>Lo ngại vòng xoáy tăng giá mới
Với mức tăng khá cao (10%), lập tức tác động tới hàng loạt mặt hàng, dịch vụ có liên quan xăng dầu.
Điều này sẽ là trở ngại lớn để ngân hàng có thể thực thi yêu cầu giảm lãi suất của Chính phủ.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc tăng giá xăng dầu, sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng cả 2 vòng về lý thuyết ở mức cao 0,85% (vòng 1 trực tiếp 0,24%; vòng 2: tác động đến các ngành sử dụng xăng dầu 0,61%).
Chắc chắn, việc điều chỉnh giá xăng sẽ tác động mạnh tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3, ít nhất cũng trên 1,5%.
Nếu cộng với chỉ số CPI của 2 tháng đầu năm đã là 2,36%, thì hết quý 1-2012, chỉ số CPI đã gần 4%. Như vậy, mục tiêu Chính phủ đặt ra là kiểm soát lạm phát dưới một con số năm 2012, lại là thách thức lớn với các bộ ngành quản lý, điều hành.
So sánh với các năm có giá xăng tăng mạnh, như: tháng 7-2008, giá xăng tăng đến 4.500 đồng mỗi lít, thì CPI năm này lên gần 23%; Tháng 2-2011, xăng tăng 2.900 đồng thì lạm phát cả năm cũng hơn 18%. Nếu so với năm 2011, thì năm nay về hoàn cảnh cho việc thúc đẩy CPI tăng mạnh, chỉ còn thiếu việc điều chỉnh biên độ tỷ giá USD/VND. Còn lại, đều giống với kịch bản năm 2011: Tăng giá xăng, điện, than, gas...
Chưa kể, khả năng điều chỉnh giá xăng tăng vẫn luôn tiềm ẩn, vì hiện giá xăng dầu thế giới vẫn đang ở mức cao, trong khi lần tăng giá tuần trước, chưa như kỳ vọng của doanh nghiệp và họ vẫn đang kêu lỗ.
Nếu xét trên các yếu tố trên, thì việc giảm lãi suất xem ra khó khả thi, khi mà người gửi tiền luôn đòi hỏi phải có lãi suất thực dương (lãi suất cao hơn lạm phát). Như vậy, vòng luẩn quẩn xem ra vẫn đang khó gỡ.