Doanh nghiệp vận tải đồng loạt tăng giá

Doanh nghiệp vận tải đồng loạt tăng giá
TP - Tăng 5 đến 10% giá cước là mức mà nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải taxi đưa ra sau khi giá xăng tăng thêm 10%. Riêng với một số tuyến xe khách đường dài mức tăng lên đến 40%.

> Mâu thuẫn giá & lãi suất

Hôm qua nhiều doanh nghiệp vận tải đã công bố mức giá mới. Ảnh: Hồng Vĩnh
Hôm qua nhiều doanh nghiệp vận tải đã công bố mức giá mới.
Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Nhiều hãng taxi tăng giá cước

Theo khảo sát của PV Tiền Phong tính đến chiều qua, Mai Linh là hãng taxi đầu tiên tại Hà Nội tăng giá cước sau khi giá xăng tăng thêm 10%. Theo đó, nếu trước đây xe Vios 4 chỗ của Mai Linh có giá cước vận tải là 13.800 đồng/km thì ngày hôm qua tăng lên 14.400 đồng/km.

Tiếp theo Mai Linh, ngày hôm qua, hàng chục hãng taxi khác cũng gửi văn bản tăng giá cước tới cơ quan chức năng. Mức cước tăng trung bình các hãng đưa ra dao động từ 1.000 đến 1.500 đồng/km. Tuy nhiên cũng có hãng đưa ra mức tăng 2.000 đồng/km.

Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội xác nhận hiệp hội đã nhận được hàng chục văn bản tăng giá cước của DN. Theo quy định, sau 3 ngày gửi văn bản, nếu không có thay đổi gì các DN có quyền điều chỉnh giá cước. Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, việc các DN xin điều chỉnh giá cước từ 1.000 đến 1.500 đồng/km sau khi có sự biến đổi của giá xăng dầu là bình thường.

“Hơn nữa đa số các hãng taxi hiện nay hoạt động theo hình thức khoán xe, việc giá xăng tăng thêm 10% đồng nghĩa với việc mỗi ngày anh em tài xế phải bỏ tiền túi từ 50.000 đến 100.000 đồng đổ xăng. Nếu DN không có sự điều chỉnh kịp thời thì phần thiệt thòi sẽ thuộc về tài xế”, ông Bình nói.

Việc điều chỉnh giá cước phải tuân theo lộ trình nên đến cuối giờ chiều qua, ngoài Mai Linh hầu hết các hãng taxi vẫn chưa thể tăng giá. Để duy trì hoạt động và bù vào khoản chi phí tăng những ngày qua hãng taxi Hương Lúa đã đưa ra mức hỗ trợ anh em tài xế 50% số tiền xăng bội chi.

Cùng với đó, hãng đã hoàn thành thủ tục xin điều chỉnh giá cước, nếu không có gì thay đổi, từ cuối tuần này mức cước của Hương Lúa sẽ tăng thêm 10%. Cụ thể, với xe 4 chỗ ngồi sẽ được tăng lên 11.300 đồng/km thay vì 10.300 đồng/km như hiện nay. “Đây là mức tăng mà cả DN và người tiêu dùng đều phải chia sẻ theo tỷ lệ DN chịu 40% và người tiêu dùng chịu 60%”, ông Đinh Văn Sáu, GĐ hãng Taxi Hương Lúa tính toán.

Mức tăng 10% cũng được các hãng taxi như Hà Nội Group, Thanh Nga, Vạn Xuân, Taxi 52... áp dụng trong những ngày tới. Riêng với hãng taxi Rồng Vàng theo nguồn tin của Tiền Phong, hãng này cũng vừa đưa ra mức tăng 15 đến 20%.

Mức tăng này khá cao so với mặt bằng chung. Vì vậy ông Bình cho rằng, Hiệp hội khuyến cáo với mức tăng giá xăng như vừa qua các hãng taxi chỉ nên tăng 500 đồng đến 1.500 đồng là hợp lý. Nếu DN tăng trên mức này thì cần phải xem xét lại, nhất quyết không được té nước theo mưa.

Theo Hiệp hội Vận tải ô tô, taxi tăng 500 đến 1.000 đồng/km là hợp lý. Ảnh: Trọng Đảng
Theo Hiệp hội Vận tải ô tô, taxi tăng 500 đến 1.000 đồng/km là hợp lý. Ảnh: Trọng Đảng.
 

Xe khách lách luật

Chiều qua, tất cả các bến xe trên địa bàn Hà Nội như Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm... đều khẳng định, chưa có DN vận tải nào gửi văn bản thông báo tăng giá vé. Tuy nhiên nhiều hành khách đi các tuyến đường dài như Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An... phản ánh, gần một tuần nay họ bị các nhà xe thu cao hơn giá những ngày trước đó từ 20.000 đến 30.000 đồng/người.

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, việc giá xăng dầu tăng thêm 10% sẽ khiến chi phí hoạt động vận tải taxi tăng khoảng 5%, vận tải hàng hóa, hành khách tăng khoảng 2%. Do vậy, nếu taxi tăng trên 10% và vận tải hành khách tăng đến 40% là mức tăng quá cao, cần phải có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

 

Nguyễn Thành Trung, sinh viên trường ĐH KHXH&NV Hà Nội cho biết, trước đây, giá vé xe khách từ bến xe Giáp Bát về Thanh Hóa chỉ 70.000 đồng/người, nhưng hôm chủ nhật vừa qua cũng với quãng đường này Trung phải trả cho nhà xe 100.000 đồng (tăng 42%).

“Thấy mức thu quá cao chúng em hỏi thì được nhà xe nói là do giá xăng dầu tăng nên nhà xe phải thu như thế mới đủ chi phí” - Trung phản ánh.

Tương tự, gần một tuần nay nhiều hành khách bắt xe khách về Vinh và Hà Tĩnh cũng bị các nhà xe thu cao hơn những ngày trước đó từ 30.000 đến 50.000 đồng/ người. “Trước đây vé xe khách từ bến Mỹ Đình về Hà Tĩnh chỉ 160.000 đồng nhưng cũng với quãng đường này cuối tuần qua em bị nhà xe thu 200.000 đồng/ người”, Dương Văn Quỳnh, sinh viên Học viện An ninh Nhân dân, phàn nàn.

Ông Nguyễn Hoàng Trung, GĐ Cty Quản lý bến xe Hà Nội cho biết, đến cuối giờ chiều qua, Cty vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản thông báo tăng giá vé nào của DN từ các bến xe chuyển lên. Hiện toàn bộ giá vé đường dài đi các tỉnh, thành vẫn được các bến xe niêm yết như trước Tết.

Nhiều hãng taxi tăng giá cước

TPHCM - Chiều 12-3, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM Tạ Long Hỷ cho biết nhiều hãng taxi bắt đầu điều chỉnh giá cước để bù đắp chi phí xăng dầu tăng giá. Cụ thể: Taxi Vinasun tăng cước thêm từ 800 -1.000 đồng/km đối với dòng xe Matiz và Kia 4 chỗ; Loại xe Vios, Innova J, giá cước tăng thêm từ 1.000 đến 1.500 đồng/km; cước xe Innova G tăng 2.000 đồng/km.

Hãng taxi Mai Linh, tăng giá cước từ 600 - 1.000 đồng/km tùy từng dòng xe. Riêng các hãng taxi khác như Vina taxi, Phương Trang taxi, Savico taxi dự kiến tăng giá cước từ 500 đến 1.500 đồng/km.

Đà Nẵng - Từ hôm qua, 12-3, giá cước của 6 hãng taxi tại Đà Nẵng đã đồng loạt tăng từ 700 - 1.000 đồng/km - tin từ Hiệp hội Taxi Đà Nẵng cho hay. Cụ thể, loại xe 7 chỗ tăng 1.000 đồng, xe 4 chỗ tăng 700 đồng/km.

Theo ông Võ Thành Nhân - Chủ tịch Hiệp hội, nếu không tăng giá cước trước việc xăng tăng giá, hơn 1.000 đầu xe của các DN sẽ phải chịu lỗ khoảng 50 triệu đồng/ngày.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sàn thương mại điện tử 1688 của Trung Quốc ra bản tiếng Việt và ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam Ảnh: Ngọc Linh
1688 ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam
TP - Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện bản tiếng Việt, sàn thương mại điện tử bán buôn 1688 của Trung Quốc liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại, tiếp thị nhằm vào người tiêu dùng Việt Nam với mức giá khá rẻ so với các sàn thương mại điện tử trong nước.