> EVN có sai phạm trong phân phối tiền lương
Người nông dân ở vùng quê Yên Bái ấy chắc không biết được rằng, không hẳn lúc nào những chiếc bóng đèn sợi đốt quê anh không phát huy hết hiệu suất cũng do thiếu điện, vì lắm khi điện không thiếu nhưng về đến xóm anh vẫn yếu, do hệ thống truyền tải điện yếu kém và thiếu đồng bộ.
Mà cũng chẳng cần lên tận vùng cao Yên Bái để tìm ví dụ về chuyện này. Ngay tại thủ đô Hà Nội, nguy cơ thiếu điện trong mùa hè tới, ngoài những lý do khách quan (nếu có) như căng thẳng nguồn nước thì khả năng thiếu điện cục bộ rất cao.
Theo tính toán, trong giai đoạn 2006-2010, cần đầu tư xây dựng, nâng cấp 4 trạm biến áp 110KV và 6 trạm biến áp 220KV, với khoảng 140km đường dây. Nhưng đến hết năm 2010, không có công trình nào được khởi công, chưa kể các công trình khác không hoàn thành kế hoạch đề ra.
Trong hè năm ngoái, hệ thống lưới điện của Hà Nội gần như chạy hết công suất, có nơi quá tải gần 160%. Ngoài khó khăn trong giải phóng mặt bằng, một nguyên nhân quan trọng là thiếu vốn.
Nhưng điều quan trọng là sự thiếu hụt nguồn vốn này phụ thuộc ý chỉ chủ quan của ngành điện, thông qua việc phân bổ nguồn lực. Theo công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2010 của Bộ Công Thương, chi phí cho khâu truyền tải điện là 5.626 tỷ đồng, chỉ chiếm khoảng 5,7% tổng chi phí giá điện (101.096 tỷ đồng).
Đây được xem là mức đầu tư quá thấp trong khi truyền tải là một trong những khâu rất quan trọng. Giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm hiện nay cũng chỉ ở mức 65,7 đồng/KWh nên càng khó thực hiện tái đầu tư cho lưới điện.
Bộ Công Thương từng đề nghị Chính phủ cần sớm xem xét thông qua kế hoạch tái cơ cấu ngành điện, tách khâu phát điện ra khỏi khâu truyền tải, mua bán và điều độ hệ thống điện để hình thành cạnh tranh trong khâu phát điện, để giá phát điện thực sự do thị trường xác lập, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn bảo vệ quan điểm giữ nguyên khâu truyền tải thuộc đơn vị này với lý do đây là khâu đặc thù về kỹ thuật.
Mặc dù vậy, trong khi EVN thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng mà theo một số chuyên gia kinh tế, ngoài những lý do “khách quan” đơn vị này đưa ra là chuyện đầu tư dàn trải ra ngoài ngành quá nhiều, phân tán vốn, không tập trung vào nhiệm vụ chính, việc xem xét trách nhiệm cụ thể của ban lãnh đạo EVN và câu chuyện “tái cơ cấu” tập đoàn này một lần nữa nên được đặt ra.