>> Một mình Thùy Dương có làm nên chuyện?
>> Vụ con giám đốc Công an đánh lái xe taxi: Đang tập trung làm rõ
Khi mà cô Lượm (giả) – một phụ nữ trẻ quê mùa nghèo khó, ít học hành - đã lên tiếng xin lỗi tất cả mọi người sau cú trượt dài lầm lỗi, đã khắc phục thiệt hại. Và tự nhận cả cuộc đời cô sẽ phải sống trong nỗi dằn vặt xấu hổ đó. Thì những đơn vị, cá nhân liên quan lại vẫn tiếp tục đẩy vụ việc trở nên căng thẳng hơn, khi không chịu thừa nhận phần thiếu sót, trách nhiệm thuộc về mình.
Trong khi xã hội đang trong thời điểm căng thẳng của giá lương tiền, của biết bao tai tệ nạn gây bức xúc, giữa những tai ương đang liên tiếp giáng xuống đầu nhân loại, thì những cách ứng xử như vậy chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Sự kiêu hãnh bản thân, cộng với thân thế trong xã hội có lẽ khiến không ít người tự cho mình cái quyền trút tất cả sai sót sang người khác.
Như vụ viên cảnh sát giao thông đã ngà hơi men hành hung người lái taxi chở mình, do lái xe không chịu vượt đèn đỏ theo lệnh của anh ta. Bản thân anh ta, với tư cách một lãnh đạo của một đơn vị cảnh sát giao thông địa phương, đã tự cho mình cái “quyền” là sẽ không có “lính” nào dám phạt mình?
Cộng với sự ỷ thế rằng người cha là lãnh đạo ngành, ông sẽ sẵn sàng bao che lỗi lầm của con nếu có chuyện xảy ra? Nhưng liệu viên cảnh sát trẻ này có biết nhiều tờ báo trên thế giới đã đăng lại thông tin này. Hình ảnh một ngành bảo vệ trật tự an ninh cho quốc gia phần nào bị ảnh hưởng từ hành vi thiếu suy nghĩ trong phút chốc ấy.
Ứng xử cá nhân góp phần điều chỉnh xã hội. Một vụ va quẹt giao thông nhẹ cũng có thể đổi mấy mạng người chỉ vì những lời cãi vã, những cái đầu nóng. Có thể sẽ không xảy ra những án mạng đau lòng nếu mỗi cá nhân biết cách ứng xử hòa nhã, con người hơn.
Thế giới đang đầy rẫy những cái đầu nóng bởi chiến tranh, khủng bố, suy sụp kinh tế, thiên tai dịch họa. Đào tạo về ứng xử với thảm họa, trước những tình huống bất thường đáng lẽ là môn học được chú trọng từ phổ thông. Và khi ra đời, con người ta tích lũy bằng chính kinh nghiệm sống.
Có những lời xin lỗi làm thay đổi thế giới, dù được đưa ra sau cả 329 năm, như lời chính thức xin lỗi của Giáo hoàng John Paul II (năm 1992) thừa nhận sai lầm của Vatican trong việc kết án nhà bác học Galileo từ năm 1633 chỉ vì “tội” tuyên bố trái đất quay xung quanh mặt trời. Hay như lời xin lỗi vào năm 2009 của chính quyền Tổng thống Obama đối với thời kỳ nô lệ phân biệt chủng tộc trước đó hàng trăm năm.
Chúng ta vẫn cần những lời xin lỗi, dù muộn mằn. Nó sẽ khiến thế giới tích cực, hòa đồng và thông hiểu nhau hơn. Nhưng cần hơn là những quy tắc ứng xử một cách đầy con người trong từng giây từng phút của cuộc sống thường nhật. Nhất là khi cuộc sống loài người đang đối mặt những cam go không dễ vượt qua. Đó không chỉ là biểu hiện của văn hóa, mà còn như là một bản năng, bản năng sinh tồn.