Khủng long ‘xả hơi’ làm nóng Trái Đất

Khủng long ‘xả hơi’ làm nóng Trái Đất
TPO – Theo nghiên cứu, loài khủng long khổng lồ Sauropod đã sản xuất ra một lượng lớn khí gây hiệu ứng nhà kính. Đây có thể là nguyên nhân khiến Trái đất thời tiền sử nóng lên bằng hoạt động “thải hơi” của chúng.

> Khủng long tuyệt chủng do đẻ trứng

Bức minh họa hành trình loài khủng long ăn cỏ khổng lồ Sauropod di cư kiếm ăn
Bức minh họa hành trình loài khủng long ăn cỏ khổng lồ Sauropod di cư kiếm ăn.

Cũng giống với những động vật nhai lại ngày nay, trong dạ dày loài khủng long ăn thực vật khổng lồ chứa nhiều vi khuẩn có nhiệm vụ phân hủy cây cỏ.

Quá trình tiêu hóa này đồng thời sản sinh ra một lượng lớn khí methane, gây hiệu ứng nhà kính ở môi trường bên ngoài thậm chí còn mạnh hơn cả khí Carbon dioxide (CO2).

Khủng long khổng lồ Saropod – nguồn khí thải di động

Để ước tính được lượng khí methane do loài Sauropod thải ra, các nhà khoa học giả sử rằng, trong mỗi cây số vuông đất thực vật sẽ có khoảng mười con Sauropods.

Hàng ngày, mỗi con khủng long có thể thải ra khoảng 1,9 kg của khí methane. Trong khi một con bò trưởng thành thải ra khoảng 0,2-0,3 kg khí methane mỗi ngày.

Các loài động vật nhai lại như bò, cừu, dê cũng góp phần làm nóng Trái đất
Các loài động vật nhai lại như bò, cừu, dê cũng góp phần làm nóng Trái đất.

Giả sử vào thời tiền sử khi loài khủng long Sauropod sinh sống, Trái đất có khoảng 75 triệu km2 đất thực vật. Cứ thế nhân lên, lượng khí methane do khủng long Sauropod thải ra ngoài môi trường sẽ lên tới 520 triệu tấn/năm.

Nhà sinh thái Dave Wilkison - trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học Liverpool John Moores, Anh - phát biểu trên tạp chí môi trường Current Biogy: “Lượng khí methane loài Sauropod thải ra mỗi năm xấp xỉ với lượng khí thải trên toàn cầu ngày nay, kể cả khí thải tự nhiên, hay nhân tạo”.

“Bên cạnh các phép tính, chính những bộ hóa thạch của loài Sauropod mà chúng ta tìm được ngày nay cho thấy, vào thời tiền sử đã diễn ra hiệu ứng nhà kính cực lớn", tác giả chương trình nghiên cứu khẳng định.

Theo Tổ chức khí tượng thế giới, tất cả động vật nhai lại ngày nay như bò, dê, cừu, hươu cao cổ… đã khiến Trái đất nóng lên bằng việc thải ra 50-100 triệu tấn khí methane mỗi năm.

Con số này chiếm một phần lớn trong lượng khí đo được khoảng 500-600 triệu tấn trên cả thế giới, chủ yếu là do các hoạt động của con người thải ra.

Nhà sinh thái học Dave Wilkinson cho biết: “Ở động vật, khí methane có thể được thải ra ngoài qua đường miệng hoặc hậu môn. Với loài bò, chúng thải khí methane ra ngoài qua đường miệng bằng việc ợ hơi”.

“Đối với loài khủng long Sauropod có trọng lượng lên tới 20 tấn, lượng khí methane chúng thải ra sẽ lớn đến mức đáng kinh ngạc”, ông nói thêm.

Phương Trang
Theo Nationalgeographic

Theo Dịch
MỚI - NÓNG