Dân rào đường vào nhà máy gây ô nhiễm

Dân rào đường vào nhà máy gây ô nhiễm
TP - Ngày 10-10, UBND tỉnh Quảng Nam cùng lãnh đạo các sở ban ngành, UBND huyện Điện Bàn họp giải quyết vấn đề Nhà máy thép Việt - Pháp (cụm CN&DV Thương Tín 1 - Điện Bàn) gây ô nhiễm, bị người dân liên tục bao vây chặn đường vào nhà máy.

> Dân phản đối nhà máy thép gây ô nhiễm

Người dân bao vây nhà máy thép Việt Pháp để phản đối ô nhiễm. Ảnh: N.T
Người dân bao vây nhà máy thép Việt Pháp để phản đối ô nhiễm. Ảnh: N.T.

Gần đây nhất, ngày 30–9, người dân thôn 7A, xã Điện Nam Đông (Điện Bàn) kéo đến dựng hàng rào bao vây không cho xe của nhà máy thép qua lại.

Theo người dân, nhà máy thép hoạt động đã gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt.

Chiều cùng ngày, chính quyền địa phương cưỡng chế dỡ bỏ hàng rào để đảm bảo an ninh trật tự, nhưng người dân vẫn tiếp tục phản đối.

Ngày 1-10, huyện Điện Bàn tổ chức cuộc họp có mặt các bên để giải quyết, tuy nhiên không thể đi đến thỏa thuận nào.

Lãnh đạo nhà máy thẳng thừng yêu cầu di dời dân hoặc di dời nhà máy khiến người dân thêm bức xúc.

Theo Sở TN&MT Quảng Nam, Nhà máy thép Việt Pháp chưa được cấp giấy xác nhận việc hoàn thành các công trình xử lý môi trường.

Và phía nhà máy không thực hiện đúng như báo cáo tác động môi trường. Phía doanh nghiệp đang xin phép thay đổi công nghệ xử lý môi trường, Sở cũng xem xét.

Lãnh đạo xã Điện Nam Đông cho biết, lãnh đạo nhà máy không dám hứa với dân sẽ đảm bảo môi trường như thời điểm cơ quan chức năng tổ chức quan trắc.

Ô nhiễm từ nhà máy thép ảnh hưởng đến 117 hộ với 419 khẩu cần sớm được xử lý, để ổn định trật tự và người dân yên tâm sản xuất.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn nói: “Người dân bức xúc kéo ra phản đối là có cơ sở. Chính quyền đã tổ chức 5 lần đối thoại với dân nhưng dân chưa đồng thuận. Dân bức xúc một phần vì cơ quan chức năng xử lý chưa nghiêm vi phạm của doanh nghiệp. Huyện và tỉnh cũng có văn bản nhưng phía doanh nghiệp vẫn tỏ ra lơ là”.

Theo lãnh đạo huyện, hiện nhà máy thép Việt Pháp đang có dấu hiệu vi phạm pháp luật dù đang trong giai đoạn chạy thử. Nhà máy đăng ký xử lý môi trường bằng công nghệ túi lọc nhưng khi vào vận hành lại là công nghệ phun sương.

Và khi công nghệ này chưa được cơ quan chức năng xác nhận cấp giấy phép, nhà máy đã sản xuất thử và sản xuất chính thức. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có bất cứ xử lý nào từ phía cơ quan chức năng.

Ông Đặng Hữu Lên, Phó chủ tịch UBND huyện Điện Bàn, khẳng định: “Huyện đã thực hiện quan trắc không khí, nhiều thông số vượt tiêu chuẩn cho phép, vượt tầm xử lý của huyện. Huyện đã kiến nghị tỉnh nhưng không thấy xử lý. Cần xử lý vi phạm của nhà máy, nhà máy cam kết với dân để dân tin”.

Ông Dương Chí Công, Giám đốc Sở TN&MT, cho biết: “Nhà máy thép đề nghị thay đổi công nghệ xử lý môi trường nhưng Sở cũng đang lúng túng không biết công nghệ nào hơn. Sở đề nghị lập hội đồng để xem xét đánh giá việc thay đổi công nghệ. Cần thiết mời chuyên gia, các nhà khoa học cùng tham gia thẩm định. Công nghệ đảm bảo không gây ô nhiễm mới cho sản xuất”.

Ông Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, yêu cầu: Sở TN&MT rà soát lại tất cả các thủ tục pháp lý của nhà máy thép Việt Pháp. Việc nhà máy thép tùy ý thay đổi công nghệ, khi đi vào sản xuất xảy ra ô nhiễm mới có hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận phải xử lý vi phạm, phải có hồ sơ pháp lý cụ thể về việc này.

“Nhà máy thép Việt Pháp phải tiếp tục ngừng hoạt động. Phải hoàn thiện báo cáo tác động môi trường, có giấy chứng nhận của cơ quan chức năng về công nghệ xử lý đảm bảo mới được đi vào sản xuất” ông Thu nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sàn thương mại điện tử 1688 của Trung Quốc ra bản tiếng Việt và ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam Ảnh: Ngọc Linh
1688 ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam
TP - Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện bản tiếng Việt, sàn thương mại điện tử bán buôn 1688 của Trung Quốc liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại, tiếp thị nhằm vào người tiêu dùng Việt Nam với mức giá khá rẻ so với các sàn thương mại điện tử trong nước.