công chiến lược Tu-160 và máy bay tiêm kích hộ tống Mig-31B đang bay diễu hành (Photo of Sergy).

Đối với phân hệ máy bay tiêm kích đánh chặn vũ khí không gian Mig-31, nhiệm vụ chiến lược của hệ thống tiêm kích này được Hội đồng bộ trưởng Liên xô ban hành tại nghị quyết ngày 27/11/1984 bao gồm: đánh chặn các loại vũ khí triển khai trong không gian hay tấn công từ không gian. Tuy nhiên cho tới khi Liên Xô giải thể cũng như hiện nay, phân hệ vũ khí này vẫn đang trong giai đoạn phát triển và thử nghiệm nên nhiệm vụ của chúng chỉ dừng lại ở các yêu cầu nhiệm vụ thiết kế như được thông qua ban đầu và tái khởi động vào năm 2001.

Nhóm nhiệm vụ phi chiến lược

Ngay từ khi được đưa vào trang bị dưới thời Xô Viết, hệ thống Mig-31 ngoài việc đảm trách nhóm nhiệm vụ chiến lược trọng tâm nêu trên còn phải tham gia một số nhiệm vụ chiến đấu chiến thuật như phòng không chiến thuật và tuần phòng giám sát đường không. Dưới thời Liên bang Nga, cùng với xu thế chiến thuật hóa hệ thống sau khi hợp nhất VVS và PVO, hệ thống Mig-31 bên cạnh 2 nhiệm vụ chiến đấu chiến thuật có từ thời Xô viết như vừa nêu còn được giao các nhiệm vụ chiến thuật khác của không quân là hộ tống chiến thuật, chỉ huy đường không và chống chỉ huy đường không, tấn công đột kích, chế áp phòng không và trinh sát chiến thuật. Khi thực hiện nhóm nhiệm vụ chiến thuật, hệ thống Mig-31 sử dụng các chiến thuật tác chiến và vũ khí, khí tài chiến đấu khác biệt so với khi thực hiện nhóm nhiệm vụ chiến lược.

1. Phòng không chiến thuật

Đây là nhiệm vụ chiến đấu phái sinh của hệ thống tiêm kích Mig-31, bao gồm các nhiệm vụ phòng không căn cứ và phối hợp phòng thủ không phận cao tầng cùng các đơn vị tiêm kích phòng không, không quân tiêm kích khác tại quân khu trú quân nhằm ngăn chặn các phương tiện bay lạ xâm phạm không phận (chủ yếu là khí cụ bay cao tầng như khí cầu do thám, máy bay trinh sát hoạt động trong tầng bình lưu) hoặc chặn kích tầm xa phương tiện tấn công đường không của đối phương (bao gồm máy bay mang phóng tên lửa hành trình chiến thuật và bản thân tên lửa chiến thuật trên hành trình tới mục tiêu).

2. Tuần phòng giám sát đường không

Nhiệm vụ chiến thuật này có từ thời Liên Xô và vẫn tiếp tục được hệ thống Mig-31 thực hiện tới nay. Trong giai đoạn Chiến tranh lạnh, các cuộc tập trận hải quân của NATO hoặc triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay của Mĩ tại các khu vực nhạy cảm về địa chính trị đều được Liên xô sử dụng các phương tiện trinh sát-tấn công như tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân, vệ tinh tình báo, tàu chiến và máy bay giám sát chặt chẽ. Sau khi được trang bị cho các trung đoàn tiêm kích phòng không Liên Xô, Mig-31 thường được giao nhiệm vụ tuần phòng giám sát đường không tại khu vực Mỹ và NATO tập trận hoặc diễn tập triển khai hải quân cách lãnh hải Liên Xô từ 500km tới 1.500km. Hiện nay, hệ thống Mig-31 của VVS tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tuần phòng giám sát đường không tầm xa.

Máy bay tiêm kích Mig-31B thuộc VVS Nga thực hiện nhiệm vụ tuần phòng giám sát đường không (Photo of www.aeroflight.co.uk)
Máy bay tiêm kích Mig-31B thuộc VVS Nga thực hiện nhiệm vụ tuần phòng giám sát đường không (Photo of www.aeroflight.co.uk).
 

3. Hộ tống chiến thuật

Nhiệm vụ chiến thuật này bắt nguồn từ sau thời điểm Liên xô tan rã khi PVO của Liên bang Nga lần đầu tiên điều một phi đội 4 máy bay cảnh giới và chỉ huy đường không tầm xa DRLOU A-50 cùng các máy bay tiêm kích Su-27P và Mig-31 làm nhiệm vụ hộ tống tới kiểm soát không phận Chesnia từ ngày 21/12/1994. Sau khi hợp nhất VVS và PVO tới nay, Mig-31 (Mig-31B và Mig-31BS) vẫn thường được điều động bay hộ tống máy bay A-50 của lực lượng không quân chuyên nhiệm đóng tại căn cứ không quân Ivanov Phương Bắc trong các chiến dịch và diễn tập tuần phòng đường không khu vực Biển Barent và Bắc Băng Dương.

Cặp máy bay tiêm kích Mig-31B thực hiện nhiệm vụ hộ tống máy bay cảnh giới và chỉ huy đường không tầm xa A-50 trong buổi diễu hành (Photo of Max Bryansky)
Cặp máy bay tiêm kích Mig-31B thực hiện nhiệm vụ hộ tống máy bay cảnh giới và chỉ huy đường không tầm xa A-50 trong buổi diễu hành (Photo of Max Bryansky).
 

4. Chỉ huy đường không chiến thuật

Hệ thống Mig-31 với các tính năng mạnh mẽ của radar quét cảnh giới và các thiết bị truyền dữ liệu tự động đồng bộ tầm xa cũng được giao nhiệm vụ chỉ huy đường không chiến thuật dự phòng bên cạnh hệ thống A-50 trong các đợt diễn tập đường không của VVS hợp nhất dưới thời Liên bang Nga.

5. Chế áp phòng không

Đây là nhiệm vụ chiến thuật mới của hệ thống Mig-31 trong cơ cấu VVS hợp nhất của Liên bang Nga, đồng thời là sự tái lập nhiệm vụ chiến thuật từ dự án máy bay trinh sát tấn công mặt trận trước đây của VVS Liên Xô.

Trong ngày 24/5/1968, Hội đồng bộ trưởng Liên xô đã ban hành quyết định về việc phát triển máy bay tiêm kích trinh sát tấn công mặt trận theo mẫu Ye-155MRB cùng trong nội dung nghị quyết về việc phát triển hệ thống đánh chặn đường không đa tầng S-155M. Dự án phát triển máy bay trinh sát kiêm chế áp phòng không mặt trận Ye-155MRB này sau đó đã bị đình chỉ vì Liên Xô ưu tiên phát triển, hoàn thiện các dòng máy bay tiêm kích và cường kích mặt trận có khả năng cất hạ cánh đường băng dã chiến thời đó như Mig-23 và Su-24.

Hiện nay, hệ thống tiêm kích tuần phòng chiến đấu đa nhiệm Mig-31BM trang bị cho VVS Nga từ năm 2008 được bổ sung nhiệm vụ chế áp phòng không trong chiều sâu chiến lược chiến dịch đường không hoặc chiến dịch hộ tống đường không.

6. Chống chỉ huy đường không

Đây là nhiệm vụ phái sinh từ nhiệm vụ phòng không chiến thuật của hệ thống Mig-31 sau khi hợp nhất vào lực lượng không quân mặt trận của VVS Nga. Khi thực hiện nhiệm vụ này, hệ thống Mig-31 (cụ thể là Mig-31BM) dự kiến sẽ sử dụng các loại tên lửa đối không tầm xa (R-33S hay R-37) để bắn hạ các máy bay cảnh giới và chỉ huy dẫn đường trên không AWACS của đối phương từ bên ngoài tầm phóng tên lửa đối không chặn kích của lực lượng máy bay tiêm kích hộ tống.

7. Tấn công đột kích

Đây là nhiệm vụ chiến thuật của hệ thống Mig-31 phát sinh sau khi hợp nhất vào lực lượng không quân mặt trận của VVS Nga. Khi thực hiện nhiệm vụ này, hệ thống Mig-31 (cụ thể là Mig-31BM) mang phóng các loại tên lửa đối đất, đối hạm từ độ cao lớn tầm xa hoặc tập kích tốc độ cao tầng thấp chống các mục tiêu chiến lược chiến dịch của đối phương.

8. Trinh sát chiến thuật

Tương tự nhiệm vụ chế áp phòng không, nhiệm vụ trinh sát chiến thuật là nhiệm vụ chiến thuật mới của hệ thống Mig-31 trong cơ cấu VVS hợp nhất của Liên bang Nga, đồng thời là sự tái lập nhiệm vụ chiến thuật từ dự án máy bay trinh sát phát triển từ mẫu Ye-155MR trước đây của VVS Liên Xô. Hiện nay, VVS Nga đang sử dụng hệ thống Mig-31 (Mig-31B và Mig-31BM) mang thiết bị trinh sát điện tử chiến thuật gắn ngoài cho các nhiệm vụ trinh sát hệ thống phòng không chiến trường của đối phương. Trong thời gian tới, phiên bản trinh sát Mig-31R của hệ thống Mig-31 đang được VVS xúc tiến để thay thế cho các phiên bản Mig-25RB bị loại khỏi trang bị do hết hạn sử dụng.

TPO tổng hợp

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Toàn quân tăng tốc, bứt phá trong năm 2025
Toàn quân tăng tốc, bứt phá trong năm 2025
TPO - Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng xác định, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, toàn quân tăng tốc, bứt phá, quyết tâm hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Lực lượng CAND nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ công tác đề ra
Lực lượng CAND nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ công tác đề ra
TPO - Phát biểu khai mạc Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 80 diễn ra sáng nay (26/12) tại Hà Nội, Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, lực lượng Công an nhân dân (CAND) đã bám sát sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Chính phủ, nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ công tác đề ra.