Cơ hội & thách thức

Kinh tế nước ta vẫn còn dựa nhiều vào lợi thế công nhân rẻ
Kinh tế nước ta vẫn còn dựa nhiều vào lợi thế công nhân rẻ
TP - Dịp 2-9 năm nay là tròn 66 năm nước ta giành được độc lập sau “một ngàn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây”. Cũng đã 36 năm kể từ khi nước nhà thống nhất, giang sơn thu về một mối.

> Giải bài toán phát triển bền vững

Kinh tế nước ta vẫn còn dựa nhiều vào lợi thế công nhân rẻ
Kinh tế nước ta vẫn còn dựa nhiều vào lợi thế công nhân rẻ.
 

Trong 36 năm ấy, nước ta, từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu đã có những bước phát triển đáng kể: từ chỗ thiếu cái ăn triền miên, giờ đây đã trở thành một trong những nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới, GDP đầu người đã đạt con số 1.000 USD, bước vào hàng ngũ những nước có thu nhập trung bình trên thế giới, vị thế đất nước trên trường quốc tế cũng thay đổi đáng kể.

Trong giai đoạn mới, giai đoạn hòa bình và phát triển đất nước, bối cảnh thế giới và trong nước tiếp tục tạo ra những cơ hội và đi kèm là những thách thức mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Không phải chỉ lúc loạn lạc, chiến tranh, người ta mới nghĩ đến sự độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, phát triển cường thịnh. Những xoay chuyển địa-chính trị, cán cân các lực lượng trên thế giới đang buộc mỗi người Việt phải suy nghĩ về hai chữ “độc lập” với những ý niệm có thể là hoàn toàn mới.

Kinh nghiệm của ông cha, cùng thực tế lịch sự cận- hiện đại cho thấy, Việt Nam, để giành và giữ được độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, ung dung tự tại trên con đường phát triển, không thể và không nên chỉ dựa vào sức mạnh từ bên ngoài. Rất nhiều học giả đã cho rằng, chỉ khi bản thân tạo được sức mạnh nội sinh, chúng ta mới có đủ dũng khí và tư thế đàng hoàng trong hành xử với thế giới.

Có thể khái quát sức mạnh nội sinh ấy bằng ba yếu tố: kinh tế, văn hóa và niềm tin của xã hội. Một quốc gia thực sự có nội lực phải là quốc gia mạnh về kinh tế, có bề dày văn hóa-lịch sử và sự đồng lòng, sự tin tưởng của cộng đồng về tương lai dân tộc.

Xét trên ba yếu tố ấy, chúng ta vừa có cơ hội, vừa đang phải đối mặt với một số nguy cơ.

Nền kinh tế “gia công”

Về kinh tế, Việt Nam đã thoát ra khỏi nhóm nước nghèo, dân số trẻ và năng động, tình hình chính trị- xã hội ổn định. Việt Nam nằm ở vị trí “mặt tiền”, là cửa ngõ giao thương quốc tế và khu vực. Nước ta cũng có thuận lợi về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng cho phát triển nông nghiệp và đang có đầy đủ cơ hội trở thành một trong những “nồi cơm của thế giới”.

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam đã thực sự “độc lập, tự chủ” chưa? Chúng ta có cơ may nào vượt lên cái bẫy “thu nhập trung bình” mà nhiều học giả đang đề cập? Hiện tại, nền kinh tế vẫn đang trong quá trình chuyển đổi, tỷ trọng, cơ cấu kinh tế vẫn còn nhiều vấn đề. Việt Nam vẫn thiên về xuất khẩu thô, làm gia công, chưa thoát khỏi tình trạng lạm dụng ưu thế nhân công rẻ.

Với thực tế ấy, hiệu quả, hiệu suất của nền kinh tế còn thấp trong khi tài nguyên thiên nhiên, lẽ ra cần được “để dành” cho mai sau lại đang bị khai thác quá mức, môi sinh, môi trường đang bị hủy hoại nghiêm trọng. Bẫy thu nhập trung bình đang giăng ra.

Chúng ta có biết những nguy cơ ấy không? Chắc chắn có. Nhưng giải quyết cũng chắc chắn không đơn giản. Hãy nhìn qua thực trạng một số ngành công nghiệp được cho là tiêu biểu, đóng góp ngân sách tính bằng “tỷ đô” của Việt Nam. Ví dụ, dệt may.

Ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 20%/năm, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nhưng hiện nay gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài: 70% nguyên phụ liệu dệt may phải nhập khẩu.

Giá trị thu về từ xuất khẩu dệt may là rất thấp, bởi dệt may Việt Nam chủ yếu là gia công cho nhà nhập khẩu nước ngoài. Nền kinh tế dựa trên nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu và chỉ thuần túy gia công luôn tạo ra nguy cơ nhập siêu cao, luôn bị động trong các kế hoạch, thường trực sự mất ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong một khảo sát gần đây tại 13 khu chế xuất, khu công nghiệp ở TPHCM, nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trong những năm tới hầu hết đều là lao động phổ thông. Điều đó cho thấy khả năng nền kinh tế Việt Nam sẽ phải mất rất nhiều thời gian để có thể chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giảm gia công, tăng giá trị chất xám trong sản phẩm. Đó là chưa kể, sự chuyển đổi ấy, nếu thành công, còn dựa trên giả định nhà nước có chính sách đúng đắn, lợi ích nhóm đã bị lợi ích quốc gia lấn át.

Trong bối cảnh ấy, thương hiệu quốc gia, thương hiệu của những “đại gia” Việt Nam trên toàn cầu vẫn còn là điều gì xa tầm với.

Chỉ khi thực sự mạnh, chúng ta mới thoát khỏi tình trạng nhược tiểu, bị nước lớn mang ra mặc cả
Chỉ khi thực sự mạnh, chúng ta mới thoát khỏi tình trạng nhược tiểu, bị nước lớn mang ra mặc cả.
 

Bản sắc đang mai một

Nếu không phải là một nhà nghiên cứu văn hóa, bất cứ ai trong chúng ta cũng sẽ lúng túng nếu được hỏi: Cuối cùng thì bản sắc văn hóa là gì? Thật khó để đưa ra định nghĩa. Cứ tạm gọi bản sắc văn hóa Việt Nam là “thứ khiến chúng ta được công nhận, thứ làm chúng ta là chúng ta, không giống với ai khác”.

Xét theo tiêu chí ấy, có vẻ người Việt ta chưa có bản sắc, hay bản sắc ấy đang nhạt nhòa, lai tạp, dù “văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển”. Trong quá trình hội nhập với thế giới, chúng ta đã tiếp thu nhiều nét văn hóa, lối sống, cách suy nghĩ mới, xã hội ngày càng văn minh, hiện đại, cởi mở hơn.

Nhưng như một đứa trẻ mới lớn, lần đầu ra thành phố trong khi chưa trang bị đủ nền tảng kiến thức, sự tiếp thu những khía cạnh của văn minh đô thị như ngôn ngữ, nghệ thuật, lối sống đã diễn ra ồ ạt. Nếu nói thiếu chọn lọc thì chưa hẳn. Bất cứ một quốc gia nào trong quá trình hội nhập cũng phải đối mặt với trào lưu ấy, nhưng bản sắc văn hóa, cốt cách, khí phách dân tộc luôn là thứ vaccine mạnh mẽ, giúp chúng ta đối phó với những thứ “rác rưởi của thành phố”.

Nhưng hãy thử nhìn qua một vài lát cắt của văn hóa Việt hiện đại. Không thể phủ nhận sự du nhập đã làm phong phú thêm kho tàng văn hóa, nhưng vấn đề là ở cách tiếp nhận. Chúng ta du nhập ngôn ngữ phương Tây nhưng lại quên đi sự nâng niu, trau dồi ngôn ngữ mẹ đẻ.

Giới trẻ thích “hi” thay vì xin chào, thích nói “OK”, “cần-phơm” (confirm) hơn là dùng từ tương đương tiếng Việt. Khách du lịch nước ngoài, khi đến Việt Nam sẵn lòng học để nói “xin chào”, “cám ơn” với chúng ta những người Việt ta cứ thích “hello”, “thank you” lại với họ để tỏ ra ta sành điệu.

Một cửa hàng bán đồ cho người sắp làm mẹ, chắc chắn rất ít khả năng có khách nước ngoài lai vãng những trương cái biển to đùng “Mummy -to-be”, thay vì một biển hiệu chữ Việt. Chắc chắn 99% khách hàng của họ không thể hiểu nghĩa “mummy-to-be” là sao. Một cuộc thi của sinh viên đã giữa chừng đổi tên sự kiện thành “Facelook” thay vì “Đi tìm gương mặt trang bìa” như ban đầu, chắc để ăn theo mạng Facebook?

Tiếng Tây khắp nơi nhưng điều đó không có nghĩa người Việt ta giỏi ngoại ngữ: gần 52% sinh viên ra trường không nói được tiếng Anh ở mức tối thiểu, chính xác hơn là không thể sử dụng tiếng Anh trong công việc. Sinh viên chuyên ngữ vẫn gặp khó khăn, thiếu tự tin khi giao tiếp với người nước ngoài.

Ngôn ngữ đã vậy, phim ảnh, nghệ thuật cũng không ngoại lệ, tức là không vượt lên được sự lai tạp, a dua. Dịch phim cổ trang Hàn Quốc (chứ không phải Trung Quốc) mà vẫn “huynh, muội, ca ca” tràn lan trong khi tiếng Việt ta đâu có thiếu từ tương đương. Làm phim dã sử Việt Nam mà khán giả ngỡ là phim chưởng bộ Trung Quốc.

Có thể có giải thích nào khác về những hiện tượng này, nếu không muốn nói đó là sự yếu kém về ý thức giữ gìn bản sắc, sự tự tôn dân tộc?

Để khắc phục những yếu kém, tồn tại, để đất nước mạnh lên, để có được một nước Việt Nam thực sự cường thịnh và tự chủ, chắc chắn chúng ta phải khắc phục những tồn tại về kinh tế, duy trì và làm đậm đà bản sắc dân tộc. Muốn có được hai điều ấy, điều tiên quyết là niềm tin của xã hội phải được củng cố. Khi mỗi người dân nước Việt tin vào tương lai của đất nước, tự hào về truyền thống hào hùng của dân tộc và biến niềm tin, sự tự hào ấy thành những việc cụ thể.

Hãy yêu nước không chỉ bằng lời nói suông, mà bằng hành động tôn trọng luật pháp, gạt bỏ những vị kỷ nhỏ nhen, những thói hư tật xấu, những hư vinh phù phiếm. Hãy yêu nước đơn giản bằng cách ủng hộ và dùng hàng Việt Nam, hãy nghĩ rằng cộng đồng Việt Nam giàu mạnh lên là có ta trong đó.

Và khi bộ máy xã hội thực sự được vận hành với kim chỉ nam là lợi ích dân tộc, chắc chắn niềm tin về một nước Việt tươi sáng hơn sẽ mạnh lên. Niềm tin ấy chính là sức mạnh nội sinh, có thể vượt qua bất kỳ khó khăn nào, chiến thắng bất kỳ kẻ thù nào.

Phương Tây có câu nói rất hay: “tự do không phải tự nhiên mà có" (Freedom is not free). Chỉ khi thực sự nỗ lực, thực sự mạnh, chúng ta mới thoát khỏi tình trạng nhược tiểu, trở thành thứ bị nước lớn mang ra mặc cả. Chúng ta quyết giữ quyền tự quyết vận mạng của mình, không thể khác.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.