Sốt bài hát về biển đảo

Giao lưu văn nghệ ở Trường Sa Lớn Ảnh: Hoangsa.org
Giao lưu văn nghệ ở Trường Sa Lớn Ảnh: Hoangsa.org
TP - Tải về và gửi cho nhau nghe rồi say sưa bình luận; các bài hát về biển đảo quê hương được lồng vào những clip có nội dung yêu nước; dùng ca từ làm đề từ ở blog cá nhân- song song với việc treo ảnh chiến sĩ hải quân canh giữ biển trời... Đang có một hiện tượng như vậy trên các diễn đàn mạng.

> Thương nhớ Hoàng Sa

Giao lưu văn nghệ ở Trường Sa Lớn Ảnh: Hoangsa.org
Giao lưu văn nghệ ở Trường Sa Lớn. Ảnh: Hoangsa.org.
 

Hầu như những bài hát hay nhất về biển đảo quê hương đều được sáng tác đã khá lâu - hai, ba chục năm về trước: Nơi đảo xa (Thế Song), Biển hát chiều nay (Hồng Đăng), Nếu em tới thăm đảo (Trọng Loan), Chút thơ tình của người lính biển (Hoàng Hiệp- thơ Trần Đăng Khoa), Chút tình lính đảo (Hoàng Mạnh Toàn), Mưa Trường Sa (Xuân An), Tâm tình gửi anh người lính trẻ (Tôn Thất Thanh), Gần lắm Trường Sa (Hình Phước Long)…vân vân.

Khán giả của những bài hát này trước kia chủ yếu thưởng thức nó trên đài phát thanh, thì nay họ có thể nghe được không chỉ trên các web âm nhạc- mà ở ngay blog cá nhân của bạn trẻ nào đó.

Trên blog chẳng hạn của ng2hien, câu đề từ treo hàng ngày chính là ca từ bài hát Nơi đảo xa của Thế Song: Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa ngàn bão tố phong ba ta vượt qua vượt qua. Những bài hát hay được lấy làm nền cho các album ảnh, các clip hướng về biển Đông hoặc có nội dung yêu nước- vừa để cho sinh động khi phải xem nhiều ảnh, nhiều đoạn phim một lúc, vừa có tác dụng kép nhằm thúc giục lòng yêu nước, quan tâm đến chính sự, đến vấn đề nóng của đất nước. Và đều nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt.

Độc giả của các trang web, diễn đàn, mạng xã hội này vừa phản hồi những bài viết và hình ảnh đưa lên, vừa phát biểu họ xúc động trào nước mắt khi lần đầu nghe, hoặc nghe lại những bài hát này.

Gần lắm Trường Sa của nhạc sĩ Hình Phước Long là một ca khúc thuộc loại hot nhất dịp này. Bài hát được viết cách nay gần ba chục năm, với tứ là cảm xúc của một cô gái mong ngóng người yêu đang canh giữ đảo xa: “Mỗi cánh thư về từ đảo xa, anh thường nói rằng Trường Sa lắm xa xôi”.

Ca sĩ thể hiện có Trọng Tấn, Lan Anh, Khánh Hoà, Thanh Thúy, Long Nhật... Thời được coi là đình đám của Long Nhật cách nay mười mấy năm đánh dấu với Nhịp cầu tre, Ở hai đầu nỗi nhớ - dù anh vẫn bị coi là đại biểu của trường phái “sến”.

Đến Gần lắm Trường Sa, giọng Long Nhật vẫn hơi “nhựa” nhưng lại được cư dân mạng tôn xưng, bởi họ cho rằng cách Long Nhật hát nghe “đặc biệt tình cảm”, “muốn khóc vì thương Trường Sa, thương người lính, cả cô gái người yêu của lính”. Có thể nói Gần lắm Trường Sa và Long Nhật đã đột ngột nổi trở lại trong thời gian này. Khánh Hòa- một giọng hát không được nhiều người biết đến bằng Lan Anh, Trọng Tấn, Thanh Thúy, cũng được xưng tụng nồng nhiệt.

Khoảng mấy tháng trước, đến siêu thị nào cũng nghe Trọng Tấn - Anh Thơ véo von qua loa công suất lớn: “Thuyền anh ra khơi khi chân mây ửng hồng, thuyền anh ra khơi có ngại chi mưa nắng/Em hỏi rằng vì sao anh ra khơi bám biển ngày đêm để màu da anh nắng sạm...” (Tình ta biển bạc đồng xanh của Hoàng Sông Hương). Nay đã bớt hiện diện ở siêu thị, thì mật độ lại dày đặc trên mạng...

Cùng trong trào lưu nghe và hát tất cả các bài liên quan đến biển đảo sông núi, nên những bài từ thuở chống Mỹ cũng được tìm về: Giữ biển trời Vĩnh Linh Quảng Bình (Thu Hiền- Trung Đức thể hiện), Trên biển quê hương (sáng tác Đức Minh. Ca sĩ Quý Dương, Trọng Tấn), Bạch Long Vĩ đảo quê hương (Huy Du)...

Hôm 21-6 kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, báo Tiền Phong điện tử đưa bài ngắn Báo Tiền Phong hát về biển đảo quê hương, thông tin về cuộc liên hoan văn nghệ nội bộ trong đó các phóng viên chọn hát nhiều bài ca ngợi đất nước và biển đảo quê hương. Bài báo này rốt cuộc đứng trong TOP nhiều bài được đọc nhất suốt hai ngày liền.

Biển Đông vẫn chưa lắng dịu. Có thể dự đoán, những bài hát không chỉ về điểm nóng của đất nước mà có âm hưởng chung ca ngợi, bày tỏ tình yêu đất nước, sẽ ngày càng lan rộng.

Cũng như hiện tượng những câu thơ hay của Chế Lan Viên, Nguyễn Khoa Điềm, Nam Hà… được trích và treo hàng ngày ở các diễn đàn dịp này: “Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt/Như mẹ cha ta, như vợ như chồng/Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông”. Hoặc: “Em ơi em đất nước là máu xương của mình/Phải biết gắn bó và san sẻ/ Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở/ Làm nên đất nước muôn đời”. Trong khoảng một tuần đầu của tháng sáu, hàng loạt facebook cá nhân đã đồng loạt đổi avatar (ảnh đại diện) bằng ảnh chiến sĩ hải quân chắc tay súng, với lá cờ đỏ rực bên trên.

Nói như tác giả Tâm Huyền trong bài báo “Nghe Gần lắm Trường Sa khi biển Đông giông tố”: Mỗi người có một hướng nhìn về phía biên đảo thành tâm và bồi hồi. Và hát thầm trên môi mình “Không xa đâu Trường Sa ơi! Không xa đâu Trường Sa ơi! Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh. Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em” cũng là một cách bày tỏ tấm lòng!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bến Tre kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh
Bến Tre kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh
TPO - Tối 15/1, tỉnh Bến Tre kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh, 65 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi, công bố quyết định của Thủ tướng công nhận ngày 17/1 hằng năm làm Ngày truyền thống của tỉnh. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự và phát biểu tại buổi lễ.