Phí ở trạm thu TPHCM – Trung Lương được cho là “ăn” hết lợi nhuận của doanh nghiệp vận tải. Ảnh: CTV. |
Phí quá cao
Ông Lương Hoàng Trung, Phó Chủ tịch thường trực HHVT cho biết, đã nhận được phản ánh của nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa (DN) về các khó khăn khi sử dụng đường cao tốc TPHCM -Trung Lương. Cụ thể: Các DN tại TPHCM chở hàng hóa đi các tỉnh ĐBSCL và ngược lại, sử dụng chủ yếu là xe có tải trọng lớn (trên 10 tấn) hoặc xe đầu kéo container.
Nếu áp dụng mức phí với xe trên 18 tấn hoặc xe chở hàng container 40 feet là 8.000 đồng/km thì với chiều dài 40km, DN phải trả 320.000 đồng/lượt, tương ứng 640.000 đồng/chuyến.
Một số DN cho biết, mỗi chuyến xe chở hàng trong bán kính khoảng 100 km, chủ xe chỉ lãi khoảng 300.000-400.000 đồng. Nếu không chấp nhận tăng cước vận tải (khoảng 20%) tương ứng mức phí giao thông thì lợi nhuận không đủ để nộp phí khi sử dụng đường cao tốc TPHCM- Trung Lương.
“Dù có lộ trình dài hơn song các chủ xe, lái xe vẫn chọn QL1A để duy trì lợi nhuận tối thiểu. Chúng tôi kiến nghị giảm phí xuống mức tương đương 50% đơn giá hiện nay” - ông Trung nói.
Ngoài ra, theo HHVT, mức phí sử dụng hiện nay chưa hợp lý. Xe khách 12 chỗ chênh lệch lớn về số ghế với xe 30 chỗ nhưng lại thu đồng mức 1.500 đồng/km (nhóm 2). Trong khi đó, nhóm xe tải lại thu quá “rát”.
Tận thu hay đảm bảo an toàn giao thông?
Trao đổi qua điện thoại, Phó tổng giám đốc Tổng Cty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long Nguyễn Văn Phòng cho biết, Tổng Cty Cửu Long chỉ được giao thu phí tạm thời nhằm thu hồi vốn cho nhà nước đã đầu tư vào dự án. Mức phí do Bộ Tài chính quy định dựa trên đề xuất trước đây của Cty cổ phần phát triển đường cao tốc BIDV với thời hạn thu phí là 25 năm.
HHVT kiến nghị Chính phủ không cho phép lắp đặt thêm trạm thu phí trên QL 1A với kinh phí khoảng 80 tỷ đồng để hỗ trợ thu phí cho đường cao tốc. Theo ông Lương Hoàng Trung, Pháp lệnh phí và lệ phí năm 2001 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định “Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ”. Bởi vậy, khi phương tiện vận tải không sử dụng đường cao tốc TPHCM – Trung Lương thì không có nghĩa vụ trả phí hoàn vốn cho tuyến đường này.
Thống kê của Tổng Cty Cửu Long, qua 4 ngày triển khai thu phí, lưu lượng xe vào đường cao tốc giảm gần 30% so với trước, trong đó giảm mạnh nhất là nhóm xe tải, xe container.
QL20: Thu phí cả đường quá “đát” Quốc lộ 20 dài khoảng 230km, là trục đường bộ độc đạo quan trọng bắt đầu từ ngã ba Dầu Giây, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) đến TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Từ lâu, tuyến đường đã xuống cấp nghiêm trọng. Theo Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai thì QL 20 đã quá hạn sử dụng. Tháng 12-2009, Cục Đường bộ ký hợp đồng BOT dự án sửa chữa và nâng cấp một số đoạn đường (khoảng 18km) của QL 20 nằm trên địa phận tỉnh Lâm Đồng với Cty TNHH một thành viên 7/5. Sau khi dự án hoàn thành, Cty này lập hai trạm thu phí để hoàn vốn trong vòng 8 năm. Trạm thứ nhất đặt tại xã Đại Lào (TP Bảo Lộc), trạm thứ hai đặt tại huyện Định Quán (Đồng Nai), nơi không liên quan dự án. Chị Hoàng Thị Oanh, chủ xe tải ở thị trấn Tân Phú (huyện Tân Phú) nói: “Tuyến đường xuống cấp, quá xấu từ nhiều năm rồi, chúng tôi đóng phí để được gì đây?”. Ông Đỗ Khắc Giáp, Chánh văn phòng UBND huyện Tân Phú cho biết, mỗi tháng UBND huyện phải chi hàng chục triệu đồng tiền phí cho xe đi công tác. Tân Phú là huyện nghèo nhất tỉnh Đồng Nai, kinh tế chủ lực là sản xuất nông nghiệp, lưu thông vận chuyển nông sản giữa huyện Tân Phú đi các địa phương khác đều bị ảnh hưởng bởi trạm thu phí. Mặc cho dân lẫn chính quyền phản ứng, cuối năm 2011, phí QL 20 tăng thêm 50%. |