Tiêu chí văn minh

Tiêu chí văn minh
TP - Một tờ báo của Thủ đô vừa đưa tin: "Để nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân Thủ đô, năm 2011, Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Hà Nội sẽ xây dựng các tiêu chí Người Hà Nội thanh lịch, văn minh và thực hiện lồng ghép với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa từ thành phố tới cơ sở".

Nhưng hiểu thế nào là văn minh? Xưa nay, đã có quá nhiều định nghĩa về văn minh, từ Đông sang Tây. Vậy cứ tạm chọn giải thích chung nhất trong nhiều cuốn từ điển tiếng Việt: Văn minh là trình độ phát triển đạt đến một mức nhất định của xã hội loài người, có nền văn hoá vật chất và tinh thần với những đặc trưng riêng. Ý là sự phát triển ấy không chỉ về mặt tinh thần, mà bao hàm cả những tiện nghi trong đời sống.

Còn thanh lịch là sao? Theo giáo sư Phan Khanh (Hội Di sản văn hóa Việt Nam), từ "thanh" trong cụm từ "thanh lịch" có nghĩa là trong sáng, không thô, không tục; còn "lịch" là lịch lãm, lịch thiệp, lịch sự. Theo ông, người ta đã dùng cụm từ "thanh lịch" để nói về người Hà Nội từ lâu lắm rồi, ít cũng một vài thế kỷ.

Vậy khi nói người Hà Nội thanh lịch, văn minh, có thể hiểu nôm na: người Thủ đô vừa thanh nhã, lịch thiệp, vừa giàu có lại vừa biết tổ chức tốt cuộc sống.

Đã từ lâu, thiên hạ hay gắn cho người Hà Nội cụm từ "thanh lịch, văn minh". "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An". Hà Nội là đô thị lâu đời. Từ văn minh làng xã bước lên văn minh đô thị, trong quá trình cả ngàn năm ấy, người Thủ đô ít nhiều cũng đúc rút cho mình những tinh hoa văn hóa nhất định.

Nơi kinh kỳ, kẻ chợ, anh tài bốn phương tụ họp, cái khí chất ấy trong nhiều thập kỷ đã thấm đẫm đời sống người Hà thành. Nhưng cũng như những thành phố lớn trên thế giới, "thóc đâu bồ câu ở đấy", người ta lũ lượt kéo về Hà Nội, mang theo những cách sống, lối ứng xử, nét văn hóa khác.

Chuyện mai một chất Hà Nội xưa là tất yếu. Và người ta "đổ tội" cho dân ngoại tỉnh để đề cao cái gọi là "người Hà Nội gốc". Họ quên một điều rằng, khi xưa, hình thành đất Thăng Long cũng là do dân tứ chiếng đổ về. Và cũng chính dân tứ chiếng ấy trụ lại và gây dựng nên tiếng "người Tràng An" xưa.

Nói vậy để thấy rằng danh tiếng của một vùng đất cũng biến thiên theo thời gian. Và sự thanh lịch, suy cho cùng, cũng chẳng của riêng người Hà Nội.

Trở lại ý định xây dựng tiêu chí "người Hà Nội văn minh". Không rõ nhà chức trách sẽ thực hiện như thế nào, vì hình như chưa có tiền lệ trên thế giới về việc chính quyền một thủ đô ra quy định công dân của mình phải "thanh lịch, văn minh" ra sao! Nhưng có vẻ sẽ xảy ra hai chiều hướng.

Một, văn bản này sẽ thuộc dạng "định nghĩa, khái niệm" mang tính định hướng chung chung. Vì "thanh lịch, văn minh" là dạng khái niệm định tính. Cũng như khi nói đến hạnh phúc, có thể thấy rằng hạnh phúc của người này không giống người kia, nước này không giống nước kia. Và sự thanh lịch hay văn minh, hiểu theo cách đó, cũng vậy.

Hai, văn bản đi vào những vấn đề cụ thể: Không đổ rác ra đường, không vi phạm luật giao thông, không nói tục chửi bậy, không mê tín dị đoan, bán hàng không chặt chém… Nhưng như thế, vô hình trung văn bản này trở nên thừa.

Vì những điều đó đều được quy định rải rác trong các bộ luật hay văn bản dưới luật, áp dụng trên cả nước chứ không chỉ riêng Hà Nội. Có lẽ, thực hiện triệt để những quy định hiện hành thì tốt hơn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.