Khẳng định chủ quyền trên Biển Đông

Khẳng định chủ quyền trên Biển Đông
TP - Sáng qua, hàng chục triệu đồng bào cả nước đã chăm chú theo dõi phiên chất vấn Thủ tướng được truyền hình trực tiếp.

> Việt Nam đòi chủ quyền Hoàng Sa bằng hòa bình

Khẳng định chủ quyền trên Biển Đông ảnh 1

Theo Thủ tướng, chúng ta phải giải quyết và khẳng định chủ quyền đối với 4 loại vấn đề trên Biển Đông. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Với phong thái tự tin, thẳng thắn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã giải đáp rõ ràng, thuyết phục những quan tâm của đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông và Luật Biểu tình.

Đòi hỏi chủ quyền bằng biện pháp hòa bình

Nhận định tình hình Biển Đông đang diễn biến phức tạp và kéo dài, ĐB Lê Bộ Lĩnh (An Giang) chất vấn về những giải pháp cụ thể Chính phủ sẽ thực hiện để bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn quán triệt đường lối đối ngoại hòa bình, hữu nghị, độc lập, tự chủ và chủ quyền quốc gia trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc vừa được ký trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Theo Thủ tướng, chúng ta phải giải quyết và khẳng định chủ quyền đối với 4 loại vấn đề trên Biển Đông.

Thứ nhất là đàm phán, phân định ranh giới vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, bởi theo Công ước Luật Biển năm 1982, thềm lục địa của nước ta có chồng lấn với đảo Hải Nam của Trung Quốc. Từ năm 2006 hai bên đã tiến hành đàm phán, nhưng năm 2009 tạm dừng vì lập trường hai bên khác xa nhau.

Đến đầu năm 2010 hai bên đã thỏa thuận đàm phán những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển và đã được ký kết nhân dịp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc vừa qua.

"Việt Nam có đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của mình. Chúng ta đã làm chủ thực sự ít nhất từ Thế kỷ XVII. Khi đó, 2 quần đảo này chưa thuộc bất kỳ quốc gia nào."

 

Thứ hai là vấn đề quần đảo Hoàng Sa. Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam có đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của mình. "Chúng ta đã làm chủ thực sự ít nhất từ Thế kỷ XVII. Khi đó, 2 quần đảo này chưa thuộc bất kỳ quốc gia nào"- Thủ tướng nói. Tuy nhiên, năm 1956 Trung Quốc đưa quân chiếm đóng các đảo phía Đông quần đảo Trường Sa. Năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa khi đó trong sự quản lý của chính quyền Việt Nam cộng hòa.

"Lập trường nhất quán của chúng ta là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, chúng ta có đủ căn cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định điều này. Nhưng chúng ta chủ trương đàm phán giải quyết đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình" - Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Thứ ba là quần đảo Trường Sa. Thủ tướng cho biết, Việt Nam là quốc gia có số đảo đang đóng giữ nhiều nhất so với các quốc gia và các bên có đòi hỏi chủ quyền ở quần đảo này. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất có cư dân đang làm ăn, sinh sống trên một số đảo đang đóng giữ với 21 hộ, 80 khẩu, trong đó có 6 khẩu đã sinh ra, lớn lên trên các đảo này.

Chủ trương của Việt Nam là yêu cầu giữ nguyên trạng, không làm phức tạp thêm, ảnh hưởng đến hòa bình ổn định ở khu vực. Thủ tướng thông báo, Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng kinh tế- xã hội và cơ sở vật chất, kỹ thuật ở những nơi chúng ta đang đóng giữ bao gồm đường, điện, trạm xá, trường học, nước... để cải thiện đời sống và tăng cường khả năng tự vệ của quân dân quần đảo Trường Sa.

Ngoài ra, Chính phủ đang yêu cầu sơ kết đánh giá lại chính sách hỗ trợ đồng bào ta khai thác thủy, hải sản, vận tải biển trong khu vực này. Khuyến khích, hỗ trợ bà con làm ăn, sinh sống, thực hiện chủ quyền trên vùng biển Trường Sa.

Thứ tư là giải quyết và khẳng định chủ quyền trên Biển Đông trong phạm vi 200 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước Luật Biển năm 1982. “Chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục khẳng định chủ quyền để quản lý ngày càng đầy đủ, hiệu quả hơn đối với vùng biển này"- Thủ tướng nói.

Luật Biểu tình đảm bảo quyền tự do, dân chủ của dân

Thủ tướng đã khẳng định như vậy khi trả lời câu hỏi của ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) về căn cứ để Chính phủ đề nghị QH đưa Luật Biểu tình vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Thủ tướng cho biết, Điều 69, Hiến pháp quy định công dân được quyền biểu tình theo pháp luật. Do vậy, cần nghiên cứu Luật Biểu tình để thực hiện Hiến pháp.

Luật Biểu tình phù hợp với Hiến pháp, đặc điểm lịch sử văn hóa, điều kiện cụ thể của Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo quyền tự do, dân chủ của người dân theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật.

 

Theo Thủ tướng, trong thực tế hiện nay có nhiều cuộc đồng bào tụ tập đông người, biểu tình để bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị với chính quyền. Nhưng do chưa có luật để điều chỉnh nên khó cho người dân khi thực hiện quyền được Hiến pháp quy định. Việc quản lý của chính quyền cũng khó và nảy sinh lúng túng. Dẫn tới, xuất hiện những biểu hiện mất an ninh trật tự, lợi dụng để kích động, xuyên tạc, ảnh hưởng tới xã hội.

Trước thực trạng này, Chính phủ đã kiến nghị với QH khóa trước và QH có công văn yêu cầu Chính phủ ban hành nghị định để quản lý, điều chỉnh hiện tượng này. Chính phủ đã ban hành Nghị định 38 nhưng hiệu lực pháp luật của nghị định thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu như Hiến pháp quy định và thực tế cuộc sống đặt ra.

"Chính phủ kiến nghị QH xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật để chúng ta có Luật Biểu tình. Luật này phù hợp với Hiến pháp, đặc điểm lịch sử văn hóa, điều kiện cụ thể của Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo quyền tự do, dân chủ của người dân theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật"- Thủ tướng khẳng định.

Đồng thời, Luật Biểu tình là căn cứ pháp lý để ngăn chặn những việc làm, hành vi xâm hại đến an ninh trật tự, lợi ích của xã hội và nhân dân.

Trân trọng hoạt động của những người yêu nước thực sự

Trả lời câu hỏi của ĐB Lê Bộ Lĩnh về chủ trương, quan điểm của Chính phủ đối với việc người dân biểu thị lòng yêu nước và chủ quyền, Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn trân trọng, biểu dương, khen thưởng xứng đáng đối với hoạt động, việc làm của mọi người dân thật sự vì mục tiêu yêu nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia. "Những hoạt động vì mục tiêu đó đều được trân trọng, hoan nghênh, khuyến khích, biểu dương, khen thưởng thích đáng"- Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, chúng ta không hoan nghênh và sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật những hoạt động, hành vi lợi dụng danh nghĩa lòng yêu nước, bảo vệ chủ quyền để gây phương hại cho đất nước, xã hội. "Tôi nghĩ với chủ trương nhất quán như thế thì đồng chí, đồng bào chúng ta sẽ ủng hộ"- Thủ tướng bày tỏ.

Do thời gian không còn, nên Thủ tướng chỉ trả lời thêm câu hỏi của ĐB Lê Hồng Tịnh (Hậu Giang) về công tác quản lý khai khác khoáng sản. Những câu hỏi còn lại, Thủ tướng cho biết sẽ trả lời bằng văn bản và công bố phần trả lời trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Nhạc, phim mùa giáng sinh: 'Món' cũ vẫn đắt hàng
Nhạc, phim mùa giáng sinh: 'Món' cũ vẫn đắt hàng
TP - Mùa giáng sinh rộn ràng khắp phố phường với những cây thông được trang hoàng rực rỡ, tuy nhìn vào “thực đơn” món ăn tinh thần vẫn loanh quanh những sản phẩm nhuốm màu năm tháng. Từ phim ảnh đến âm nhạc đều mang màu sắc hoài niệm.