SOS cuộc chiến giữ thương hiệu:
Hết cà phê lại đến nước mắm
> Vì sao Việt Nam mất hai thương hiệu cà phê nổi tiếng?
Nguy cơ mất thương hiệu Nước mắm Phú Quốc
Cty Việt Hương, địa chỉ tại “28 Hoi Wah Road, Tuen Mun, NT, Hong Kong” vừa nộp đơn tại Trung Quốc đăng ký yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu Phú Quốc cho nhóm hàng số 30, trong đó có nước mắm và các sản phẩm tương tự. Logo của nhãn hiệu có hình con cá cơm đang bơi qua bản đồ Việt Nam, với mũi tên định hướng huyện đảo
Phú Quốc.
Điều 30 Luật nhãn hiệu Trung Quốc quy định: “Bất kỳ người nào, trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày công bố đơn, có quyền nộp đơn phản đối một hồ sơ đăng ký nhãn hiệu, mà trong quá trình xét nghiệm theo luật đã được phê duyệt sơ bộ. Nếu không có phản đối nào được nộp trong thời hạn quy định nêu trên thì việc cấp đăng ký bảo hộ sẽ được thông qua và giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đó sẽ được cấp và công bố”.
Như vậy, nếu các cơ quan quản lý của Việt Nam không phản đối việc đề nghị sở hữu độc quyền thương hiệu Phú Quốc tại Trung Quốc của Cty Việt Hương, vụ việc này có thể sẽ tái diễn như vụ thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột bị Cty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee (văn phòng tại tỉnh Quảng Đông) đăng ký độc quyền nhãn hiệu thời hạn 10 năm hoặc như địa danh Dak Lak bị Cty Itm Entreprises (Pháp) đăng ký độc quyền sở hữu theo hệ thống Madrid trên phạm vi toàn cầu. Nếu chuyện đó xảy ra, rất dễ dẫn đến khả năng chủ nhân thương hiệu Nước mắm Phú Quốc sẽ mất quyền xuất khẩu nước mắm qua Trung Quốc.
Luật sư Lê Quang Vinh, người có công phát hiện ra vụ thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột và địa danh Đăk Lăk bị chiếm đoạt, vừa từ Đăk Lăk trở về theo lời mời tư vấn của lãnh đạo tỉnh, đã phát hiện trường hợp tương tự với Nước mắm Phú Quốc và gửi công văn thông báo cho Hội Nước mắm Phú Quốc. Theo luật sư Vinh, Cty Việt Hương ở Hồng Kông rất có thể là một Cty con của doanh nghiệp đang sở hữu nhãn hiệu Phú Quốc tại Mỹ, Úc và EU dưới tên Viet Huong Fishsauce Company, trụ sở đặt tại bang California, Hoa Kỳ.
Chưa quan tâm đúng mức
Phú Quốc - đảo lớn ở phía tây nam tỉnh Kiên Giang, là chỉ dẫn địa lý đầu tiên được bảo hộ ở Việt Nam. Hiện sản lượng nước mắm của hàng trăm cơ sở sản xuất tại Phú Quốc đạt tới gần 20 triệu lít/năm.
Từ năm 2001, Cục Sở hữu Trí tuệ đã công nhận tên gọi xuất xứ nước mắm Phú Quốc và đến năm 2005, Bộ Thuỷ sản đã ban hành Quy định tạm thời về sản xuất nước mắm mang tên gọi xuất xứ Phú Quốc. Ngày
18-4-2005, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã có văn bản chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Bộ Thuỷ sản sớm ban hành quy chế kiểm soát, chứng nhận nước mắm mang tên gọi xuất xứ Phú Quốc và đăng ký tên gọi này tại thị trường châu Âu, để bảo vệ thương hiệu nước mắm Phú Quốc khỏi tình trạng đến tay người tiêu dùng khắp thế giới dưới lớp vỏ “Made in Thailand”...
Tuy nhiên, dù đăng bạ chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc có hiệu lực từ năm 2001, nhưng tới năm 2008, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang mới ban hành quy định về quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý Phú Quốc đối với sản phẩm nước mắm. Sau đó, Hiệp hội nước mắm Phú Quốc mới triển khai vẽ mẫu logo, đăng ký nhãn hiệu độc quyền, xây dựng quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu. Tương tự, Cà phê Buôn Ma Thuột được bảo hộ chỉ dẫn địa lý từ năm 2005, sản lượng xuất khẩu hàng năm khoảng 400.000 tấn, đem lại nguồn ngoại tệ khoảng 600 triệu USD/năm cho tỉnh Đăk Lăk, song tới nay mới có 8 doanh nghiệp được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho hơn 26 nghìn tấn hàng…
Chiều 19-9, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lương Thanh Hải, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang, cho biết: Tại Kiên Giang hiện có 64 trên tổng số hàng trăm cơ sở sản xuất nước mắm được cấp quyền sở hữu chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc. Lâu nay, nước mắm Phú Quốc mua bán thuận lợi, không bị cản trở gì nên Sở cũng không mấy quan tâm đến việc doanh nghiệp nước ngoài nào đó mưu toan giành quyền kiểm soát thương hiệu này trên nước họ.
Còn ông Phạm Văn Dũng, Trưởng phòng Sở hữu Trí tuệ thuộc Sở xác nhận: Từ năm 2008 Kiên Giang đã tiến hành làm thủ tục đề nghị công nhận chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc trên phạm vi châu Âu. PV hỏi “vì sao chỉ là châu Âu mà không trên phạm vi toàn cầu”, ông Dũng nói: Làm được phạm vi châu Âu là quý rồi, nhờ có doanh nghiệp tài trợ. Chứ bảo hộ trên toàn cầu thì tốn nhiều tiền lắm, tỉnh chưa dành nguồn ngân sách cho việc này(!).