Liệu có đánh trống bỏ dùi?

Liệu có đánh trống bỏ dùi?
TP - Tuy đã ba lần thất bại, hôm nay TP Hà Nội vẫn tiếp tục thực hiện phân làn trên một số tuyến phố. Nhiều chuyên gia cảnh báo, đây là việc làm thiếu thực tế và nhiều khả năng sẽ lại thất bại.

Hôm nay, Hà Nội phân làn 5 tuyến phố:

Liệu có đánh trống bỏ dùi?

> Ngày 20-9, Hà Nội phân làn 5 tuyến phố

Theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, từ sáng nay, liên ngành công an - GTVT sẽ thực hiện phân làn trên 5 tuyến phố trung tâm là Kim Mã, Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, Giải Phóng, Bà Triệu và Phố Huế- Hàng Bài. Cụ thể, trên các tuyến phố trên phải tách bằng được các dòng phương tiện ô tô, xe máy đi theo làn riêng. “Để giảm ùn tắc và tránh xung đột giữa các dòng phương tiện trên các tuyến phố, đây là việc cần phải làm và thực hiện nghiêm túc”, ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói trong cuộc họp mới đây về việc triển khai kế hoạch này.

Ông Khôi cũng yêu cầu, tại các tuyến phố thực hiện phân làn, Sở GTVT có nhiệm vụ bố trí, sắp xếp lại các điểm đỗ phương tiện dưới đường, trên hè, dứt khoát dưới đường không cấp phép cho đỗ ô tô. Các phương tiện vi phạm dừng đỗ trong thời gian thực hiện phân làn sẽ được đưa về trụ sở công an để xử lý theo Nghị định 34.

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều qua, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, kế hoạch phân làn sẽ được thực hiện theo từng bước. Cụ thể, trong ngày hôm nay (20-9) các tuyến phố Huế - Hàng Bài và Bà Triệu sẽ được thực hiện trước, các tuyến phố còn lại sẽ triển khai trong những ngày sau đó. “Chọn tuyến phố Huế - Hàng Bài, Bà Triệu triển khai trước là vì 2 tuyến phố này đã cơ bản xong việc dựng các biển báo, vạch kẻ đường” - ông Tân nói.

Theo khảo sát của PV Tiền Phong, đến 17 giờ chiều qua, việc dựng biển báo, kẻ làn đường trên 2 tuyến phố Huế - Hàng Bài và Bà Triệu đã hoàn tất. Tại các tuyến phố còn lại như Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, Giải Phóng, Kim Mã hầu hết vạch kẻ đường vẫn chưa xong, tuyến Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt còn nhiều điểm trông giữ xe ô tô dưới lòng đường vẫn hoạt động, nhất là đoạn trước các số nhà 408 - 410 và 420 - 450...

Vết xe đổ

Ủng hộ việc chống ùn tắc cho giao thông Thủ đô, nhưng nhiều chuyên gia lại cho rằng, giải pháp phân làn trên là thiếu thực tế. Theo các chuyên gia này, từ năm 2003 đến nay, Hà Nội đã từng 3 lần phân làn trên nhiều tuyến phố, ra quân, đầu tư bài bản, và tốn khá nhiều tiền nhưng cuối cùng vẫn thất bại. Cụ thể, năm 2003, Hà Nội thực hiện phân làn giao thông trên tuyến Kim Mã; năm 2006 tuyến Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt; năm 2009 tuyến Giải Phóng... nhưng đến nay tất cả các tuyến phố này đều trở lại như trước khi phân làn.

Theo thạc sỹ Vũ Đình Hiền, Phó trưởng bộ môn đường bộ, ĐH GTVT phân làn chỉ có thể tổ chức được khi mặt cắt đường đủ rộng cho các phương tiện lưu thông trôi chảy và không gặp trở ngại. “Với lượng phương tiện trên đường 80% là xe máy, thực tế hiện nay khi ùn tắc xe máy còn leo lên cả vỉa hè huống hồ là làn đường dành cho xe khác”, ông Hiền nói.

Cũng theo ông Hiền, xe máy tuy đi lại khá hỗn loạn nhưng lại có khả năng thông đường cao, nếu giờ quy định phân làn để xe nào về làn xe ấy sẽ nảy sinh sự mâu thuẫn. Cụ thể, lượng ô tô trong giờ cao điểm không nhiều nhưng xe máy lại không được sử dụng phần đường đó nên trên cùng một tuyến đường có nơi trống trải, nơi chen chúc phương tiện. Và khi không có lực lượng chức năng, xe máy lúc này sẽ lưu thông theo kiểu xem đường có đi được hay không chứ không ai để ý là đường có được đi hay không. Việc 3 lần tổ chức phân làn trên các tuyến Đại Cồ Việt, Kim Mã, Giải Phóng vừa qua thất bại đã chứng minh điều đó.

Tiến sỹ Khuất Việt Hùng, Phó Viện trưởng Quy hoạch và Quản lý Giao thông vận tải cũng cho rằng, ngoài vấn đề cơ sở hạ tầng, hầu hết lối ra vào các gia đình, cửa hiệu kinh doanh đều kết nối trực tiếp với mặt phố. Nếu phân làn cũng không thể ngăn được việc ô tô lấn làn, bịt đường của xe máy khi rẽ vào các gia đình hoặc trung tâm mua bán. Vì vậy theo ông Hùng, việc tổ chức phân làn ở các tuyến nội đô là thiếu thực tế và chắc chắn sẽ có kết cục như 3 lần trước.

Theo ông Hùng, thay vì tổ chức phân làn, để chống ùn tắc việc cơ quan chức năng cần làm ngay lúc này là đưa ra các biện pháp hạn chế xe cá nhân, tổ chức lại quy hoạch. Phân làn chỉ nên thực hiện tại các tuyến đường vành đai, trục hướng tâm.

Ô tô đi sai làn bị phạt đến 1,4 triệu đồng

Theo Nghị định 34, nếu đi không đúng phần đường, làn đường quy định, người điều khiển ôtô bị phạt 1-1,4 triệu đồng; người đi môtô, xe máy, xe thô sơ bị phạt 100.000-200.000 đồng. Công chức, viên chức vi phạm sẽ bị gửi danh sách về nơi công tác, để đánh giá thi đua hằng năm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Điểm lại những chuyên án ma túy lớn do Bộ Công an triệt phá năm 2024
Điểm lại những chuyên án ma túy lớn do Bộ Công an triệt phá năm 2024
TPO - Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an với quan điểm, phương châm “không chỉ đánh khúc giữa”, bắt giữ toàn bộ đường dây, tổ chức tội phạm ma túy, đối tượng chủ mưu cầm đầu, trong năm 2024, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã đấu tranh thành công nhiều chuyên án và thu giữ lượng lớn ma túy, thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng nghỉ trong cuộc chiến chống lại tội phạm.