> Lộ diện nhiều đường dây lừa đảo
Cảnh lộn xộn, chen lấn, xô đẩy khi lao động đăng ký kiểm tra tiếng Hàn tại Nghệ An. Ảnh: A. Khánh. |
Bán 2 triệu đồng một lá đơn
Theo phản ánh của nhiều LĐ, trong quá trình tổ chức đăng ký kiểm tra tiếng Hàn tại Trung tâm giới thiệu việc làm (TTGTVL) Nghệ An xảy ra nhiều tiêu cực. Theo đăng ký của Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, chỉ có từ 4.200 đến 4.500 LĐ tham dự kỳ kiểm tra tiếng Hàn năm 2011.
Tuy nhiên, sau ba ngày đăng ký (từ 11 đến 14-12), số lượng LĐ tăng vọt lên 13.100 LĐ. Vì LĐ tăng đột biến nên tại điểm tiếp nhận đăng ký này đã xảy ra tình trạng LĐ chen lấn, xô đẩy, thậm chí có người ngất xỉu phải nhập viện.
Ông Phạm Minh Đức - Phó phòng Đào tạo (Trung tâm lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH), người được giao nhiệm vụ theo dõi đăng ký tại điểm thi Nghệ An, TTGTVL Nghệ An đã làm sai quy trình. Nhiều LĐ cho biết, cán bộ TTGTVL Nghệ An đã đưa đơn đăng ký dự thi của LĐ ra ngoài cho cò mồi. Về việc này, nhiều LĐ cũng phản ánh, để có được đơn đăng ký, họ phải nộp cho cò mồi 2 triệu đồng/đơn.
Không dừng lại ở đó, khi đăng ký, theo quy định, LĐ chỉ phải nộp khoản tiền là 510 nghìn đồng, nhưng TTGTVL Nghệ An đã tự ý thu thêm 50 nghìn đồng/LĐ. “Đoàn kiểm tra sau khi phát hiện ra khoản thu này, đã yêu cầu TTGTVL Nghệ An chấm dứt ngay. Tuy nhiên, khi cán bộ đoàn kiểm tra đi, cán bộ TTGTVL Nghệ An vẫn tiếp tục thu tiền của LĐ” - ông Lương Đức Long - Phó giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước, cho biết. Với số LĐ đăng ký dự thi hơn vạn người, thì số tiền thu sai quy định lên tới hàng tỷ đồng.
Nghiêm trọng hơn, Sở LĐ-TB&XH Nghệ An và TTGTVL Nghệ An cũng không phát tờ rơi, giới thiệu về Chương trình cấp phép cho LĐ nước ngoài của Hàn Quốc (EPS). Mục đích của việc phát tờ rơi (được phát miễn phí cho LĐ), để phòng ngừa các đối tượng xấu lợi dụng, lừa đảo, hướng dẫn LĐ khi làm các thủ tục cần thiết (đăng ký kiểm tra tiếng Hàn, mua và nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển, nộp hộ chiếu, nộp tiền...) phải đến trực tiếp tại cơ quan được giao làm các thủ tục này và không nộp các khoản tiền ngoài quy định của Bộ LĐ-TB&XH.
“Nhưng họ đã giấu nhẹm tờ rơi, không phát cho LĐ. Nếu tờ rơi đến tay LĐ, chắc chắn sẽ không xảy ra các tiêu cực cũng như nạn cò mồi lộng hành, thao túng. LĐ cũng không phải nộp thêm các khoản phí sai quy định” - ông Long khẳng định. Được biết, trước những sai phạm trong việc tổ chức đăng ký kiểm tra tiếng Hàn cũng như bức xúc trước các khoản tiền thu sai quy định của TTGTVL Nghệ An, nhiều LĐ đã viết đơn phản ánh, gửi tới ông Phan Đình Trạc - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An.
Làm việc với PV Tiền Phong, ông Phan Văn Minh - Giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, ông Bùi Nguyên Lân - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An trả lời Tiền Phong (ngày 14-12) rằng, việc để 13.100 LĐ Nghệ An phải ra Hà Nội thi, trách nhiệm thuộc về đơn vị tổ chức kỳ thi là hết sức thiếu trách nhiệm. Ở đây, Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD) mới là đơn vị đứng ra tổ chức, còn Bộ LĐ-TB&XH chỉ là đơn vị phối hợp thực hiện.
Theo ông Minh, các vấn đề phát sinh tại điểm thi Nghệ An, hơn ai hết, ông Lân là người nắm rõ nhất. Hơn nữa, trước khi tổ chức đăng ký cho LĐ, ngày 2-11-2011, Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố (trong đó có Nghệ An) chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng địa phương về các nội dung liên quan kỳ kiểm tra tiếng Hàn. Đồng thời, phải tổ chức cho LĐ đăng ký công khai, minh bạch, không để xảy ra các hiện tượng tiêu cực.
“Ông Lân cũng thừa biết, nếu không tổ chức kiểm tra tiếng Hàn nghiêm túc, công bằng, công khai, minh bạch, người bị ảnh hưởng đầu tiên là LĐ. Nếu phía Hàn Quốc lại dừng tổ chức thi tiếng Hàn, không phải chỉ có LĐ Nghệ An ảnh hưởng mà hàng chục nghìn LĐ trên cả nước sẽ bị vạ lây” - ông Minh nói.
Bỏ rơi lao động huyện nghèo
Thực hiện Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ, nhằm góp phần giảm nghèo, Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn đề nghị Sở LĐ-TB&XH Nghệ An tổ chức để cho LĐ huyện nghèo có cơ hội sang Hàn Quốc làm việc.
Theo Quyết định 71, LĐ ba huyện nghèo Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn của Nghệ An sẽ được cấp kinh phí để đăng ký tham gia đào tạo tiếng Hàn. Tuy nhiên, công văn số 2451, ngày 29-12-2010 của Sở LĐ-TB&XH Nghệ An báo cáo lên Cục quản lý lao động ngoài nước cho biết, Sở đã gửi công văn yêu cầu ba huyện Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn lựa chọn, lập danh sách LĐ để tham gia đào tạo tiếng Hàn nhưng không có LĐ nào đăng ký tham gia.
Sự việc vỡ lở khi bà Hoàng Thị Kim Ngọc - Phó cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) có chuyến công tác và làm việc với lãnh đạo huyện Quế Phong. Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Quế Phong cho biết, đã gửi danh sách LĐ cho Sở LĐ-TB&XH Nghệ An nhưng không thấy Sở tổ chức để cho LĐ học tiếng Hàn. Nếu tính gộp số LĐ của cả ba huyện nghèo tại Nghệ An, con số ít nhất cũng phải lên tới hơn 70 người.
Theo một lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, việc bỏ rơi LĐ huyện nghèo của Sở LĐ-TB&XH Nghệ An đã khiến cho chính quyền cũng như các LĐ nghèo tại ba huyện Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn rất bức xúc.
Tiền Phong sẽ tiếp tục thông tin về những tiêu cực, những chiêu làm tiền LĐ Nghệ An dự thi tiếng Hàn trên số báo tới.
Cò lừa giục phóng viên nộp tiền cọc Chiều 14-12, một cò của đường dây bà Phạm Thị V (trú tại khối 14, phường Trường Thi, TP Vinh, Nghệ An) vẫn nghĩ phóng viên là người LĐ nên liên tục gọi điện yêu cầu nhanh chóng tới nhà bà V đặt tiền cọc nếu muốn đi Hàn Quốc. Trước đó, khi PV đang làm việc với ông Bùi Nguyên Lân, Giám đốc Sở LĐTB&XH Nghệ An thì một cò khác cũng trong đường dây này gọi điện cho một đồng nghiệp yêu cầu tới làm thủ tục và đóng tiền cọc 1.500 USD. Để ông Lân biết sự thật, chúng tôi đã bật loa ngoài của điện thoại cho ông Lân nghe. “Nếu là lừa đảo thì các anh nên báo với Công an tóm cổ”, ông Lân nói. Một cán bộ Công an tỉnh Nghệ An cho biết, vì chưa có nạn nhân nào làm đơn tố cáo cò lừa đảo nên công an chưa vào cuộc. Còn ông Bùi Nguyên Lân, cho biết ông đã đề nghị Công an tỉnh Nghệ An hỗ trợ về mặt an ninh trong kỳ thi tiếng Hàn sắp tới. |