> Đi mua nhà thời bất động sản “đóng băng”
> Giảm giá, thoái vốn, chuyển công năng và gì nữa?
Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã khẳng định như thế khi trả lời phỏng vấn .
Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP.HCM. |
TP.HCM xác định năm 2013 được xem là năm bản lề của kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2015), đồng thời sẽ tập trung giải quyết tình trạng tồn kho bất động sản (BĐS). Ông có thể cho biết các giải pháp để gỡ khó cho doanh nghiệp (DN), tạo thanh khoản cho thị trường BĐS?
Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế được xác định tại kỳ họp Ban Chấp hành Đảng bộ TP lần thứ 12 vừa qua.
Theo đó, UBND TP chỉ đạo các sở ngành liên quan triển khai hàng loạt giải pháp cụ thể. Về nghĩa vụ tài chính, các DN kinh doanh BĐS đều được gia hạn nộp tiền sử dụng đất theo Nghị quyết số 13 và Thông tư 83, thời gian gia hạn tối đa là 12 tháng; giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ kinh doanh sản phẩm của DN; cho phép các chủ đầu tư được lựa chọn hình thức giao đất, thuê đất trả tiền một lần hoặc trả hằng năm.
Thành phố đã có chỉ đạo đến tháng 9.2013, tất cả các quận huyện phải hoàn tất quy hoạch tỷ lệ 1/2.000, công bố rộng rãi cho doanh nghiệp và người dân biết. Khi đã công khai, minh bạch rồi mà nếu còn gây phiền hà, sách nhiễu nữa thì TP sẽ kiên quyết xử lý. |
Đối với các dự án được chấp thuận địa điểm đầu tư đã hết hạn so với thời hạn quy định nhưng chủ đầu tư chưa hoàn tất thủ tục để được giao đất triển khai dự án sẽ cho phép gia hạn đối với các chủ đầu tư có năng lực tài chính, đang thực hiện các thủ tục đầu tư, đã thỏa thuận bồi thường từ 50% diện tích đất trở lên, thì cũng sẽ cho phép gia hạn tối đa không quá 12 tháng và chỉ xem xét gia hạn 1 lần...
Nhiều DN kiến nghị cho phép điều chỉnh diện tích, chuyển đổi công năng căn hộ. Hiện quan điểm của TP về vấn đề này như thế nào?
Nhiều DN ban đầu làm cao ốc văn phòng, nhưng cho thuê ế quá nay xin chuyển sang căn hộ, hay những căn hộ diện tích lớn bán không được nay TP sẽ xem xét cho cơ cấu lại phù hợp với thị trường, vừa với thu nhập, khả năng thanh toán của người dân.
Nhiều người có thu nhập chỉ đủ mua căn hộ 50 m2, không đủ mua căn hộ 100 m2. DN bán không được thì ế, cung và cầu không gặp nhau.
Việc cho điều chỉnh lại là để phù hợp điều kiện thực tiễn, nhưng với điều kiện không tăng diện tích sàn xây dựng và đặc biệt là phải phù hợp với quy hoạch.
Hàng trăm dự án bất động sản ở TP.HCM đang dở dang. Ảnh: Đình Sơn. |
Ngoài ra, chủ trương của TP là những dự án phát triển nhà ở thương mại đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa triển khai công trình nhà ở thì cho phép điều chỉnh quy hoạch để tăng tỷ trọng nhà ở xã hội phục vụ người nghèo, nhà ở cho công nhân, điều chỉnh cơ cấu nhà ở trong dự án để phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Trường hợp các dự án nhà ở thương mại được chuyển thành nhà ở xã hội thì cho phép chủ đầu tư được hưởng các chính sách ưu đãi như đối với nhà ở xã hội.
DN lâu nay vẫn bức xúc thủ tục hành chính quá nhiêu khê, khiến một dự án phải mất từ 3-5 năm làm thủ tục, gián tiếp đẩy giá nhà đất tăng cao. TP làm gì để chấn chỉnh?
DN bức xúc vì thủ tục hành chính nhiêu khê là có thật, nhất là bức xúc về chỉ tiêu quy hoạch, cấp phép xây dựng… Lý do là quy hoạch ở nhiều quận, huyện vẫn chưa rõ ràng, rồi dựa vào đó mà “hành” DN. TP đã có chỉ đạo đến tháng 9.2013, tất cả các quận, huyện phải hoàn tất quy hoạch tỷ lệ 1/2.000, công bố rộng rãi cho DN và người dân biết. Khi đã công khai, minh bạch rồi mà nếu còn gây phiền hà, sách nhiễu nữa thì TP sẽ kiên quyết xử lý.
Ngoài khó khăn về đầu ra, vấn đề nợ vay ngân hàng với lãi suất (LS) cao cũng là khó khăn rất lớn của các DN, TP có giải pháp nào về vấn đề này?
Bên cạnh các giải pháp mà tôi đã nói, vẫn còn một số vấn đề vượt thẩm quyền giải quyết của TP. Vì vậy, để công tác tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS được hiệu quả, tạo điều kiện cho DN nhanh chóng đưa sản phẩm phù hợp và người dân có điều kiện mua các căn hộ phù hợp với khả năng thanh toán của mình, từng bước cân đối cung - cầu của thị trường BĐS..., UBND TP còn tiếp tục kiến nghị T.Ư có chính sách hỗ trợ về mặt tài chính, ngân hàng.
Tôi nghĩ cần có giải pháp, chính sách mang tính đột phá mới tháo gỡ được nút thắt hàng tồn kho quá lớn như hiện nay. Nếu các DN được cơ cấu lại các khoản nợ vay cũ đang chịu LS rất cao để chuyển sang hưởng mức LS theo chính sách hiện nay; đối với người mua nhà, người đang ở nhà có diện tích chật hẹp, có thu nhập thấp... khi mua lần đầu mà được hỗ trợ tín dụng ưu đãi với LS khoảng 8%/năm trong thời hạn từ 5-10 năm hoặc nếu miễn thuế VAT đối với người mua nhà ở phân khúc bình dân, mở rộng điều kiện cho người nước ngoài sở hữu căn hộ tại VN… thì sẽ góp phần kích cầu thị trường nhà ở và chắc chắn khó khăn sẽ được giảm đáng kể.
Hàng tồn kho hơn 30.242 tỉ đồng Theo ông Nguyễn Hữu Tín, khó khăn lớn nhất là khối lượng hàng tồn kho BĐS tại TP.HCM rất lớn, tổng giá trị lên đến hơn 30.242 tỉ đồng. Bên cạnh đó, do LS cao, DN khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, thiếu vốn để triển khai thực hiện khiến nhiều công trình phải dở dang, thậm chí nhiều dự án phải tạm dừng triển khai. Qua kết quả khảo sát của Sở Xây dựng, trong tổng số 1.318 dự án trên địa bàn, có 242 dự án (quy mô hơn 2.087 ha diện tích đất, 61.705 căn hộ) đã giao chủ đầu tư nhưng chưa triển khai, 37 dự án đang tạm dừng (hơn 393 ha diện tích đất) và 37 dự án điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh cơ cấu nhà ở (quy mô hơn 649 ha, 22.366 căn hộ)... |
Theo Đình Phú - Đình Sơn
Thanhnien