Trường ra nội quy nghiêm khắc: Có nên giáo dục học sinh bằng nỗi sợ hãi?

TPO - Nữ sinh không được nhuộm tóc, đi học muộn quá 5 phút phải lao động công ích suốt thời gian một tiết, học sinh có biểu hiện gian dối khi mời phụ huynh đến trường sẽ bị đình chỉ. Học sinh tuyệt đối không dùng Facebook để nói xấu người khác, chỉ like status khi đã đọc kỹ nội dung. Nếu like những status có nội dung xấu, chủ nhân Facebook sẽ bị quy trách nhiệm.

THCS & THPT Lương Thế Vinh, ngôi trường mấy ngày qua xôn xao khi bị một phụ huynh tố có nền giáo dục hà khắc "chưa vơi nụ cười đã rơi nước mắt", tạo nên luồng tranh luận trái chiều về phương pháp giáo dục trên mạng xã hội.

Theo quy định của trường Lương Thế Vinh, năm học 2017-2018 học sinh phải mặc đúng quy định đồng phục, không đi dép lê, dép quai hậu xỏ ngón, giày cao gót. Nam sinh không được để tóc dài, nữ sinh không để những kiểu đầu tóc thời trang, không nhuộm tóc.

Những em nghỉ học không phép 3 ngày sẽ bị đình chỉ học tập.

Ngoài những quy định chung về nề nếp, trường Lương Thế Vinh còn có quy định riêng về việc sử dụng Facebook gây sốt trên mạng xã hội từ năm 2013, có hiệu lực đến hiện tại.

Theo đó, trên mạng xã hội, học sinh không được nói tục, chửi bậy hoặc văng bậy, kể cả chửi bậy bằng những từ viết tắt; phải sử dụng ngôn từ trong sáng, thuần Việt.

Học sinh tuyệt đối không dùng Facebook để nói xấu người khác, chỉ like status khi đã đọc kỹ nội dung. Nếu like những status có nội dung xấu, chủ nhân Facebook sẽ bị quy trách nhiệm.

Đặc biệt, khi nhà trường có giấy mời cha mẹ, nếu có biểu hiện gian dối hoặc trì hoãn việc chuyển giấy mời, học sinh sẽ bị đình chỉ học tập.

Trường hợp không chịu sửa chữa khuyết điểm (sau khi đã thông báo cho cha mẹ) nhà trường sẽ kiên quyết cho thôi học. Hội đồng kỷ luật và ban giám hiệu nhà trường sẽ quyết định việc từ chối giáo dục hay đề nghị chuyển trường đối với học sinh vi phạm.

Trường ra nội quy nghiêm khắc: Có nên giáo dục học sinh bằng nỗi sợ hãi? ảnh 1
Nghiêm khắc có tốt cho học sinh?

Một cựu học sinh trường Lương Thế Vinh cho rằng, hình phạt của nhà trường là rửa bát hay cắt cỏ đã áp dụng với nhiều thế hệ học trò. Tuy là người đã từng phải rửa bát tại trường nhiều lần, nhưng theo cựu học sinh này, "việc giáo viên gọi phụ huynh lên làm việc và gặp mặt quá nhiều làm căng thẳng cho cả hai là điều không nên".

“Đúng là trong những năm học ở Lương Thế Vinh, kỷ luật ở nơi đây nghiêm khắc nhiều hơn những trường khác. Nhưng theo quan điểm của mình, hơn nửa trong nội quy đó đúng và có tác dụng với học sinh”, cựu học sinh này nói.

TS. tâm lý Trần Thành Nam (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia HN) cho rằng, trường nào cũng cần phải có nội quy. Việc đưa ra nội quy của trường phải dựa trên triết lí cùng với kì vọng và mong muốn về học sinh của từng trường. 

Tuy nhiên, cũng theo TS. Nam, để đưa ra nội quy tốt nhất là nhà trường phải giáo dục học sinh dựa trên khả năng các em và các em tình nguyện thực hiện nội quy đó thì mới có hiệu quả.

"Còn các nội quy đưa ra mang tính chất hà khắc, là cái này cấm, cái kia cấm và triết lí đằng sau đó là đang muốn giáo dục học sinh bằng nỗi sợ, sợ hình phạt hoặc như giáo dục học sinh để cho các em thấy xấu hổ, sợ không dám tham gia... thì không tốt”- TS. Nam ý kiến.

TS. Nam cho rằng, trong nội quy nội dung nên tập trung vào những hành động  tích cực mà nhà trường mong muốn học sinh hướng đến chứ không phải nhắc cho học sinh cái gì bị cấm.

Trường ra nội quy nghiêm khắc: Có nên giáo dục học sinh bằng nỗi sợ hãi? ảnh 2 TS. tâm lý Trần Thành Nam
Môi trường giáo dục không thể theo "quân lệnh"

TS. tâm lý Trần Thành Nam cho rằng, mục tiêu giáo dục hướng học sinh thực hiện những kì vọng mà trường hướng đến thì thay vì cấm học sinh không được nói tục chửi bậy, không được ném đá nhau trên mạng, mình nên có nội quy liên quan đến phát ngôn thì sử dụng từ ngữ thân thiện bạn bè, biết lắng nghe người khác. 

Có ba phẩm chất ở trong mối quan hệ, làm mối quan hệ nhà trường tốt hơn là: ấm áp, kiên quyết (nghiêm khắc cũng được) và tôn trọng sự tự chủ.

"Tôi không phản đối các trường sử dụng kỉ luật quá hà khắc nhưng cá nhân tôi muốn nội quy đến học sinh phải được chấp nhận và việc xử lý hợp lý. Nhưng nội quy các trường đưa ra lại một chiều từ trên xuống. Chúng ta không thể theo kiểu quân lệnh trong quân đội được cho môi trường giáo dục”- TS Nam nhấn mạnh.

TS. Nam cho rằng, việc các trường sử dụng nội quy hà khắc vẫn được áp dụng là do niềm tin của phụ huynh giống như niềm tin của nhà trường đang thực hiện. Họ cùng tin rằng không thể nào giáo dục được con tốt nếu con không biết sợ. Nếu con không sợ thầy cô, không sợ bố mẹ thì không làm các con tốt được. 

“Quan niệm đó là quan niệm thách thức mà bây giờ chúng ta phải đối diện với nó trên thực tế và ở khía cạnh nào đó sự giáo dục hà khắc sẽ làm con của chúng ta không gặp nguy cơ ngay lập tức. Nhưng giáo dục quá hà khắc sẽ làm cùn mòn sự sáng tạo, đứa trẻ lúc nào cũng cần hướng dẫn, không tự chủ làm được việc gì”- TS Nam nhấn mạnh. 

MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.