> Hoàn thành 17 đồ án quy hoạch Hà Nội trong năm 2011
Những khu chung cư cũ nhếch nhác xen kẽ với nhiều khu cao tầng của dự án mới ở Hà Nội. Ảnh: Xuân Phú . |
Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng so với tốc độ phát triển đô thị mới thì đô thị cũ, khu vực lõi của Hà Nội gần như đang dậm chân tại chỗ?
Đây là nghịch lý cần quan tâm. Ngay từ năm 1998, dân số Hà Nội là 96 vạn, quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt đã yêu cầu dân số đô thị lõi chỉ là 80 vạn dân vào năm 2020. Bây giờ dân số đã tăng lên tới hơn 1,4 triệu người. Trong Quy hoạch chung vừa được phê duyệt Chính phủ tiếp tục yêu cầu giảm dân số khu vực trung tâm, tăng dân số tại các đô thị vệ tinh. Nhưng câu hỏi đặt ra là đô thị vệ tinh có đủ sức hấp dẫn hay không?
Từ năm 1998, quận Hoàn Kiếm đã có đề xuất giãn dân phố cổ, nhưng đến nay vẫn chưa làm được bao nhiêu. Tức là cơ quan chức năng không quyết liệt trong chỉ đạo dãn dân, thỉnh thoảng cứ động đậy một tý rồi lại thôi. Ì ạch lớn thứ hai đó là cải tạo chung cư cũ. Hàng trăm khu chung cư cũ xây dựng từ những năm 1960, 1970 đến nay đã xuống cấp rất nặng nhưng chưa biết khi nào được cải tạo.
Nhiều làng xóm cũ đang nằm trong nội đô bao nhiêu năm chưa được quan tâm, thiếu quy chế, hướng dẫn quản lý. Di dời nhà máy gây ô nhiễm, các trường đại học...ra ngoài vẫn rất chậm. Hà Nội chưa nhận diện đầy đủ giá trị di sản để bảo tồn thích hợp; thiếu các quy định quản lý theo quy hoạch, kiến trúc đô thị cho từng khu vực; chưa phát huy được vai trò cộng đồng, tổ chức xã hội trong kêu gọi đầu tư...
KTS Đào Ngọc Nghiêm. |
Hà Nội đang cụ thể hóa Quy hoạch chung, ông có kiến nghị gì để đô thị lõi được tốt hơn?
Có nhiều việc cần làm nhưng nên có lựa chọn ưu tiên. Trước mắt phải rà soát các dự án, đồ án quy hoạch các khu đặc trưng như quy hoạch phố cổ, hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, Cổ Loa... Đẩy mạnh nghiên cứu, nhận diện các khu đặc trưng, các điểm di tích để bảo tồn. Nhất là các di sản văn hoá thế giới như trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, Lễ hội Gióng, khu vực Văn Miếu, các di tích đặc biệt như Đường Lâm, Cổ Loa.
Đổi mới mạnh trong quản lý đô thị cũ, nâng cao năng lực và phân cấp. Cải tạo đô thị lõi đã được đặt ra trong Quy hoạch chung. Không thể cứng nhắc áp dụng công thức bài bản trong khu đô thị lõi mà phải vận dụng linh hoạt. Mâu thuẫn giữa phát triển mới với cải tạo đô thị cũ đang tăng cao.
Phải biết chọn dự án ưu tiên, liệu có nên đầu tư quá nhiều tiền để mở một con đường mới trong nội thành hay là chỉ nên cải tạo lại và dành tiền đó để mở rộng những khu vùng ven để “hút” dân ra.
Ông có thể nói rõ hơn về giải pháp thực hiện?
Cần phân loại việc giãn dân để có cơ chế thích hợp như những hộ bắt buộc phải di dân khi nằm trong khu vực di tích; trường hợp điều kiện sống không đảm bảo thì phải có cơ chế khuyến khích. Ngoài di tích ra, cần tổ chức không gian phố cổ.
Hà Nội đã rất chậm trong đánh giá, công nhận nhà cổ trong khi Đường Lâm tỉnh Hà Tây cũ đã có danh sách nhà cổ cần bảo tồn! Khi giãn dân, không những phải có nhà mới mà phải tạo điều kiện cho người dân có cuộc sống tốt hơn.
Trong cải tạo chung cư cũ, không nên đặt “hài hoà quyền lợi nhà đầu tư, nhà nước và người dân” chỉ bó hẹp trong chính khu chung cư cũ ấy. Mà cần cân đối quyền lợi của các bên trong phạm vi rộng hơn. Nếu vì quyền lợi của nhà đầu tư mà tăng chiều cao, mật độ lên thì lại phải đối đầu với ách tắc giao thông, hạ tầng.
Cảm ơn ông.
Minh Tuấn thực hiện