Giấu gia đình học nhạc

Người thầy cello đầu tiên tròn trăm tuổi

Người thầy cello đầu tiên tròn trăm tuổi
TP - Sáng 24/5, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tổ chức lần thứ 100 ngày sinh nhạc sĩ - nhà giáo Phạm Huy Quỹ.

Đến thăm ông vào một buổi chiều Hà Nội trước ngày mừng đại thọ ông ít ngày, tôi không khỏi nhạc nhiên bởi sự tỉnh táo và minh mẫn đến khó tin của người thầy, người nhạc sĩ cả đời gắn bó và cống hiến với cây đàn cello.

Nhạc sĩ Phạm Huy Quỹ sinh ngày 28 tháng 5 năm 1910, trong một gia đình nhà nho ở Hà Nội. Hồi nhỏ, ông học Trường Bưởi (nay là Trường Chu Văn An). 10 tuổi, ông đã làm quen và học chơi đàn cello.

Ông kể rằng, cuối năm 1928, một người Pháp là Belinski xin được viên toàn quyền Pháp Pierre Pasquier khi đó cho mở trường dạy nhạc. Ông ta về Pháp tuyển được một số thầy dạy các bộ môn như Violon, Cello, Contrebasse và Piano.

Năm 1929, trường bắt đầu mở cửa. Học sinh được cho mượn đàn để học. Hai anh em ông trốn gia đình xin vào học (xã hội ta lúc đó còn rất phong kiến). Ông học đàn Cello, người em (Nhạc sĩ Phạm Huy Kỳ) học đàn Violon. Mỗi khi đi học về, anh em lại phải gửi đàn ở nơi khác không dám đem về nhà.

Năm 1930, ông được gia đình gửi sang Pháp học bác sĩ. Tránh sự kiểm soát của gia đình, hai anh em cùng giấu gia đình, xin vào học tại Nhạc viện Toulouse, lớp của giáo sư cello nổi tiếng Ringuesin.

Tốt nghiệp về nước, nền âm nhạc chưa phát triển, không thể sống bằng nghề, ông tiếp tục thi đỗ và tốt nghiệp khoa Y Dược (Faculté Mixte Medecine et de Pharmacie), thuộc Trường Đại học Tổng Hợp (Université De Hanoi), theo ý nguyện của gia đình.

Dù trở thành dược sĩ, nhưng những nốt nhạc và tiếng đàn cello đầy mê hoặc vẫn không làm ông nguôi ngoai.

Năm 1954, sau khi hòa bình lập lại, theo giới thiệu của bạn bè, ông được mời dạy những lớp Cello đầu tiên cho các học viên Quân đội như Giang Minh Thực, Nguyễn Cửu Vỹ…

Cho đến năm 1956, cùng với thầy Tạ Tấn, cô Thái Thị Liên, ông về dạy tại Trường Âm Nhạc Việt Nam ngay từ khi trường mới thành lập.

Giáo sư Vũ Hướng, một trong những thế hệ học sinh đầu tiên  của ông từng viết: “Theo tôi, Anh là người có công đóng góp rất lớn cho sự hình thành và phát triển của nghệ thuật biểu diễn đàn Cello ở Việt Nam”.

Với những phương pháp cơ bản được đào tạo ở châu Âu, ông dồn hết tâm sức đào tạo và truyền lại cho các lớp học trò. Biết bao những thế hệ nghệ sĩ chơi đàn Cello đầu tiên ở Việt Nam được ông dìu dắt, chỉ bảo.

Khiêm tốn, kiệm lời, ít ai có thể hình dung người đàn ông ấy đã gà trống nuôi con mấy chục năm trời. “Thân thư sinh trói gà không chặt”, lại là bàn tay kéo đàn. Nhưng cũng bàn tay khéo léo ấy, những ngón tay thon dài ấy lại sẵn sàng bươn chải đủ việc để nuôi các con ăn học nên người.

Bươn trải

Khi ông 40 tuổi, người vợ yêu quý mất, để lại bảy đứa con thơ dại. Thương anh, người em trai cũng ở vậy, không xây dựng gia đình, dành tất cả những đồng tiền kiếm được phụ giúp anh nuôi dạy các cháu nên người.

Người em trai đó chính là cố nhạc sĩ Violon Phạm Huy Kỳ - tốt nghiệp Nhạc Viện Toulouse, dạy ở trường nghệ thuật quân đội từ 1954 và cũng là một trong những giảng viên đầu tiên của Trường Âm Nhạc Việt Nam.

Không phụ lòng tin và sự hy sinh của cha, chú, các con ông đều tốt nghiệp đại học bách khoa và sư phạm.

Hiện nay, chỉ có một cháu ngoại duy nhất của ông chọn con đường mà nhà giáo, nhạc sĩ Pham Huy Quỹ dành cả đời tâm huyết. Đó là anh Thân Cường Việt, hiện công tác tại dàn nhạc Giao hưởng Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 80 tuổi, một cơn tai biến nhẹ khiến cánh tay phải của ông bị liệt, và cũng chỉ có điều đó mới làm ông không thể tiếp tục chơi đàn. Giờ đây, dù không còn đủ sức khoẻ để ngồi hàng giờ nói chuyện về niềm đam mê của mình, nhưng ông nói chậm, tự tin và không lẫn bất cứ thông tin nào.

Khi tôi hỏi, có phải tay ông bị liệt là do chơi đàn nhiều quá không?, ông lắc đầu: “Không phải đâu, là vì ông bị ốm nên mới thế, không phải do chơi đàn nhiều đâu”.

Dường như, trong câu nói của ông có sự lo lắng, vì sợ tôi hiểu lầm, rằng lỗi là chỉ bởi tuổi già, bệnh già mà thôi.

Chào ông ra về, ông giơ bàn tay trái ra bắt tay chúng tôi. Tay ông vẫn ấm và mạnh mẽ lắm. Chúc ông mạnh khoẻ, tiếp tục sống và khát khao về đỉnh cao của tâm hồn - Âm nhạc.

Phố xá Hà Nội đông nghẹt người. Trong cái nắng oi nồng của những ngày đầu hè, trong căn nhà nhỏ yên tĩnh nằm bình dị cuối con hẻm trên phố Vũ Ngọc Phan, vẫn có một tâm hồn không có tuổi hướng về cây đàn Cello. 

MỚI - NÓNG