Độc đáo Hát Xoan

Tiết mục Hát Xoan ở sân khấu “Hà thành 36 phố phường”
Tiết mục Hát Xoan ở sân khấu “Hà thành 36 phố phường”
TP - Với việc trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể thế giới, nghệ thuật Hát Xoan xứng đáng được quan tâm tìm về bởi sự độc đáo và những giai thoại.

> Người giữ lửa cho hát xoan Đất Tổ

Tiết mục Hát Xoan ở sân khấu “Hà thành 36 phố phường”
Tiết mục Hát Xoan ở sân khấu “Hà thành 36 phố phường”.

Nhiều truyền thuyết và một ý nghĩa nhân sinh

Xoan thực chất là Xuân đọc chệch. Xưa kia, các cụ chỉ sử dụng cách đọc chệch khi nó gắn liền với một vị hay một điều danh giá, cao quý có cùng tên gọi. Đọc chệch là để tỏ lòng tôn kính, không sử dụng từ đó trong đời sống bình thường để khỏi vướng phải những vẩn đục bụi trần! Và như thế Hát Xoan có thể hiểu là Hát vào mùa xuân.

Có nhiều truyền thuyết về nguồn gốc Hát Xoan, đều liên quan tới mùa xuân, sự sinh sôi nảy nở, đến thời Hùng Vương.

Tương truyền, xưa kia vào đúng tiết xuân, vợ vua Hùng mang thai tới kỳ mà vẫn chưa khai hoa nở nhuỵ. Đúng lúc đó, người hầu gái tâu với vua rằng ở gần thành Phong Châu có cô Quế Hoa xinh đẹp, hát hay múa giỏi ai cũng phải mê. Nghe xong, vợ vua cho mời nàng múa hát. Khi nghe, vợ vua không thấy đau bụng nữa và sinh được ba người con trai khôi ngô tuấn tú. Vua Hùng đã truyền cho các Mỵ Nương phải học các điệu hát múa đó và lấy đúng tiết xuân để gọi cách hát múa này: Hát Xoan.

Truyền thuyết của làng Cao Mại thì kể rằng: Xưa kia, Đức Thánh Hùng có người con gái lấy Đức Thánh Phù (tức Chử Đồng Tử), một hôm cùng vợ đi chơi xuân qua vùng đất Phù Ninh thì vợ Đức Thánh Phù trở dạ đau bụng dữ dội, song mãi vẫn không sinh được. Khi đi qua đất An Thái (ngoại thành Việt Trì ngày nay) nghe tiếng hát ru con, vợ Đức Thánh bỗng dịu cơn đau. Đức Thánh cho vời người đàn bà hát ru kia, vừa đi vừa hát cho tới khi trở về nhà.

Đúng ngày mùng 6 tháng Giêng, vợ Đức Thánh sinh được 12 người con trai tuấn tú, sau trở thành những vị anh hùng diệt giặc Thục. Khi Đức Thánh thác đi, dân làng Cao Mại lập đền thờ hằng năm mở hội vào 6 tháng Giêng. Nét độc đáo của lễ hội là có tục rước kiệu ông, kiệu bà và đón phường hát Xoan An Thái sang hát. Có lẽ, tục kết chạ giữa các làng, đặc trưng của văn hoá làng xã cũng bắt nguồn từ đây.

Còn câu chuyện của làng Xoan Phù Đức lại cho biết: Có ba anh em vua Hùng từ phía Bắc tới vùng Phong Châu tìm nơi lập nghiệp, khi qua đất Phù Đức ba vị dừng chân bên khu rừng, các vị nhìn ra phía trước thấy lũ mục đồng vừa chơi vừa hát, chỗ thì đánh vật, chỗ thì kéo co.

Thấy vậy, người anh cả (Đức Thánh Cả) liền sai tuỳ tùng ra dạy lũ trẻ một số điệu hát. Để tỏ lòng biết ơn, hằng năm cứ vào ngày mùng 2 và 3 tháng Giêng dân làng mở hội diễn lại cảnh hát xướng, kéo co đánh vật ở đúng nơi xưa kia lũ trẻ được dạy hát.

Phong phú hội hát

Có khoảng 17-18 lễ hội Hát Xoan thuộc hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc- thống kê của các nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Phú Thọ. Cũng giống như Quan Họ, có cả một không gian văn hoá gắn liền với Hát Xoan. Hát Xoan gắn bó mật thiết với nghi lễ tín ngưỡng thường chỉ hát ở đình, đền vào mùa xuân. Sau này, một số nhà giàu có ở địa phương cũng mời Hát Xoan tới sinh hoạt.

Một cuộc hát thường diễn ra ở giữa đình làng, hát quay vào trung tâm là gian thờ của đình làng, hai bên có các cụ lớn tuổi và dân làng tới dự. Nếu như Quan Họ được tổ chức thành bọn thì hát xoan được tổ chức thành phường, mỗi phường thường từ 15 đến 18 người. Trừ trùm phường lớn tuổi, các thành viên đều là trai gái tuổi từ 16-20. Tới mùa hội các phường đi hát khắp nơi, có khi 2 - 3 tháng mới trở về.

Trang phục Hát Xoan cổ tương đối cầu kỳ trang trọng: Các kép (nam) thường đầu quấn khăn lượt, áo the thâm, quần trắng, cổ quấn khăn nhiễu điều, còn các đào (nữ) đầu vấn khăn, áo the, quần láng, thắt lưng đen kèm theo bao xanh hoặc hồng. Có lẽ bởi nó được cho là có xuất tích từ triều đình ở thời Hùng Vương.

Một cuộc Hát Xoan bao gồm hai phần chính là hát lễ và hát hội. Nếu tạm chia hai phần thành 4 giai đoạn thì có tới ba giai đoạn gắn với nghi lễ. Giai đoạn đầu: Hát chúc, hát thờ; Giai đoạn hai: Hát Quả cách; Giai đoạn bốn: Hát Giã. Chỉ duy nhất Giai đoạn ba: Hát Xoan, ghẹo, hát đúm là có nội dung mang tính giải trí, thỏa sức cho các chàng trai cô gái trổ tài.

Độc đáo ý nghĩa phồn thực

Có chi tiết thú vị về ca từ trong Hát Xoan. Có thể nhận thấy các cụ ta xưa kia đã rất tài tình trong việc mượn hình ảnh gần gũi với đời sống nông nghiệp để gợi lên ý nghĩa phồn thực. Trong điệu Xin huê đố chữ (huê là hoa) có đoạn nam hát “Anh xin nàng chút huê trong đụn”, nữ đáp lại: “Huê trong đụn anh thuận huê gì?”, nam lại đáp: “Huê trong đụn anh thuận huê lúa”, nữ trả lời: “Huê lúa này nó chưa nở/Để một mai nó nở/ Thiếp bẻ lại cho chàng/Sợ chàng chẳng yêu”.

Còn nhớ khoảng năm 2008, khi dựng một điệu Trống quân - Mó cá (còn gọi là Đánh cá), chúng tôi vô cùng thích thú với lời ca mang ý nghĩa phồn thực của làn điệu này. Chẳng hạn: “Đánh tiếc hay là đánh te/ Giọng giậm mà anh cứng anh đè là đè diếc dô”...Bài này khi biểu diễn ở sân khấu xẩm Hà thành 36 phố phường khu chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân gây được nhiều ấn tượng và hiện vẫn là một trong những tiết mục độc đáo của sân khấu này.

Được biết, ý nghĩa của bài gốc Mó cá gắn với tục kết chạ giữa hai làng Xoan Đức Bắc (Vĩnh Phúc) và Phù Ninh (Phú Thọ), chỉ cách nhau con sông. Hằng năm cứ vào hội xuân, gái Phù Ninh sẽ đi đò qua sông. 12 cô gái giả làm lưới, 4 chàng trai Đức Bắc giả làm cá vừa hát vừa múa. Những động tác múa còn biểu tượng cho ý nghĩa phồn thực: Cá biểu tượng cho dương, khi hát có lúc cá làm biểu tượng lao thẳng vào lưới (biểu tượng âm). 

Cũng gắn với ý nghĩa phồn thực, có khi biểu diễn xong những tiết mục này toàn bộ đèn sẽ bị tắt hết, mặc cho trai gái trong làng tự do.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG