An ninh điện lực

An ninh điện lực
TP - An ninh điện lực ở nước ta đã đặt ra. Dù nhìn dưới bất cứ góc độ nào vẫn thấy rõ thực trạng thiếu điện đang làm đảo lộn cuộc sống, đình đốn sản xuất, đôi nơi dẫn tới bất ổn xã hội.

Chỉ một huyện Lệ Thủy của tỉnh Quảng Bình, có hơn 700 ha lúa hè - thu bị hạn nặng trong lúc nước ở các hồ đập vẫn đầy nhưng thiếu điện chạy máy bơm. Nhiều vùng nuôi tôm thất bát nặng nề cũng vì không có điện chạy guồng nước khiến tôm chết ngạt.

Các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp thì vào cảnh khốn đốn. Nhiều hợp đồng kinh tế trong và ngoài nước đành phải hủy bỏ. Hơn tháng nay, từ Bắc chí Nam vang lên những tiếng kêu bất bình của dân chúng vì thiếu điện.

Không chỉ bày tỏ sự bất bình bằng lời nói, hàng trăm nông dân xã Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ, Thái Bình) đã quá bức xúc, bắt nhân viên điện lực phơi nắng, sau đó kéo lên huyện đòi được cấp điện nhiều hơn.

Ngày 18-6, Tỉnh ủy Khánh Hòa có văn bản gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, đề nghị xem xét trách nhiệm trong việc cung ứng điện của lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), vì để xảy ra cảnh cúp điện liên miên gây thiệt hại lớn cho du lịch tỉnh nhà.

Tình trạng thiếu điện đang diễn ra tương tự 20 năm trước, chỉ khác một điều, nay nước ta đang đi lên công nghiệp hóa hiện đại hóa nên ảnh hưởng và thiệt hại lớn hơn. Đáng lo là không biết được tương lai sẽ còn diễn biến như thế nào khi ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho biết “EVN dự báo rất tù mù”, như dự báo phụ tải năm nay tăng 18%, thực chất tăng trên 30%.

Lại thấy rằng, EVN đang được giao quyền quá lớn. Báo Tiền Phong ngày 28-6 đã phân tích: “Nhìn vào cơ cấu tổ chức của EVN, nó thực sự là siêu doanh nghiệp: Vừa thực hiện chức năng kinh doanh, vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước khi thực hiện việc phân phối điện, xử phạt vi phạm...Nhiệm vụ quản lý nhà nước về điện, về hình thức, do Bộ Công Thương đảm trách, nhưng thực tế gần như Bộ Công Thương khó can thiệp vào những hoạt động của EVN”.

Quyền lớn nhưng thực tế cũng chứng tỏ, EVN không đủ năng lực tương xứng để đáp ứng những đòi hỏi và nhu cầu của đất nước. Cơ chế độc quyền còn làm cho EVN xơ cứng, đến mức TS Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng, kêu lên “EVN cần phải nói thật”. Ông Hiến khẳng định, nguyên nhân chính của việc thiếu điện không phải như những gì các quan chức EVN đã trả lời trên báo chí.

TS Nguyễn Quang A viết trên Tiền Phong ngày 27-6: “Giải pháp là phải chẻ nhỏ EVN ra, chứ không phải đẩy nó lên thành tập đoàn bao trùm tất cả. Đồng thời, cũng cần để giá điện sát giá thị trường, do thị trường điều tiết là chính. Giá điện thấp khiến các hộ tiêu dùng ít có ý thức để tiết kiệm điện, không chịu khó đổi mới công nghệ và sử dụng điện không hiệu quả và, như thế, càng dẫn đến thiếu điện”.

Bên cạnh, có ý kiến phản đối “giải pháp chẻ nhỏ” với lý do chính là để Nhà nước có một công cụ đủ mạnh điều tiết thị trường, và nhiệm vụ chính trị là đảm bảo lợi ích của số đông người đang sống quanh ngưỡng nghèo đói. Thực tế đã không như vậy. Quê nghèo vẫn phải hy sinh vì phố. Thế nhưng, quan điểm thứ hai này chính là quan điểm đã thắng thế trong suốt 20 năm qua, đưa đến kết quả hôm nay, đất nước đang dần đến chỗ mất an ninh điện lực.

Nên, để đảm bảo an ninh điện lực cho đất nước, bây giờ rất cần quan tâm đến ý kiến của TS Nguyễn Quang A: “Cải tổ hệ thống điện tuy là việc phức tạp nhưng là cách chữa bệnh tận gốc và, vì thế, là việc không thể trì hoãn”.

MỚI - NÓNG