Tổng thống Obama tới Myanmar, Trung Quốc có lo mất ‘sân sau’?

Tổng thống Obama tới Myanmar, Trung Quốc có lo mất ‘sân sau’?
TPO – Barack Obama cùng Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng đã chọn Đông Nam Á làm điểm dừng chân đầu tiên sau khi tái đắc cử Tổng thống, trong đó Myanmar gây chú ý với giới quan sát hơn cả.

>Thứ trưởng Lê Lương Minh, người Việt đầu tiên làm Tổng thư ký ASEAN

>An ninh biển Đông, biển Hoa Đông trên bàn Hội nghị ASEAN

>‘Đường dây đỏ’ Biển Đông được ASEAN ủng hộ

> Cơn sốt Obama ở Myanmar

TT Obama và Ngoại trưởng Hillary đi chân trần thăm chùa Shwedagon ở Myanmar ngày 19 - 11
TT Obama và Ngoại trưởng Hillary đi chân trần thăm chùa Shwedagon ở Myanmar ngày 19 - 11 .

Myanmar nằm trong chuỗi công du của Tổng thống Barack Obama từ ngày 15 đến 20-11 tới Đông Nam Á, trong đó có Thái Lan và Campuchia, nơi hội nghị cấp cao ASEAN được tổ chức, diễn ra trong bối cảnh các mối quan hệ song phương đang được hâm nóng, sau khi Mỹ nới lỏng các lệnh cấm vận với Myanmar.

Theo thông báo của Nhà Trắng, trọng tâm chuyến công du là việc Mỹ thúc đẩy hơn những những tiến triển về dân chủ tại Myanmar trong cuộc gặp với Tổng thống U Thein Sein cũng như lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi.

Ngoài ra, các quan chức Mỹ cho biết Obama sẽ tuyên bố khoản viện trợ phát triển trị giá 170 triệu USD cho Myanmar và mở cửa trở lại Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ (USAID) sau nhiều năm phải tạm dừng hoạt động do sức ép của chính quyền quân sự Myanmar.

Trước đó, từ ngày 11-11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cũng đã lần lượt tới thăm Australia, Thái Lan và Campuchia trong chuyến đi kéo dài một tuần.

Riêng tại Australia, đồng minh thân cận của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương, ngoài Bộ trưởng Leon Panetta, còn có sự hiện diện của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Martin Dempsey và Chỉ huy Bộ chỉ huy Thái Bình dương, Đô đốc Samuel Locklear.

Đây là chuyến đi thứ 4 của người đứng đầu Lầu Năm Góc tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương kể từ tháng 6-2012, cho thấy tầm quan trọng trong chiến lược dịch chuyển trọng tâm sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà Mỹ đẩy nhanh thực hiện.

Một năm trước, Washington khiến cả thế giới ngỡ ngàng khi tuyên bố sự thay đổi đường lối chiến lược với cái gọi là “Kỷ nguyên Thái Bình Dương” của Mỹ, trong đó châu Á-Thái Bình Dương trở thành khu vực quan tâm ưu tiên. Theo giới phân tích, việc Mỹ chuyển hướng sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương thực chất là nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, trong đó Myanmar được xem là “quân bài chiến lược”.

Ông Boris Volkhonsky, chuyên gia Viện Nghiên cứu chiến lược Nga, phân tích: “Myanmar không tiếp cận trực tiếp với Thái Bình Dương, nhưng sự bành trướng của Trung Quốc đâu chỉ giới hạn với đại dương này và các vùng biển lân cận. Myanmar vội vã nắm bắt cơ hội hi vọng kiềm chế hiệu quả Trung Quốc. Phần lớn các biện pháp trừng phạt đối với Myanmar đã được gỡ bỏ.

Ngoại trưởng Hillary Clinton đến thăm Myanmar vào cuối năm ngoái. Tiếp theo đó là các nhà lãnh đạo phương Tây khác, bao gồm có Thủ tướng Anh David Cameron. Vào tháng 9-2012, thủ lĩnh đối lập của Myanmar là bà Aung San Suu Kyi, người được trao giải Nobel Hòa bình đã đến Mỹ. Giờ tới lượt Tổng thống Mỹ thực hiện chuyến thăm lịch sử tới Myanmar. Tất cả đều nằm trong ý đồ của Washington”.

Trước đó, hồi tháng 10-2012, Mỹ đã mời Myanmar gửi quan sát viên tới cuộc tập trận chung mang tên Hổ mang vàng (Golden Cobra), cuộc tập trận lớn nhất với Hoa Kỳ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, động thái lôi kéo Myanmar được cho là nỗ lực của Washington nhằm thành lập liên minh quân sự mới, trong đó Myanmar là hạt nhân nhằm kiềm chế Trung Quốc.

“Lời mời Myanmar đến cuộc tập trân chung "Cobra Gold" có nghĩa là Washington báo động về vị trí của mình trong khu vực Đông Nam Á, nơi mà ảnh hưởng của Trung Quốc tăng trưởng. Cả Washington và một số nước quan ngại trước sự tăng trưởng củaTrung Quốc, sẵn sàng hợp tác chặt chẽ hơn, bao gồm cả việc tạo ra các nhóm nhỏ chính trị quân sự”, Giáo sư Sergei Luzyanin Phó giám đốc Viện Viễn Đông thuộc Viện hàm lâm khoa học Nga phân tích.

Trung Quốc lo mất “sân sau”

Trước nay, đối với Mỹ, Myanmar là quốc gia mông muội, nơi quyền hành tập trung bởi các chúa đất và chính phủ quân sự. Trong khi đó, Trung Quốc đã sớm nhận ra cơ hội và lợi ích từ đất nước này. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, Trung Quốc đã giới thiệu kế hoạch nối liền vùng đại lục rộng lớn với bờ biển Ấn Độ Dương, trong đó Myanmar là một tuyến đường trung chuyển quan trọng.

Quan hệ Myanmar - Trung Quốc rạn nứt sau khi Tổng thống U Thein Sein đột ngột cho dừng dự án thủy điện Myitsone
Quan hệ Myanmar - Trung Quốc xuất hiện dấu hiệu rạn nứt sau khi Tổng thống U Thein Sein đột ngột cho dừng dự án thủy điện Myitsone .

Tới giữa những năm 2000, kế hoạch đó dần trở thành hiện thực. Sau khi hoàn thành, những con đường cao tốc trên chính là những huyết mạch nối liền vùng đại lục của Trung Quốc với Ấn Độ và các bờ biển của vịnh Bengal, vươn tới những bến cảng trị giá nhiều tỷ USD. Hàng hóa của Trung Quốc sẽ chạy thẳng từ lục địa ra biển Ấn Độ Dương để hướng tới thị trường rộng lớn ở châu Âu.

Hiện Trung Quốc cũng đang xây dựng tuyến tàu hỏa cao tốc trị giá hơn 20 tỷ USD từ Trung Quốc tới bờ vịnh Bengal. Đây là một phần trong tham vọng xây dựng tuyến đường sắt cao tốc xuyên lục địa của Trung Quốc: Nối liền Bắc Kinh với Rangoon, Delhi và châu Âu.

Trong chiến lược của Trung Quốc, bờ biển dài 1.930km của Myanmar chính là chìa khóa giúp Trung Quốc giải quyết vấn đề về mức chênh lệch thu nhập giữa các tỉnh ven biển phía đông và các tỉnh nằm sâu trong nội địa đang ngày càng lớn lên của Trung Quốc. Điều này được nêu rõ trong chính sách “Hai Đại Dương” của Trung Quốc: Một mặt là Thái Bình Dương và một mặt là Ấn Độ Dương. Khi giấc mơ này trở thành hiện thực, Myanmar sẽ là chiếc cầu bắc ngang lục địa để nối liền hai đại dương của Trung Quốc.

Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào dầu mỏ nhập khẩu từ nước ngoài. Khoảng 80% lượng dầu này đi qua eo biển Malacca – con đường biển nhộn nhịp nhất thế giới đi qua eo biển giữa Malaysia và Singapore. Đối với Trung Quốc, eo biển này là yết hầu của họ vì kẻ thù có thể cắt đứt nguồn năng lượng nuôi sống quốc gia. Vì vậy, việc tìm ra một con đường thay thế là điều bắt buộc. Và Myanmar là con đường “nhất cử lưỡng tiện”: Giảm bớt sự phụ thuộc vào eo biển Malacca và nối liền các nhà máy của Trung Quốc với châu Âu.

Thực tế đang chứng minh, nhờ Trung Quốc, Myanmar đang dần trở thành trái tim cuộc cách mạng kinh tế ở vùng đất nằm giữa Nam Á và Đông Nam Á. Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ, hiện nay hàng triệu người dân thường quốc gia hơn 60 triệu dân này vẫn đang phải sống trong cảnh nghèo khó, hoặc sống nhờ viện trợ cũng như làm thuê từ các dự án khổng lồ của Trung Quốc. Trong khi đó, bản thân các dự án của Trung Quốc tại Myanmar được cho là tàn phá hệ tư tưởng của nhiều nhà lãnh đạo quốc gia này khi mà tình trạng tham nhũng ngày một lan rộng.

Tuy chính phủ quân sự đã giải tán và trao quyền hành lại cho chính phủ dân sự (tháng 3-2011), đồng thời với việc Tổng thống U Thein Sein tiến hành cải tổ mạnh mẽ bộ máy, thiết lập đường lối ngoại giao với chủ trương tăng cường quan hệ với Mỹ để thu hút đầu tư cho nền kinh tế và cân bằng lại quan hệ với Trung Quốc (trong đó đáng chú ý là việc chính quyền Myanmar đình chỉ dự án xây đập do Trung Quốc tài trợ) nhưng việc tách ra khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc là điều không đơn giản với chính quyền Tổng thống U Thein Sein đương nhiệm.

Không ngẫu nhiên, ngay sau khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sang thăm Myanmar (đầu tháng 12-2011), Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc lập tức có chuyến công du hai ngày tới nước này, trong đó nhấn mạnh với Tổng thống U Thein Sein về “các mối quan hệ kiểu mẫu” giữa Trung Quốc và Myanmar.

Phản ứng về chuyến thăm Myanmar của người đứng đầu Nhà trắng Mỹ, Bắc Kinh cho biết :“Trung Quốc không thấy có bất kỳ áp lực nào từ sự xuất hiện của ông Obama tại Nay Pi Taw”.

Tuy nhiên, giới quan sát khu vực cho rằng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ không thể làm ngơ trước nguy cơ bị “đối thủ đáng gờm” lôi kéo đồng minh xa rời dần quỹ đạo mà Bắc Kinh đã cố công gây dựng lâu nay, nhất là sau khi Tổng thống Myanmar U Thein Sein đột ngột cho dừng dự án thủy điện Myitsone của Trung Quốc.

Tùng Dương (tổng hợp)

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.