Đề án thu phí bảo trì đường bộ:
Không nên thu qua xăng dầu
> Thu quỹ bảo trì đường bộ: Gần 2,2 triệu đồng/xe con/năm
> Ôtô có thể phải chịu 4 lần phí
Theo Đề án Quỹ bảo trì đường bộ (QBTĐB) vừa được hoàn thiện, Bộ GTVT kiến nghị 2 phương án để thu phí bảo trì đường bộ. Phương án 1: QBTĐB sẽ huy động từ nguồn thu qua đầu phương tiện giao thông, gồm cả ôtô, xe máy, cộng với nguồn ngân sách Nhà nước cấp thêm. Phương án 2: QBTĐB được hình thành qua 3 nguồn thu chủ yếu: thu qua đầu phương tiện (chỉ thu ôtô), thu qua phí xăng dầu và Ngân sách Nhà nước cấp thêm.
Tổng cục Đường bộ - Bộ GTVT (cơ quan xây dựng đề án) cho biết, với các phương án trên, hằng năm sẽ huy động được nguồn thu cho quỹ duy tu, sửa chữa đường bộ. Theo tính toán, trong những năm đầu nguồn thu sẽ đáp ứng được 70% nhu cầu vốn; sau khoảng 5 năm hoạt động tổng nguồn thu sẽ đáp ứng cơ bản vốn cho QBTĐB và nhà nước không phải đầu tư cho quỹ này nữa. Trung bình mỗi năm nhà nước giải ngân cho quỹ duy tu cầu đường khoảng 2.500 tỷ đồng trên 17.000 km QL, con số này mới đáp ứng được một nửa con số đề nghị. “Các nước trên thế giới đã áp dụng quỹ này từ nhiều năm nay, nước ta bây giờ áp dụng là hợp lý, nhất là trong bối cảnh cầu đường đang rất cần vốn để duy tu, sửa chữa”, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ nói.
Cũng theo ông Quyền, khi triển khai QBTĐB không chỉ QL mà đường của địa phương cũng được hưởng quỹ này. Vì đề án xác định, đường của T.Ư hay địa phương quản lý cũng là một hệ thống giao thông xuyên suốt. Cùng với đó, sau khi phương án được triển khai, các trạm thu phí của nhà nước trên QL sẽ được xóa bỏ, riêng các trạm theo hình thức BT, BOT sẽ hoạt động cho đến hết hợp đồng.
Có phí chồng phí?
Tuy nhất trí với chủ trương xây dựng QBTĐB, nhưng nhiều chuyên gia vận tải cho rằng, cách thu trên vẫn chưa bao quát được hết, thậm chí còn xảy ra tình trạng phí chồng phí, đặc biệt với phương án 2.
Theo Hiệp hội Vận tải ô tô Viêt Nam, qua giá xăng dầu hiện mỗi người dân đang phải đóng hai loại phí: phí bình ổn và phí xăng dầu. Nếu tiếp tục đóng phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu, người dân sẽ phải đóng tới 3 loại phí, trong đó có 2 loại phí trùng nhau. Cụ thể, phí xăng dầu mỗi người dân đang phải đóng hằng ngày thực chất là phí giao thông.
“Trước đây, khi mới ra đời phí xăng dầu có tên là phí giao thông, tuy nhiên do lúng túng giữa việc phương tiện đi đường và phương tiện không đi đường nên sau một thời gian cơ quan chức năng đã đổi tên thành phí xăng dầu như hiện nay. Nếu bây giờ tiếp tục thu quỹ bảo trì đường bộ qua giá xăng dầu sẽ xảy ra tình trạng phí chồng phí”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhấn mạnh.
Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng cho rằng, nếu muốn thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu, cơ quan chức năng cần làm rõ phí xăng dầu người dân đang đóng hiện nay được sử dụng vào mục đích gì, số tiền thu được lâu nay là bao nhiêu.
Với phương án thu qua đầu phương tiện (phương án 1) tuy khả thi hơn, nhưng theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, phương án này vẫn xảy ra tình trạng phí chồng phí khi người dân đi qua các trạm thu phí BT và BOT vẫn phải mất tiền. “Cùng với đó, việc thu phí bình quân trên đầu phương tiện sẽ thiếu đi sự công bằng khi xe tham gia giao thông ít cũng phải đóng như xe tham gia giao thông nhiều”, ông Hùng nói.
Trong cuộc họp liên bộ GTVT - Tài chính - Tư pháp để chuẩn bị trình phương án lên Thủ tướng Chính phủ vào giữa tuần qua, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, để tránh phí chồng phí, Bộ GTVT cần nghiên cứu lại phương án thu qua giá xăng dầu. Với phương án thu qua đầu phương tiện, Bộ GTVT cũng cần làm rõ các căn cứ để tính toán nhu cầu vốn cho việc sửa chữa đường bộ. Cùng với đó, công tác thu phí QBTĐB dứt khoát không được làm tăng bộ máy.
Dự kiến cuối tháng 10, đề án QBTĐB sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ để tháng 7-2012 chính thức đi vào hoạt động. Theo Tổng cục Đường bộ, với mức thu 1,9 triệu đồng/năm với ô tô từ 9 chỗ trở xuống, xe tải dưới 2,5 tấn và xe máy từ 80 - 100 nghìn đồng/năm..., theo tính toán mỗi năm QBTĐB sẽ có khoảng 6.000 tỷ đồng. Cộng với nguồn vốn hằng năm của nhà nước (khoảng 2.500 tỷ đồng), sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu duy tu cầu đường. |