Nợ BHXH, thắng kiện vẫn không dễ lấy tiền

Nợ BHXH, thắng kiện vẫn không dễ lấy tiền
TP - Hàng trăm doanh nghiệp ở Đồng Nai đang nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) đến 80 tỷ đồng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của gần 15.000 lao động. Biện pháp cuối cùng để đòi nợ là kiện ra tòa, tuy nhiên, dù thắng kiện chủ nơ không dễ lấy được tiền từ con nợ.

Theo thống kê của BHXH Đồng Nai, đến nay, cả tỉnh có 648 đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH từ 3 tháng trở lên, với số tiền trên 80 tỷ đồng. Trong số này có 131 doanh nghiệp đã giải thể, phá sản với số tiền nợ BHXH trên 72 tỷ đồng và 61 doanh nghiệp nợ BHXH 6,3 tỷ đồng và đã bỏ trốn.

Các doanh nghiệp nợ BHXH của người lao động thuộc đầy đủ các thành phần: Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân, cổ phần, doanh nghiệp nhà nước. Có những doanh nghiệp mới hoàn thành việc trả nợ bảo hiểm của người lao động năm trước lại tiếp tục phát sinh nợ mới theo kiểu gối đầu.

Theo ông Phạm Minh Thành, Phó giám đốc BHXH Đồng Nai, nguyên nhân dẫn đến tình trạng doanh nghiệp nợ BHXH là làm ăn thua lỗ dẫn đến mất khả năng thanh toán các khoản nợ, trong đó có nợ BHXH của người lao động.

Biện pháp cuối cùng để đòi nợ là kiện ra toà. Kiện là thắng, vì các doanh nghiệp đều thừa nhận nợ BHXH, nhưng lấy được tiền không dễ. Từ năm 2009 đến nay, BHXH Đồng Nai đã kiện 18 doanh nghiệp nợ BHXH ra toà đòi 17,5 tỷ đồng, nhưng cho đến nay mới thu được trên 5 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp đã bặt vô âm tín với số nợ hàng tỷ đồng. Có doanh nghiệp khi bán đấu giá tài sản, số tiền thu được chưa đủ trả ngân hàng, nên BHXH không đến lượt đòi được nợ. Như Cty Rượu M nợ trên 2,4 tỷ đồng, BHXH Đồng Nai kiện từ năm 2009 đến khi cơ quan thi hành án bán đấu giá tài sản chỉ đủ thanh toán nợ thế chấp ngân hàng.

Một con nợ khác là Cty TNHH H.L, nợ 4 tỷ đồng BHXH tại thời điểm bị kiện năm 2009 nhưng cho đến nay chưa thu được đồng nào, lại phát sinh nợ mới, tổng nợ cũ và mới lên đến 6 tỷ đồng. Cty Kwang Sung VN bị kiện đòi trên 500 triệu đồng nợ BHXH từ năm 2010. Cơ quan thi hành án bán đấu giá tài sản công ty này chỉ thu được 102 triệu đồng, không đủ để trả cho khoản vay ngân hàng 134 triệu đồng.

Ông T. là công nhân tại Cty rượu M đủ điều kiện nghỉ hưu từ năm 2009, nhưng theo BHXH Đồng Nai, do Cty còn nợ BHXH nên BHXH Đồng Nai chưa giải quyết chế độ hưu, chờ ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh. Anh Nguyễn Văn Đông, công nhân Cty Y.P đến nay vẫn chưa biết có lấy được tiền BHXH không, bởi chủ Cty đã bỏ trốn và Cty đang nợ BHXH.

Anh Trần Ngọc Hiền làm việc cho một Cty may ở KCN Tam Phước cho hay, khi doanh nghiệp phá sản, anh cùng hơn 200 công nhân Cty đi nhận bảo hiểm thất nghiệp mới hay bị Cty chiếm dụng mất 3 tháng BHXH.

Ông Phạm Minh Thành, Phó Giám đốc BHXH Đồng Nai cho biết, từ đầu năm 2011 đến nay, có 130 doanh nghiệp không hề liên hệ với BHXH để đóng bảo hiểm, làm thủ tục chốt sổ cho người lao động, dẫn đến nhiều hệ lụy cho người lao động, gây khó khăn trong công tác xử lý.

Còn ông Lâm Duy Tín, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, từ đầu năm 2011 tới nay, toàn tỉnh có 128 doanh nghiệp làm thủ tục xin giải thể. Sở đang phối hợp với các ngành chức năng rà soát lại xem có bao nhiêu doanh nghiệp còn nợ BHXH.

Ông Tín nêu thực tại: “Hầu hết doanh nghiệp đang nợ BHXH đều trong tình cảnh tài chính khó khăn. Nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm khi kiểm tra mới biết tài khoản không còn tiền, nhà xưởng đã thanh lý, hoặc là đi thuê”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG