Trung - Mỹ hội đàm về ‘Kỷ nguyên Thái Bình Dương’ của Mỹ

Trung - Mỹ hội đàm về ‘Kỷ nguyên Thái Bình Dương’ của Mỹ
TPO - Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt và Chỉ huy lực lượng Hải quân Mỹ Ray Mabus đã có cuộc thảo luận về an ninh biển khu vực châu Á – Thái Bình Dương vào hôm nay, 27-11 tại Bắc Kinh.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt và Chỉ huy lực lượng Hải quân Mỹ Ray Mabus tại cuộc hội đàm
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt (phải) và Chỉ huy lực lượng Hải quân Mỹ Ray Mabus tại cuộc hội đàm.

Theo Voice of RussiaAP, cuộc họp đã thảo luận về sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo đó, Trung Quốc đã chỉ trích cái gọi là “Kỷ nguyên Thái Bình Dương”, mà thực chất là kế hoạch mở rộng sự hiện diện trên Thái Bình Dương của Mỹ. Bắc Kinh coi kế hoạch của Washington là hành động không thân thiện đối với Trung Quốc.

Trong khi đó, Washington khẳng định, Mỹ làm đúng với nhiệm vụ của họ để đảm bảo sự an toàn của đồng minh châu Á.

Trước đó, ngày 26-11, giới chức Mỹ khẳng định rằng sẵn sàng hỗ trợ các đồng minh của mình trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong điều kiện quân đội Trung Quốc mở rộng hiện diện trong khu vực này có tầm quan trọng chiến lược.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ được đưa ra sau khi Trung Quốc tuyên bố thử nghiệm thành công máy bay trên tàu sân bay Liêu Ninh cũng như việc Bắc Kinh đẩy mạnh sự hiện diện quân sự trên một số hòn đảo tranh chấp trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Trung Quốc, khi tăng chi ngân sách quân sự, "cần minh bạch hơn về chuyện tiền bạc đi đâu".

Washington kêu gọi Bắc Kinh làm rõ "tiềm năng quân sự có thể được xem như lực lượng hòa bình".

“Kỷ nguyên Thái Bình Dương của Mỹ” được Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nêu ra trong bài được công bố trên tuần báo “Foreign Policy” cách đây hơn 1 năm, tháng 10-2011. Theo đó, thập kỷ tới, châu Á - Thái Bình Dương trở thành trung tâm chính sách của Washington, và Mỹ sẽ hiện diện ở khu vực này để thực hiện việc chuyển biến cấu trúc chiến lược.

“Đã đến lúc Mỹ giúp xây dựng các cấu trúc và thể chế như từng làm ở châu Âu sau thế chiến 2, cấu trúc đã và đang đem lại vô vàn lợi ích cho Mỹ. Và giờ đây, Mỹ cần làm như vậy ở châu Á, với tư cách là một quốc gia châu Á Thái Bình Dương”, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.

Theo đó, ngoại giao Mỹ trong thập kỷ tới sẽ tiến triển theo 6 đường hướng hoạt động chính: tăng cường các liên minh an ninh song phương; làm sâu sắc quan hệ với các cường quốc đang nổi lên, kể cả Trung Quốc; gắn kết với các cơ chế đa phương ở khu vực; mở rộng thương mại và đầu tư; xây dựng một sự hiện diện quân sự rộng rãi; và thúc đẩy dân chủ và nhân quyền.

Ngoài ra, theo giới phân tích, một trong những nguyên nhân khác khiến Mỹ quyết định chuyển dịch trọng tâm sang châu Á – Thái Bình Dương là sự gia tăng mạnh mẽ phát triển của Trung Quốc. Không khó để nhận ra rằng, các nước trong danh sách đồng minh mà Ngoại trưởng Mỹ nêu trong bài viết thực chất là một vòng cung kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Tham vọng song phương của Mỹ và Trung Quốc là chơi theo luật của riêng mình đang biến thành cuộc chơi phi luật lệ. Các nhà phân tích quan ngại trước sự gia tăng căng thẳng và hậu quả là chi tiêu quân sự tăng lên. Về chỉ số này, hiện nay châu Á - Thái Bình Dương đang là khu vực dẫn đầu thế giới.

Tùng Dương

Theo Dịch
MỚI - NÓNG