Chưa một ngày cạn yêu…

Tác giả phỏng vấn nhạc sĩ Phạm Duy
Tác giả phỏng vấn nhạc sĩ Phạm Duy
TP - Phạm Duy chia sẻ: Nghệ sĩ mà không yêu thì làm sao mà sống, lấy gì để sáng tác? Nhưng đừng hiểu dung tục yêu chỉ là ái tình, là quan hệ nam nữ, dù điều đó rất tuyệt.
Tác giả phỏng vấn nhạc sĩ Phạm Duy
Tác giả phỏng vấn nhạc sĩ Phạm Duy.

Dẫu mái đầu sau quãng đời thăm thẳm thăng trầm trải nghiệm đã từ lâu bồng trắng như mây, sự tinh anh mẫn tiệp của người nhạc sĩ nặng tình hoài hương vẫn đầy sức cuốn hút, sôi nổi. Sáng bình yên giữa phố xá phương Nam, ông chia sẻ những vui buồn và dự định …

Sống trên quê hương sau nhiều năm cách biệt, cảm giác có thật ấm áp, thưa ông?

An bình như lá rụng về cội, bởi nỗi nhớ suốt 30 năm xa xứ từ khi đi tới lúc về trong tôi luôn day dứt, không một ngày nguôi quên. Tôi đã được thưởng thức, được dàn dựng những đêm nhạc tuyệt vời cùng hàng trăm nghệ sĩ trẻ đầy say mê, tâm huyết cho khán thính giả Sài Gòn, Hà Nội. Tôi gặp người xưa cảnh cũ, lại có thêm nhiều bạn mới, điều mà bao nhiêu năm phiêu bạt tôi không dám mong được như thế.

Sau 5 năm ký hợp đồng khai thác độc quyền toàn bộ tác phẩm của Phạm Duy, Cty Văn hóa Phương Nam đã tổ chức phổ biến, trình diễn hơn năm mươi ca khúc được Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch cấp phép phổ biến tại Việt Nam. Ông hài lòng về sự chuyển nhượng bản quyền này chăng?

Cái cách Phương Nam tổ chức đại nhạc hội trang trọng và chuyên nghiệp, mời những nghệ sĩ hàng đầu về giọng hát, về hòa âm phối khí để làm sống lại ca từ cùng giai điệu máu thịt của tôi như Bà mẹ Gio Linh, Tình ca, Quê nghèo, Nương chiều, Ngày trở về, Hẹn hò, Cỏ hồng, Ngày đó chúng mình, Cây đàn bỏ quên, Phượng yêu, Kiếp nào có yêu nhau, Đừng xa nhau, Mưa rơi, Đường em đi, Tôi còn yêu tôi cứ yêu, Trả lại em yêu, Giết người trong mộng

Hay ca khúc phổ thơ như Áo anh sứt chỉ đường tà thơ Hữu Loan, Ngậm ngùi thơ Huy Cận, Mộ khúc thơ Xuân Diệu, Thuyền viễn xứ thơ Huyền Chi v.v… Rồi tổ chức chương trình giao lưu giới thiệu hai CD ca nhạc Hẹn hò và Mơ giấc mộng dài đến người hâm mộ nhân dịp mừng tôi thượng thọ chín mươi… khiến tôi vô cùng cảm động, thấy các bạn không phụ lòng tôi gửi gắm.

Liên tục gần 70 năm qua, Phạm Duy đã cho ra đời hàng nghìn ca khúc thuộc nhiều thể loại mà ông tự gọi để phân biệt là nhạc cách mạng, nhạc tâm tư, rong ca, đạo ca, thiền ca, tâm ca. Còn bây giờ, nhạc sĩ quan tâm đến điều gì khi đặt bút tiếp tục sáng tác?

May sao trải qua khói lửa bể dâu, sự nặng tình trong con người Việt Nam vẫn còn, nhờ vậy mà tôi vẫn muốn sáng tác với khát khao này: Hiện nay số đông từ bình dân đến trí thức đều nghiêng về duy lợi. Tôi muốn bằng âm nhạc, kéo người ta từ thái cực duy lợi trở về dung hòa với duy tâm, duy thần, giữ cân bằng cho cái Đẹp của đời mãi tồn sinh. Một trong những tình khúc có thể gọi là tiêu biểu tôi viết tại Lào Cai từ năm 1947 là Bên cầu biên giới.

Ngừng đây soi bóng bên dòng nước lũ

Cầu cao nghiêng dốc trên dòng sông sâu

Sầu vương theo sóng xuôi về cuối trời

Một vùng đau thương chốn làng cũ quê xưa…

Đó là tâm trạng của một người đứng trước biên giới giữa Trung Hoa và Việt Nam, cảm nhận sự cách chia bởi biên giới cụ thể không đau xót bằng biên giới trong lòng nhau… Duy tâm, duy thần ở đây không là Phật hay Chúa, mà ở sâu thẳm tận đáy hồn người, sao cho luôn cân bằng, đừng cực đoan, quá đà theo hướng nào hết.

Lớp trẻ sinh ra và lớn lên từ phương Nam như tôi, từ tuổi niên thiếu đã nghêu ngao hát và cảm nhận được tình yêu quê hương sâu sắc qua những ca từ mộc mạc trong lành, giai điệu da diết gần gũi như Về miền Trung, Tình hoài hương, Bà mẹ quê, Em bé quê, Chiều về trên sông, Em lễ chùa này…Thậm chí đến nay tôi vẫn chưa thấy có ca khúc nào tôn vinh tiếng Việt thuyết phục hơn bản Tình ca :

Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời…/ Tiếng nước tôi, tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi, khóc cười theo mệnh nước nổi trôi…/ Tôi yêu những sông trường/Biết ái tình ở dòng sông Hương/ Sống no đầy là nhờ Cửu Long/ Nước sông Hồng đỏ vị phù sa…

Điều gì tạo nên tình cảm tha thiết và chất dân ca thấm đẫm trong nhiều ca khúc của ông, thưa nhạc sĩ ?

Từ tuổi đôi mươi, tự học nhạc bằng sách tiếng Pháp rồi tập tành đi vào con đường sáng tác biểu diễn, tôi đã định ngay cho mình tư tưởng bài ngoại, không chạy theo những trào lưu bên ngoài mà chỉ sống với những gì sẵn có trong mình và tìm thấy trên quê hương.

Càng tới nhiều vùng miền trên cả nước, thậm chí càng đi qua nhiều nước trên thế giới, tôi càng cảm nhận sâu sắc kho tàng dân ca và tiếng Việt của dân tộc mình thật đẹp, thật phong phú.

Sống ở Mỹ, tôi càng nghiên cứu sâu văn hoá Việt nên đã lao vào sáng tác trường ca về Truyện Kiều, về Hàn Mặc Tử. Vị trí tôn quý của Truyện Kiều trong tâm hồn người Việt ai ai cũng biết. Còn Hàn Mặc Tử, cả thế giới chưa từng có thi sĩ nào đau đớn bất hạnh tận cùng với chứng bệnh cùi như ông ấy, vậy mà ông vẫn tựa vào đức tin để làm thơ, hiến dâng cho đời những áng thơ bất hủ…

Vài năm trở lại đây, yếu tố sex đã ngày càng trở nên phổ biến, công khai dưới nhiều hình thức trong văn chương nghệ thuật, hoạt động biểu diễn và đặc biệt nhan nhản trên báo chí giữa lòng xã hội, đẩy lùi truyền thống e ấp, thẹn thùng ngàn năm của người Việt. Nhưng sex vẫn vắng bóng, mờ nhòe trong nhạc Việt. Tôi tình cờ được nghe một số sáng tác với ca từ và nhạc tính đầy gợi cảm được gọi là “nhục tình ca” còn rất hạn chế phổ biến của Phạm Duy...

Chưa một ngày cạn yêu… ảnh 2

Tôi tin nghệ thuật thì phải đa dạng, phải cách tân, phải lạ mới thú vị, dù người ta có phê phán, chê bai đả kích gì đi nữa. Sex trong nhạc, không ai dám làm thì Phạm Duy làm. Nhục tình ca là chuỗi gồm nhiều tác phẩm tôi viết từ những năm tám sáu, tám bảy, không như nhầm lẫn của một số người là tới tuổi gần đất xa trời tôi chợt “nổi hứng”, khởi đầu để giúp một số ca sĩ có yêu cầu như Jo Marcel, Kim Ngân khi họ nhờ tôi soạn lời ca tiếng Việt cho một loạt những bài nhạc Pháp xưng tụng nhục tình. Khởi đầu là bài Emmanuelle, nhạc Pierre Bachelet .

Tay tròn khăng khít/Ghì cho tắt thở !/Ôm chặt bờ vai/Dìu nhau vào chín suối !/Chân dài em duỗi/Dài như cõi đời/Co lại bờ lưng/Quặp không mở trói/. . . ..

Cánh tay nào khát khao nồng cháy hơn là Emmanuelle? Dục tình nào lửa đốt làn môi? Ðắm say nào bốc lên từ vú căng tròn Emmanuelle? Vùi đầu vào làn tóc nồng thơm… Bạn nghĩ gì khi nghe nó?

Vâng! Tôi đã nghe, sống động nóng bỏng! Hình ảnh và sự khơi gợi này không thiếu trong tranh, ảnh, tượng khoả thân, trong thơ ca của lớp trẻ đương đại, tất nhiên không phải tác giả nào cũng thành công và thuyết phục được người thưởng thức. Nhưng yếu tố nhục cảm tôi còn thấy xuất hiện trong chuỗi Thiền ca…

Phải. Với Thiền ca 9 “Thiên đường địa ngục”, tôi muốn phá vỡ ảo tưởng có thể phân biệt rạch ròi giữa tốt-xấu, trắng-đen, thiên đàng - địa ngục. Vì tất cả chỉ là tương đối. Bản chất con người đu đưa giữa hai bờ đen-trắng. Vậy phân biệt làm chi? Hình ảnh Thượng Ðế bên cạnh thiếu nữ khoả thân có thể cảm nhận thế nào cũng được nhưng nó chứng minh không có thánh thần. Thượng Ðế chỉ là người với những yêu thương, khát vọng thầm kín nhất.

Vượt chín tầng mây tới Thiên Ðường này/Tìm em chín nắng và chín mưa bay/Thấy em khoả thân đứng bên Ngọc Hoàng/Nữ thánh nam thần, đèn đóm sáng choang.

Làn gió trần gian thoát lên tầng trời/ Làm cho huyên náo một cõi Thiên Thai/ Gió tôi lên thì tắt đi đèn đóm/Mới hay Thiên Ðường kia cũng tối om.

Chín vạc dầu sôi đường vào Ðịa Ngục/ Gặp em bội tình, tội gốc em mang/Em chọn nhục hình, giàn thiêu lửa đốt/Lửa cháy ngụt ngàn quỷ sứ la vang/Khổ lụy tận cùng là thoát đau thương/Tưởng Ðịa Ngục đen, ngục sáng hơn đèn.

Thưa nhạc sĩ, tôi thành thật xin lỗi khi hỏi ông câu này: Tới bây giờ, Phạm Duy còn yêu nồng nhiệt như thế không?

Nghệ sĩ mà không yêu thì làm sao mà sống, lấy gì để sáng tác? Nhưng đừng hiểu dung tục yêu chỉ là ái tình, là quan hệ nam nữ, dù điều đó rất tuyệt.

Nếu hỏi theo nghĩa đó tôi xin trả lời ngay là giả sử bây giờ có bà cụ già hay cô gái trẻ nào yêu tôi và muốn lấy tôi làm chồng, tôi cũng xin từ chối vì tôi không còn thời gian để yêu quý bà nữa. Còn chút sức lực nào tôi dành cho cái đẹp cân bằng thảnh thơi trong tâm hồn, giữa muôn người.

Tôi có ca khúc Võng Đưa, tức Thiền ca 2: Tôi nằm võng, võng đưa võng đưa tôi trần gian lạc thú ha, tiên cảnh phiêu du cõi tử, cõi sinh cõi tình, cõi hận núi đợi, vực chờ niềm vui, nỗi khổ…Tôi nằm võng, võng đưa… Cái võng đưa tôi đi nhưng thực sự tôi vẫn đang nằm yên, có nghĩa là tôi vẫn giữ được mình. Đời vẫn là đời mình vẫn là mình. Đó là sự bình yên trong tâm hồn của Phạm Duy tuổi Chín Mươi.

Xin cảm ơn nhạc sĩ. Kính chúc ông năm mới nhiều niềm vui và cảm hứng.

Hoàng Thiên Nga
hoangthienngabtp65@yahoo.com

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG