Hà Nội tiếp tục xây dựng tiêu chí xét tuyển lớp 6

Học xong lớp 5, các em phải vượt qua những cửa ải nào để trở thành học sinh lớp 6 như thế này?. Ảnh: Ngọc Châu.
Học xong lớp 5, các em phải vượt qua những cửa ải nào để trở thành học sinh lớp 6 như thế này?. Ảnh: Ngọc Châu.
TP - Chiều 21/4, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, tất cả các trường tuyển sinh lớp 6 thực hiện nghiêm phương án xét tuyển.

Đối với các trường “nóng” tuyển sinh, năm nay tiếp tục xây dựng bộ tiêu chí tuyển sinh lớp 6 trình lãnh đạo quận, huyện, sau đó Sở mới hướng dẫn thực hiện xét tuyển theo đúng quy định.

Sở trình xin ý kiến Bộ không thành

Mở đầu buổi giao ban, hàng chục câu hỏi của phóng viên đề nghị Sở GD&ĐT làm rõ, phương thức tuyển sinh, tiêu chí xét tuyển, thậm chí yêu cầu Sở giải bài toán tuyển sinh cho các trường một khi chỉ tiêu thì ít mà hồ sơ đăng ký lại quá cao.

Ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, tháng 3/2015 Bộ GD&ĐT ban hành chỉ thị về dạy thêm, học thêm trong đó cấm các trường không được khảo sát đầu cấp, không thi tuyển vào lớp 6. Sở nhận thấy đó là vấn đề mới và cần tính đến yếu tố đặc thù của Hà Nội nên đã có văn bản gửi Bộ GD&ĐT xin ý kiến. Tuy nhiên, ngay sau đó Bộ đã ban hành công văn yêu cầu tất cả các trường thực hiện nghiêm túc việc không thi tuyển đầu cấp.

“Để tạo được sự đồng thuận, Sở hết sức thận trọng thu thập ý kiến chuyên gia, nhà khoa học đồng thời đề nghị các trường có lượng thí sinh đăng ký lớn xây dựng đề án để xem xét”, ông Đại nói.

Ông Đại cho biết thêm, sau khi các trường “nóng” tuyển sinh trình bày phương án tuyển sinh riêng, Sở đã tổ chức cuộc họp, xin ý kiến của các chuyên gia, phụ huynh, thầy cô giáo trong ngành và đi đến kết luận, đồng ý cho 3 trường thí điểm phương thức xét tuyển mới (Trường Marie Curie, Trường Nguyễn Tất Thành và Lương Thế Vinh). Trong đó, ngoài xét tuyển, các trường đề xuất phương án đánh giá năng lực trí tuệ, test chỉ số IQ, EQ.

Trả lời câu hỏi, vì sao chỉ trong chưa đầy một ngày, Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra hai quyết định “đá” nhau liên quan đến tuyển sinh lớp 6? Ông Đại nói, khi công bố phương án cho 3 trường được tuyển theo phương án riêng đã nhận được nhiều luồng ý kiến.

“Người ủng hộ thì cho đó là phương pháp tiên tiến được áp dụng nhiều nước trên thế giới, giúp học sinh chuyển từ  học đơn môn sang đa môn, kích thích năng lực sáng tạo. Người cho rằng, muốn test IQ, EQ phải có trung tâm độc lập xây dựng tiêu chí và bộ câu hỏi phù hợp lứa tuổi học sinh. Sở xét thấy, đây là phương pháp mới, phụ huynh, học sinh chưa hiểu lại đi học test IQ, EQ nên cần có thời gian chuẩn bị, nghiên cứu thêm, do đó dừng lại”, ông Đại lý giải.

Hà Nội tiếp tục xây dựng tiêu chí xét tuyển lớp 6 ảnh 1

Học sinh lớp 6 Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) trong lễ khai giảng. Ảnh: Như Ý.

Các trường tiếp tục xây dựng tiêu chí xét tuyển

Cũng theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, việc tuyển sinh đầu cấp năm học 2015-2016 được đơn vị chuẩn bị kế hoạch cụ thể. Trong đó, quy định các điều kiện để tuyển sinh, những vấn đề cần chỉ đạo các trường, phòng và UBND các quận, huyện. Sở đã tổ chức hội nghị hướng dẫn tuyển sinh, yêu cầu không để xảy ra điểm nóng, phân tuyến hợp lý, đảm bảo đủ chỗ cho học sinh toàn thành phố. Sở giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các lớp đầu cấp với 102.500 học sinh vào 623 trường THCS, tuyển mới vào lớp 1 khoảng 135.240 em, tuyển trẻ mẫu giáo hơn 407 nghìn…

Theo kế hoạch, chậm nhất ngày 30/5, toàn bộ kế hoạch tuyển sinh phải được công khai trên cổng thông tin điện tử của Sở, thời gian tuyển sinh đầu cấp bắt đầu từ 1/7 đến hết ngày 15/7. 

Ông Đại cho biết, việc tuyển sinh đầu cấp từ mầm non đến THCS thuộc về trách nhiệm của UBND các quận huyện. Các quận, huyện muốn làm tốt phải chỉ đạo các trường, phòng có kế hoạch tuyển sinh công khai, minh bạch thời gian, phương thức, chỉ tiêu, địa bàn tuyển sinh…

Ông Đại phân tích: Thông thường Hà Nội có 9 trường có lượng hồ sơ đăng ký vào lớp 6 lớn. Trong đó, có trường lâu nay đã có phương thức xét tuyển đảm bảo công bằng, có sức hút với phụ huynh, học sinh như Trường THCS Lê Lợi (Hà Đông). Trao đổi về vấn đề này, ông Quốc Anh, Hiệu trưởng trường THCS Lê Lợi cho biết, cách tuyển sinh lâu nay vẫn được phụ huynh “tâm phục, khẩu phục” là xét kết quả học tập 5 năm và cộng điểm giải thưởng các em đạt được qua các kỳ thi. Tuy nhiên, ông Quốc Anh cũng khẳng định, trường ưu tiên tuyển những học sinh trên địa bàn nên không bị áp lực quá lớn về hồ sơ.

Ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng Tiểu học Sở GD&ĐT cho rằng, năm vừa qua học sinh lớp 5 thực hiện quy định đánh giá học sinh bằng phương thức mới, tuy nhiên vẫn có nhiều tiêu chí để xét tuyển. Trong đó, ngoài học bạ còn có sổ liên lạc giữa gia đình, nhà trường, sổ nhận xét của giáo viên, sổ theo dõi thi đua, khen thưởng, hai bài thi Toán, tiếng Việt đánh giá năng lực học sinh/ năm.

“Hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm về tuyển sinh cũng như quản lý vận hành ngôi trường đó. Do đó, không ai am hiểu trường bằng các hiệu trưởng, các trường tiếp tục xây dựng tiêu chí tuyển sinh phù hợp với điều kiện mỗi trường trình lên Phòng, Sở. Sở chỉ xem xét tiêu chí đó có phù hợp, làm lợi cho học sinh hay không để cho ý kiến”, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.