> Lương giao viên vẫn không đủ sống
> Thầy Tây trò Ta & thầy Ta trò Tây
Đường đi từ huyện tới xã hơn 70 cây số. Từ trung tâm xã tới thôn phải mất thêm hơn 2 tiếng đồng hồ lội bộ, vì xe máy không vào được. Không điện, không sách báo, internet, không ti vi, điện thoại.
Đứa con nhỏ của hai vợ chồng thầy cô giáo ấy dần dà nói tiếng Cơtu thạo hơn cả tiếng Kinh. Quà tặng thầy cô dịp lễ tết chỉ là những củ sắn, mấy nắm rau rừng…
Những thầy cô cắm bản ấy không thể yêu cầu phụ huynh sắm cho laptop, điện thoại, ép học thêm. Những lớp học ấy không thể có máy lạnh, máy giặt, máy chiếu. Học sinh nơi ấy không tóc xanh tóc đỏ, càng không thể tưởng tượng ra việc đánh lộn lột áo nhau ra để quay clip …
Tất nhiên, vẫn biết các thầy cô cắm bản cũng chỉ là một bộ phận trong hệ thống giáo dục rộng lớn với nhiều cấp học, nhiều hệ hình đào tạo. Cũng như hình ảnh tiêu cực về thầy cô giáo và học trò cũng chỉ là thiểu số xuất hiện đây đó, không tiêu biểu cho ngành trồng người.
Nhưng dù chỉ là số ít, thì hình ảnh tiêu cực xảy ra nơi này nơi khác về nghề giáo đã tác động rất lớn đến xã hội. Đáng tiếc, không ít thầy cô giáo đã không ý thức được rằng nghề nghiệp của mình là một trong những nghề thuộc diện nhạy cảm trong xã hội, cũng như bác sĩ, cảnh sát giao thông, quan chức…
Khi tất cả mọi phát ngôn, việc làm đều được xã hội và học trò “soi” rất kỹ, cộng với sự hỗ trợ đắc lực của các phương tiện nghe nhìn, quay chụp tối tân. Bởi vậy, có những việc làm xuất phát từ ý tốt, nhưng do cách xử sự thiếu cân nhắc nên đã thể hiện ra ngoài dưới hành vi phản cảm gây bức xúc.
Các thầy cô ít quan tâm đến việc giữ hình ảnh chỉ là điều đáng tiếc nhỏ, có thể chỉnh được ngay. Nhưng điều đáng tiếc thứ hai, lớn hơn, bản chất hơn và cũng vô cùng khó sửa. Đó chính là cơ chế của nhà nước đối với giáo dục hiện nay.
Cơ chế buộc thầy cô giáo nghiêm túc, không cho dạy thêm, nhưng với đồng lương hiện thời giáo viên lấy gì để sống? Bởi vậy vẫn có nhiều nơi riêng quà tặng ngày 20-11 thầy cô nhận về đã nhiều hơn lương tích lũy cả năm trời!
Cơ chế chỉ bổ nhiệm cán bộ theo bằng cấp càng khiến người thầy khó thể giữ mình. Ai muốn lên quan đều phải có bằng thạc sĩ, tiến sĩ, dù tấm bằng ấy chẳng cần gì cho công việc của họ. Trừ những người học thật, còn lại đa số tìm cách chạy bằng. Kể cả những tấm bằng sơ đẳng như trung học, phổ thông.
Người thầy khi ấy, hoặc thỏa hiệp, chấp nhận những cuộc mua bán, đổi chác. Hoặc sẽ đứng ngoài cuộc, đồng nghĩa với việc mất chỗ đứng, thậm chí “về vườn”. Lựa chọn sinh tử ấy, thử hỏi có được mấy người chọn lối thứ hai?
Chúng ta vẫn đang loay hoay đi tìm “triết lý giáo dục”, trong khi sự thật đơn giản đập vào mắt chẳng cần đến triết lý cao xa ấy, thì lại không ai xắn tay giải quyết.