Lượng sức để chọn ngành phù hợp

Lượng sức để chọn ngành phù hợp
TP - Thấp nhất 13, cao nhất 27 - đó là thực tế điểm chuẩn tuyển sinh theo ngành của các trường ĐH hằng năm. Cùng một ngành học nhưng điểm chuẩn ở các trường khác nhau, có thể chênh nhau đến hơn 10 điểm. Thí sinh cần biết năng lực của mình để chọn ngành phù hợp.

> Nhiều trường công bố chỉ tiêu năm 2013
> Chủ trương tuyển sinh 2013: Vừa làm vừa nghĩ

Kinh tế: Từ 13 đến hơn 24 điểm

Khối A luôn là khối có đông thí sinh đăng ký dự thi nhất và cũng là khối có nhiều ngành, nhiều trường đào tạo nhất. Điểm chuẩn theo ngành ở khối này cũng phân tầng khá rõ: Các trường ĐH chuyên đào tạo nhóm ngành kinh tế, ngân hàng thường có điểm chuẩn khá cao, trong khi đó cũng nhóm ngành kinh tế nhưng ở các trường đa ngành thì thường điểm chuẩn thấp hơn.

Theo thống kê điểm chuẩn hằng năm thì nhóm ngành kỹ thuật công nghệ ở ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Giao thông vận tải TPHCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, ĐH Cần Thơ… khoảng từ 16 đến 18 điểm, một số ngành đến trên 20 điểm.

Cũng ở khối ngành này nhưng ở các trường ĐH vùng, ĐH địa phương như ĐH Tây Nguyên, ĐH Đà Lạt, ĐH An Giang... thì điểm chuẩn chỉ bằng sàn hoặc cao hơn 1 đến 2 điểm..

Tại các trường ĐH đa ngành, từ nhiều năm nay, nhóm ngành được nhiều thí sinh quan tâm nhất vẫn là các ngành điện tử viễn thông, kỹ thuật điện - điện tử, CNTT, công nghệ thực phẩm, cơ điện tử, xây dựng...

Tuy nhiên, mùa tuyển sinh năm 2012 cho thấy, điểm chuẩn các ngành này không cao lắm: ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM điểm chuẩn nhóm ngành này chỉ ở mức 14, 15 điểm, ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) điểm chuẩn nhóm ngành này cao hơn các trường khác, khoảng 18,5 điểm.

Ở các trường: ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Giao thông vận tải TPHCM…, những ngành thuộc lĩnh vực cơ khí, kỹ thuật điểm chuẩn chỉ ở mức điểm sàn hoặc nhỉnh hơn một vài điểm mà thôi...

Trường nào vừa sức?

Theo đại điện của các trường ĐH, điểm trúng tuyển mỗi ngành cao hay thấp không phụ thuộc số lượng thí sinh hay tỷ lệ “chọi”, mà tùy thuộc nhiều vào chất lượng thí sinh dự thi vào ngành và độ khó của đề thi.

Ở các trường tại TPHCM như ĐH Nông Lâm TPHCM, ĐH Sài Gòn, ĐH Công nghiệp TPHCM…, hàng năm, lượng thí sinh dự thi thuộc hàng cao nhất nhì cả nước nhưng nhiều ngành điểm chuẩn cũng chỉ ở mức 15. Do vậy, các thí sinh không quá âu lo trước những ngành luôn có đông thí sinh.

Trong khi đó, điểm chuẩn các ngành sư phạm lại không có sự chênh lệch quá lớn giữa các trường. Đặc biệt, trong một vài năm trở lại đây, lượng thí sinh dự thi vào các ngành sư phạm ở các trường ngày càng ít dần.

Năm 2012, điểm chuẩn vào các ngành sư phạm của ĐH Sư phạm TPHCM dao động từ 14 đến 20 điểm, ĐH Sài Gòn chỉ từ 14 đến 17 điểm, ĐH Cần Thơ từ 14 đến 17,5 điểm… Trong khi đó, ngành sư phạm ở các trường như ĐH An Giang, ĐH Đồng Tháp… chỉ ở mức điểm sàn nhưng lại rất khó tuyển sinh.

Nhóm ngành y, dược, răng hàm mặt… nhìn chung điểm chuẩn hằng năm ở mức 22 điểm trở lên. Nhóm ngành ở các trường y có điểm chuẩn trên dưới 20. Trong khi đó, ngành sinh học luôn có mức điểm thấp hơn 2-4 điểm.

Ở khối B, nhóm ngành: nông - lâm - ngư gồm chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thủy sản, chế biến nông sản, nông học, bảo vệ thực vật, bệnh học thủy sản… luôn có mức điểm chuẩn 14-15 ở hầu hết các trường công.

Với khối C, nhìn chung điểm chuẩn cao nhất thuộc về ngành báo chí, kế đến ngữ văn... Thông thường, điểm chuẩn khối C các trường phía Bắc luôn cao hơn phía Nam khoảng 2 điểm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.