Tàu Vinalines Queen khó rơi vào khu quân sự

Tàu Vinalines Queen khó rơi vào khu quân sự
TP - Chiều 29-12, nhận định về sự mất tích của tàu biển Vinalines Queen, Tổng thư ký Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam Đỗ Xuân Quỳnh cho biết về việc tàu biển chở quặng Nikel nguy hiểm thế nào.

> Hy vọng có phép màu trên đại dương
> Giả thiết tàu biển mất tích do rơi vào vùng quân sự

Tàu Vinalines Queen trong một lần cập cảng
Tàu Vinalines Queen trong một lần cập cảng.

Ông Quỳnh nói: “Tàu chở quặng Nikel phải tuân thủ nguyên tắc (chở) hàng khô rời. Bên cạnh đó phải tuân thủ các khuyến cáo của nhà chức trách. Bởi vì Nikel là 1 trong 3 mặt hàng nguy hiểm (quặng sắt mịn của Ấn Độ, than clemantan của Indonesia) dễ dẫn tới lật tàu. Quặng sắt và Nikel dễ hóa lỏng gây nghiêng tàu, than thì dễ cháy”.

Ở góc độ chuyên gia theo ông có khả năng tàu bị bắt cóc hoặc rơi vào khu quân sự nên bị phá sóng?

Theo tôi khó có khả năng đó, nếu là khu tập quân sự thì người ta đã thông báo rộng rãi cho cả khu vực. Ví dụ từ vĩ tuyến bao nhiêu đến vĩ tuyến bao nhiêu trước cả tháng rồi. Trường hợp nhầm lẫn chui vào khu vực quân sự cũng không được vì người ta có bao nhiêu vòng bảo vệ từ trong ra ngoài, vào gần có tàu đuổi ra ngay.

Nhưng đã từng có tàu biển của Việt Nam bị như vậy rồi, thưa ông?

Có thể tàu của Việt Nam mất cảnh giác chứ trên thế giới thì không có. Tôi đã từng đi tàu, kể cả thời chiến tranh cũng không xảy ra.

Tuổi đời các thuỷ thủ còn quá trẻ, điều đó có tác động đến điều khiển tàu mất an toàn không?

Tuổi tác không phải là vấn đề lớn ảnh hưởng đến chạy tàu, kinh nghiệm vận hành mới là quan trọng. Tới đây, trong hội nghị về hàng hải, tôi cũng sẽ có bài tham luận đề cập 4 thách thức lớn đối với các chủ tàu Việt Nam. Trong đó có nói tới nguồn nhân lực. Nhân lực trình độ cao, tâm huyết với nghề đang thiếu nghiêm trọng.

Gần 100 con tàu bị nhà chức trách nước ngoài bắt giữ năm nay vì những khiếm khuyết rất vớ vẩn. Ví dụ, một ông máy trưởng người ta xuống kiểm tra hỏi xem nếu gặp nguy hiểm anh thoát nạn lối nào cũng không biết. Thậm chí thuyền trưởng không thèm vẽ sơ đồ hành trình. Ngay cả việc hằng ngày phải ghi nhật ký tàu cũng không có. Chưa kể theo quy định, hằng ngày anh phải thực tập thả phao cứu sinh, thả xuồng nhưng đến khi người ta yêu cầu thả lại không biết làm thế nào…

Theo ông khu vực tàu biển Vinalines Queen mất tích có phải là vùng biển nguy hiểm?

Đó là khu vực khá nguy hiểm, tuy nhiên các tàu khác thường vẫn phải đi qua.

Giả sử trường hợp xấu nhất là tàu chìm xuống độ sâu 5.000 m, các thiết bị liệu có phát được sóng báo tín hiệu?

Nguyên tắc phát tín hiệu cấp cứu là khi bắt đầu chìm đã phải có rồi, nhưng lần này phao không bật ra, không có tín hiệu phát ra. Vậy có khả năng là hệ thống tín hiệu trục trặc hoặc khi tàu lật gây hư hỏng hệ thống này.

Cám ơn ông.

Chiều tối 29-12, thông tin từ Cty vận tải biển Vinalines cho biết, cơ quan này tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng nỗ lực tìm kiếm Vinalines Queen. Trung tâm Tìm kiếm Cứu nạn Hàng hải Việt Nam thông tin: Nhật Bản, Philippines đã dừng tìm kiếm bằng máy bay.

 
 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Chi Dân, An Tây xin lỗi muộn màng; Bắt 'Trưởng phòng chiến tranh' của tổ chức khủng bố
TPHCM 24/7: Chi Dân, An Tây xin lỗi muộn màng; Bắt 'Trưởng phòng chiến tranh' của tổ chức khủng bố
TPO - Chi Dân, An Tây xin lỗi muộn màng; TPHCM rà soát, xử lý cán bộ dùng chứng chỉ 'Cambridge International'; Bắt 'Trưởng phòng chiến tranh' của tổ chức khủng bố 'Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời'; TPHCM sắp thử nghiệm máy bay không người lái 100 km/h,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.