> Phụ huynh vây trường vì 'sợ con không được vào lớp một'
Xếp hàng mua hồ sơ xin cho con học lớp 1 ở Trường THCS Thực Nghiệm (Hà Nội). |
Chị H. có con năm nay vào lớp 6. Theo hộ khẩu của cháu Th. con chị H., cháu sẽ học đúng tuyến trường THCS V. nổi tiếng bậc nhất trong hệ thống trường THCS của Hà Nội. Tuy nhiên, khi đi làm thủ tục nhập học cho con, chị được cán bộ làm công tác tuyển sinh yêu cầu gặp riêng hiệu trưởng.
Hoá ra, trong cuốn hộ khẩu có tên cháu Th., mối quan hệ của cháu Th. với chủ hộ được ghi là “cháu”, trong khi cả vợ chồng chị H. đều không có tên.
Chị H. tâm sự: “Tôi có cô em ruột nhà gần trường V. nên cho cháu Th. nhập hộ khẩu vào đó vừa để cháu được học đúng tuyến trường V. mà không phải chạy, vừa để cháu tiện về nhà cô nghỉ ngơi trong khi bố mẹ chưa kịp đến đón. Ai dè thầy hiệu trưởng bảo trường hợp như con tôi phải chờ trường báo cáo với công an quận. Không chỉ tôi mà nhiều cháu khác nhập hộ khẩu nhờ nhà ông bà, có ông bà nội ngoại đầu tóc bạc phơ đến tận trường bảo lãnh vẫn không được giải quyết”.
Phụ huynh một trường khác cho biết, ở trường mà con chị đang học (quận Thanh Xuân), trường hợp nhập hộ khẩu vào nhà khác (không có tên bố, mẹ) bao giờ cũng bị thẩm tra rất kỹ, bởi vì theo như các cán bộ tuyển sinh của trường nói là để đề phòng các trường hợp chạy hộ khẩu.
Bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết, trong quá trình kiểm tra công tác tuyển sinh ở một số quận, lãnh đạo Sở GD&ĐT cũng được báo cáo về việc xử lý tình huống này.
Bà Nga nói: “Vừa rồi tôi đi kiểm tra ở quận Thanh Xuân được nghe báo cáo, năm ngoái có phường chỉ trong một thời gian ngắn tăng 90 cháu trong cùng một độ tuổi chuẩn bị đi học lớp 1. Qua xem xét, họ nhận thấy số cháu này nhập khẩu đều dưới dạng đứng nhờ tên trong hộ khẩu của gia đình khác. Ngành GD&ĐT quận cũng như lãnh đạo quận đã đề nghị công an xem xét lại. Năm nay rút kinh nghiệm, quận Thanh Xuân có chủ trương với một số khu vực căng thẳng về chỗ học, những cháu nhỏ mới nhập khẩu trong năm sẽ không được học theo hộ khẩu mới”.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho rằng, việc phân biệt hộ khẩu mới với hộ khẩu cũ là làm trái hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội và còn tạo điều kiện cho các trường nhũng nhiễu phụ huynh.
Anh Đ, một phụ huynh sống ở khu tập thể Vinaconex, phố Khuất Duy Tiến, phàn nàn: “Theo hướng dẫn của Sở, việc tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6 các trường công lập theo tuyến tuyển sinh mà quận đã chia cho từng trường. Như vậy, cháu nào có tên trong sổ hộ khẩu của khu vực nào mặc nhiên là học sinh đúng tuyến của khu vực đó. Thậm chí, theo như hướng dẫn của Sở, kể cả với cháu vừa mới nhập khẩu xong, chưa có tên trong hộ khẩu mà chỉ cần có giấy hẹn hoặc giấy hẹn đã hoàn thành thủ tục nhập khẩu của công an quận là đã có quyền nhập học. Nếu giờ họ không nhận, chẳng lẽ các cháu phải chạy để học trái tuyến?”.
Có phụ huynh còn cho rằng, với những trường không nhận học sinh hộ khẩu mới nhập về, quận cũng phải bắt buộc các trường đó không được nhận một trường hợp trái tuyến nào.
“Giờ họ lấy cớ để gạt con em chúng tôi, đến 15-7 họ lại báo cáo là vẫn còn chỉ tiêu để nhận trái tuyến thì đó là điều không thể chấp nhận được”, một phụ huynh bức xúc.
Giải thích những phản ánh trên, bà Nga nói: “Rất khó để cấm các trường tuyển sinh trái tuyến. Trên thực tế đời sống xã hội ở Hà Nội, rất nhiều trường hợp nhà một nơi hộ khẩu một nẻo. Liệu có nên tạo điều kiện cho những nhà chưa có hộ khẩu nhưng lại sống ngay sát trường hay là tạo điều kiện cho những người ăn gian hộ khẩu? Các quận xem xét từng trường hợp cụ thể và tôi cho như thế là cách giải quyết có trách nhiệm. Tôi cũng được biết, họ không để cho trường hợp nào vì vấn đề hộ khẩu mà không có chỗ học. Với những trường hợp ăn gian hộ khẩu, quận đều bố trí học ở những trường công lân cận nhưng không bị áp lực về tuyển sinh”.