Nổi tiếng, có ích và xấu hổ

Nổi tiếng, có ích và xấu hổ
TP - Đề thi đại học môn Ngữ Văn khối C năm nay, phần nghị luận yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ về ý kiến: “Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn”. Ý kiến không nêu tên tác giả trên, có lẽ phần nào xuất phát từ một danh ngôn của văn hào Nga Lev N. Tolstoy: “Biết xấu hổ trước mọi người là một cảm xúc tốt. Nhưng tốt hơn là biết xấu hổ trước chính bản thân mình”.

> Bài giải đề thi môn Toán, Lịch sử, Ngữ văn, Sinh học

Và có lẽ cả từ tư tưởng “Nhân bất khả vô sỉ” (Con người không thể không biết xấu hổ) của Mạnh Tử.

Đề thi Ngữ văn khối D thì yêu cầu bình luận về một ý kiến cũng khuyết danh: “Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng mà hãy trở thành người có ích”.

Đề thi đã buộc những công dân sắp sửa bước vào đời phải đối diện với những điều cơ bản nhất của đời sống con người. Đó là những sự nổi tiếng, tự hào, có ích và xấu hổ. Cũng như từng bàn luận về thói đạo đức giả, vô trách nhiệm trong đề thi năm ngoái.

Tuy nhiên, có thể thấy vài yếu tố chưa thật thăng bằng, non về logic giữa các cặp khái niệm trong cả hai đề thi trên. Những người ra đề có lẽ hơi bị ám ảnh bởi những sự “nổi tiếng” gắn với tai tiếng của giới showbiz chăng? Hay sự “nổi tiếng” bất thường của những người ăn cắp trí tuệ, công trình nghiên cứu của người khác, bằng sự giả dối bằng cấp và nhầm chỗ đứng trong xã hội, mà không đặt sự nổi tiếng trong ý nghĩa bình thường nhất?

Nổi tiếng chân chính càng giúp ích nhiều hơn cho xã hội và con người, chứ sao! Cũng như một người biết tự hào và có cái để tự hào thực sự, chứ không phải thói kiêu ngạo, hãnh tiến với những thành công được mua bằng tiền, thì cũng sẽ luôn biết tự trọng đặt liêm sỉ lên hàng đầu.

Thời phổ thông, một lần ra chơi, cậu học trò Ngô Bảo Châu và đám bạn đã vo tròn cái áo mưa của thầy giáo thành quả bóng để… đá. Sau đó chỉ một cậu trò xui xẻo bị thầy phạt, còn các đồng phạm khác, trong đó có Châu, thì… im thin thít. Để rồi mấy chục năm sau, trong bức thư “thú tội” với thầy, Ngô Bảo Châu đúc kết từ chính mình: “Muốn sống tử tế, trước hết phải biết xấu hổ”. Đó có lẽ là bài học nung nấu để có được một nhà toán học nổi tiếng, có ích, biết tự hào và cũng biết xấu hổ.

Thời gian ngắn nữa sẽ có kết quả chấm thi. Hẳn sẽ có những bài nghị luận xuất sắc, và cũng không thiếu những bài văn lạ cười ra nước mắt. Bởi thực tế cuộc sống hàng ngày có quá nhiều chất liệu tươi sống, hình ảnh bi hài để cho các cô cậu học trò bưng vào bài luận.

Có điều, viết được một bài luận hay, không có nghĩa những công dân tương lai ấy sẽ đều trở thành những người nổi tiếng bằng chính năng lực của mình, biết tự hào trong niềm tự trọng, sống và làm việc có ích, cũng như biết giữ liêm sỉ. Bởi trong môi trường xã hội mọi giá trị còn rất khó đo lường này, làm được điều ấy thật vô cùng gian nan nếu thiếu một thiên lương mạnh mẽ…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hoa hậu Việt Nam 2024 toàn diện về nhan sắc, văn hóa, trí tuệ và sự cống hiến
Hoa hậu Việt Nam 2024 toàn diện về nhan sắc, văn hóa, trí tuệ và sự cống hiến
TPO - Nhà báo Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2024 - cho biết: "Với bốn trụ cột Nhan sắc - Văn hóa - Trí tuệ - Cống hiến, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2024 hướng tới tìm kiếm những đại diện xuất sắc, hội tụ vẻ đẹp toàn diện về nhan sắc, trí tuệ, nền tảng văn hóa, tâm hồn và bản lĩnh”.