> Những bức phên dậu mềm bảo vệ đất nước từ xa
Đường biên ở đâu, trạm phát sóng ở đó
Đi dọc theo cung đường tuần tra biên giới, dừng chân tại xã vùng biên Tân Xuân, huyện Mộc Châu, Sơn La, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, bởi nơi đây chỉ còn cách biên giới vài km núi cao, rừng sâu nhưng đời sống người dân không kém những thị trấn trung tâm.
Theo lời ông Đinh Công Quán - Chủ tịch UBND xã thì từ những năm trước, đường vào Tân Xuân chỉ dành cho xe ngựa, cho người đi bộ. Đời sống người dân đều khó khăn vì sản xuất, trồng ngô đều không thể chở đi bán. Chỉ có mấy chục km là ra đến trung tâm huyện Mộc Châu nhưng muốn chở một tải ngô đi bán phải mất 2 ngày trời, mà để tư thương vào mua thì bị ép giá. Đó là chưa kể việc không nắm được thông tin về giá cả thị trường theo mùa vụ nên có khi cứ giá thấp thì lại đem đi bán...
Năm 2008, dự án đường tuần tra biên giới được triển khai, bộ đội về làng đã mở thông những tuyến đường tới tận biên giới, những xã giáp biên đã có đường đi lại dễ dàng. Cũng chính nhờ có đường, người dân Tân Xuân đi lại, buôn bán thuận tiện hơn. Khi đường tuần tra biên giới hình thành, bộ đội đã đưa cái trạm phát sóng rất cao vào lắp để cho bà con dùng điện thoại. Nhờ đó mà biết được giá ngô khi nào cao, khi nào thấp, biết được khi nào có chủ hàng lớn về mua để chở ra thị trấn bán. Dân Tân Xuân khá giả giờ ai cũng dùng 1-2 máy điện thoại của Viettel vì đây là mạng đầu tiên có từ ngày mở đường.
Phủ sóng phục vụ người dân làm giàu
Những ngày cuối tháng 4/2013, đến huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, chúng tôi bắt gặp những chuyến xe chuyên chở thiết bị viễn thông nhanh chóng lắp đặt trạm phát sóng trên những điểm cao, phủ sóng toàn vùng để phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc cho đồng bào và những chiến sĩ đồn biên phòng. Thượng tá Đinh Ngọc Ánh - Trưởng ban Vận động quần chúng, Bộ Chỉ huy Biên phòng Lào Cai, nguyên Trưởng đồn Biên phòng Bản Thầu, Mường Khương cho biết, trước đây trên núi chỉ có sóng Viettel nhưng cũng chập chờn, lúc có lúc không. Thậm chí đi cách đồn vài mét là đã mất sóng, có nơi anh em chiến sĩ còn phải treo điện thoại lên để "hứng sóng"...
Thế nhưng từ khi Viettel mở rộng lắp đặt trạm phát, việc thông tin liên lạc đã thuận tiện hơn cho cán bộ chiến sĩ. Không những vậy, đồng bảo ở khu vực Bản Thầu đã biết tận dụng thế mạnh của thông tin liên lạc để kinh doanh buôn bán sản phẩm nông sản của mình như dứa, chuối cho nước ngoài; biết sử dụng máy tính để vào mạng học hỏi cách chăm sóc cây trồng. Nhờ đó, có những hộ dân ở Bản Thầu đã thu được cả trăm triệu nhờ vào việc buôn bán nông sản. Cũng nhờ đó, khác với nhiều vùng phải vận động nhân dân ở lại vùng biên giới thì người dân Bản Thầu quyết tâm bám trụ nơi biên cương để làm ăn kinh tế, giữ từng tấc đất biên cương.
Khẳng định chủ quyền
Toàn bộ dọc bờ biển dài hơn 3.000km và vùng biển Việt Nam đều được phủ sóng di động Viettel với bán kính cách bờ là 100km với diện tích hơn 300.000km2, phủ sóng 100% các đảo ven bờ, các đảo thuộc Vịnh Bắc Bộ.
Với phương châm "Biên cương ở đâu, Viettel ở đó", đến năm 2013, nhà mạng này đã đảm bảo thông tin liên lạc các đồn biên phòng dọc tuyến biên giới và các trạm biển đảo. Hiện nay, Viettel đã xây dựng 775 trạm, trong đó 205 trạm phục vụ đồn biên phòng, số còn lại là để phủ sóng đường biên giới. Như vậy, đã có 100% đồn biên phòng đã được phủ sóng di động với tổng kinh phí lên tới 215 tỷ đồng.
Đối với biển đảo, Viettel đang sở hữu mạng lưới phục vụ biển đảo với hơn 1.400 trạm BTS dọc bờ biển và ngoài khơi, có khả năng phục vụ gần 7 triệu thuê bao. Trong đó, các trạm phủ biển (phát sóng tầm xa 60 - 100km), các trạm phủ đảo và nhà giàn trên biển phục vụ được gần 1 triệu thuê bao. Hệ thống này đem lại cơ hội liên lạc đối với 2 triệu người hàng ngày làm việc khai thác, đánh bắt và các dịch vụ trên biển của Việt Nam, phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang sát cánh bảo vệ biển, trời Tổ quốc.
Theo Phạm Quang - Dân Việt