Người Việt tại Nga: "Bão xa, bão gần"

Người Việt tại Nga: "Bão xa, bão gần"
Câu "vui như Tết" giờ đây với người VN ở Nga có lẽ chỉ còn đúng phần nào với cánh sinh viên, còn tâm trạng chung của dân đi chợ, kể cả ở "ốp" hay "cơva" (căn hộ) đều đang rất bất an.
Người Việt tại Nga: "Bão xa, bão gần" ảnh 1

Đại sứ VN Nguyễn Văn Ngạnh phát biểu tại tọa đàm tìm giải pháp chuyển hướng hoạt động sản xuất cho cộng đồng người VN tại Nga.

Biết chắc là sẽ vô cùng  sóng gió, nhưng vẫn cứ cầu mong "tâm bão" sẽ  xa xa mình một chút...

Sinh viên - bão xa

Rời những căn hộ chật cứng người và mênh mông buồn lo trong các "ốp" của cánh đi chợ: Sông Hồng, Ruubac, Togi, Voicov... tôi chuyển hướng sang mấy "ốp" sinh viên Đại học Bưu điện, Đại học tổng hợp Lomonossov (MGU). 

Tuy kém về vật chất nhưng cánh sinh viên lãng mạn nhất thế giới lại giàu có hơn hẳn cánh đi chợ về mặt tiếng cười và cái sự ăn ở cũng đỡ bí bách hơn.

Trong khi cánh đi chợ đang méo mặt lo âu, thì mối bận tâm nhất của đa số sinh viên ta dịp này vẫn là không thể thiếu hoa tươi và vui chơi cho đã, bù cho Tết ta phải chúi đầu vào học.

Tuổi trẻ vô lo, có lẽ họ cũng chưa nghĩ xa tới việc rồi ngày mai công ăn việc làm thêm tay trái kiếm tiền phụ cha mẹ ăn học của mình rồi sẽ ra sao, khi mà ngay cả việc làm cho dân đi chợ chuyên nghiệp cũng sẽ vô cùng bấp bênh?

Đa phần sinh viên VN sang Nga du học đều kiếm việc làm thêm, hoặc dạy học, làm dịch vụ, sửa chữa máy tính... bởi học bổng thì khiêm tốn mà nguồn cung cấp của cha mẹ thường hạn hẹp. Dẫu sao với họ việc hoà nhập vào cộng đồng nước bạn vẫn dễ dàng hơn lớp người lớn tuổi.

Người mới sang như Nguyễn Thị Bích L, 19 tuổi, quê Hà Tĩnh, sinh viên năm thứ nhất Trường MGU còn rơm rớm nước mắt than: "Nhớ nhà quá chú ơi"; chứ đã có thâm niên như Trần Văn T - 21 tuổi, người TP. Hồ Chí Minh, sinh viên năm thứ ba Đại học Bưu điện, đang phập phùng cây guitare thì "nỗi buồn nhớ ba mẹ đã qua, nay thì quen rồi vì luôn có bạn bè cả ta lẫn "tây" bên cạnh".

"Cơva" - bão gần

Do số lượng "ốp" có hạn, nên tại Mát (cách gọi tắt Mátxcơva) ngày nay có khá đông cánh đi chợ "quân ta" chọn cách thuê "cơva" của "tây" để ở. Có rộng rãi và tiện nghi hơn đấy, nhưng tiền tất nhiên phải chi nhiều hơn bởi giá thuê căn hộ dù là bình dân ở Mát cũng rất đắt đỏ.

>> Tết nằm "ốp" của người Việt tại Nga

Rẻ thì 400-600 USD/tháng, đắt phải từ 700-1.000 hoặc 1.100 USD/tháng. Đó là chưa kể phí dịch vụ tương đương một tháng tiền thuê nhà.

Thế là lại tính bài giật gấu vá vai và cách tốt nhất là ở ghép. Dân "cơva" nhìn chung cũng khổ chẳng kém dân "ốp". Căn hộ một phòng có khi nhét 7-8 người, căn 2-3 phòng lèn tới 10-12 người.

Để rồi mỗi khi chủ nhà tới thu tiền lại phải biến báo sơ tán bớt "bộ đội" (người ở ghép) kẻo sẽ lôi thôi to, bởi theo hợp đồng chỉ được phép ở từ 4-5 người.

Cũng thường trực mọi nỗi lo bị trấn lột ngay cả khi đứng chờ xe buýt, taxi hay tàu điện, lo bị cảnh sát kiểm tra giấy tờ...  lại mất từ vài trăm đến vài ngàn rúp. Rồi nỗi hãi hùng khi bị cảnh sát phường, cảnh sát tuần tra tới gõ cửa, bấm chuông (sợ nhất là khi họ đấm thình thình vào cửa)... kiểm tra hộ khẩu.

Nạn trấn lột các cư dân "cơva" giờ tuy đã giảm hẳn so với thời đầu thập niên 1990, song gánh của trăm ngàn nỗi khổ không tên khác vẫn ngày càng đè nặng lên vai dân đi chợ ở Mát, kể cả cánh "cơva" mà mới đây một tờ báo Nga đã viết rằng: "Hầu như các căn hộ quanh chợ Vòm nay đều là khách sạn của "dân đầu đen".

Tôi ghé "cơva" 3 phòng trên đường Dmitoropskoe Solse thăm vợ chồng anh bạn Nguyễn Văn Ng - Hoàng Thị Ng cùng quê Nam Định. Căn hộ của họ phải gồng thêm họ hàng cả thảy tới 12 người.

Ở thì chật chội vậy, nhưng Ng thuộc loại nhanh nhảu, làm ăn có tính toán lại quan hệ bạn hàng rộng nên gia đình anh hiện được coi là diện trung lưu có của ăn của để ở Mát, nhờ sở hữu 3 quầy hàng ở chợ KT (thuộc chợ Vòm) chuyên buôn đồ thể thao, da "cút" (áo da), mùa hè bán thêm sơ mi, đồ lót.

Thật ra số người đã tạo dựng được cuộc sống như vợ chồng Ng ở Mát khá nhiều. Chúng tôi đã làm phép tính nhỏ, trong 101 người VN ở đây thì có khoảng 40 người như Ng, 40 người khác làm hôm nào “xào" hôm ấy, 20 người trắng tay và 1 người còn lại là... "trung gia".

Còn cỡ đại gia "tướng", "soái" phải 1001 người  mới có 1 vị. Nếu không thế thì vì sao mà vẫn không ít người kéo nhau sang Nga làm ăn, đặc biệt đông là thời kỳ 1985-1995. Nay xu hướng đó đã giảm dần do cơ chế thị trường không còn "đất" cho "quân ta" nữa.

Và nay, trong tình thế nước sôi lửa bỏng này, vấn đề đang được "quân ta" quan tâm là "Sứ" (Đại sứ quán) họp với các thương gia VN ra sao, rồi việc thực thi quyết định của chính quyền Nga sẽ thế nào.

Đa số họ vẫn tin rằng là người cần cù nên thế nào rồi "quân ta" cũng tìm được cách vượt lên để sống!

Theo Võ Hoài Nam
Lao động

MỚI - NÓNG
Mưa dông gián đoạn kéo dài tại Hà Nội
Mưa dông gián đoạn kéo dài tại Hà Nội
TPO - Thông tin dự báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, những ngày trong tuần tới đây (7 -9/5) khu vực miền Bắc, thủ đô Hà Nội tiếp tục duy trì mát mẻ do chịu ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh yếu, gây mưa dông gián đoạn.