Khuẩn E.coli mới vẫn có thể vào Việt Nam

Bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp trong vụ dịch tả năm 2010 Ảnh: Thái Hà
Bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp trong vụ dịch tả năm 2010 Ảnh: Thái Hà
TP - Vi khuẩn E.coli mới có độc lực mạnh và nguy hiểm ở châu Âu đang khiến cả thế giới lo ngại. Ngành Y tế Việt Nam nhận định không loại trừ khả năng vi khuẩn này lây sang Việt Nam.

> Bọn khủng bố gieo rắc dịch bệnh E.coli ở châu Âu?

Bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp trong vụ dịch tả năm 2010 Ảnh: Thái Hà
Bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp trong vụ dịch tả năm 2010. Ảnh: Thái Hà.
 

GS.TSKH Phùng Đắc Cam, Trung tâm Phòng chống bệnh châu Âu, một chuyên gia hàng đầu về vi khuẩn gây đường ruột tại Việt Nam, cho biết đây là loại E.coli EHEC 0104 gây tiêu chảy kèm theo viêm đại tràng xuất huyết và hội chứng tan máu, sốc và tỷ lệ tử vong cao.

Vi khuẩn E.coli EHEC 0104 đang gây ổ dịch tiêu chảy nghiêm trọng ở nhiều nước châu Âu được coi là một chủng hoàn toàn mới, có độc lực mạnh và nguy hiểm hơn rất nhiều so với những chủng cũ. Đây cũng là loài E.coli độc nhất trong 5 loài E.coli.

Theo nghiên cứu, loài E.coli này không chỉ gây tiêu chảy mà còn sinh ra các độc tố gây xuất huyết đường ruột, hội chứng tan máu – ure huyết cao (HUS), suy thận. Khoảng 80% bệnh nhân sẽ sốc và tử vong nếu ở giai đoạn hội chứng HUS.

Hiện chưa tìm thấy khuẩn này tại Việt Nam. Khi nhiễm bệnh, người bệnh có thể có biểu hiện một trong 3 hình ảnh lâm sàng là tiêu chảy phân không có máu, viêm đại tràng xuất huyết và hội chứng HUS.

Bệnh diễn biến rất nhanh, sau 2-3 ngày, bệnh nhân đã có thể đi ngoài ra máu, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhanh chóng dẫn tới suy thận, sốc và tử vong. Hiện nay, thuốc để điều trị là loại rất mới Eculizumab giúp tăng cường miễn dịch.

Xâm nhập qua khách du lịch

GS.TSKH Phùng Đắc Cam khẳng định, EHEC lây truyền qua đường thực phẩm, qua nguồn nước hoặc trực tiếp từ người này sang người khác. Tuy nhiên, cơ chế lây truyền từ người sang người rất ít, chủ yếu là do ngoại cảnh, ăn uống phải nguồn thực phẩm, nguồn nước bị nhiễm bẩn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn nhận định, mặc dù Việt Nam chưa tìm thấy chủng vi khuẩn có gene cực độc đang gây bệnh tiêu chảy ở châu Âu, nhưng trong bối cảnh hội nhập như hiện nay không loại trừ vi khuẩn này sẽ xâm nhập vào qua khách du lịch nước ngoài.

Đó là chưa kể vào thời điểm nắng nóng như hiện nay rất thuận lợn cho vi sinh vật sinh sôi và phát triển. GS.TSKH Phùng Đắc Cam cũng cảnh báo, Việt Nam là nước có nhiều người bị tiêu chảy do E.coli quanh năm, do đó không nên chủ quan.

Các phương pháp để xác định E.coli gây tiêu chảy thường khá phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao và chỉ thực hiện được ở các labo có trang bị hiện đại. Do đó, sự phân bố của các E.coli gây tiêu chảy chưa được nghiên cứu đầy đủ tại các nước mà bệnh tiêu chảy còn rất phổ biến như ở Việt Nam. Tuy nhiên, để tiện cho việc xác định và nghiên cứu, Viện Vệ sinh dịch tế T.Ư và Trung tâm Y sinh học Học viện Quân y mới nghiên cứu sản xuất ra bộ kít PCR đa mồi chẩn đoán E.coli.

GS.TSKH Phùng Đắc Cam cho biết, đối với xét nghiệm PCR cổ điển, sau khi phân lập vi khuẩn, tách chiết ADN sẽ phải nhân lên bằng máy khuếch đại hàng tỷ lần. Thường thời gian khuếch đại phải mất 4 ngày mới đủ số lượng ADN để xác định và thường chỉ xác định một loài E.coli.

Với kỹ thuật này PCR đa mồi mới, quá trình khuếch đại trình tự ADN của vi khuẩn E.coli với cặp mồi đặc hiệu của vi khuẩn giúp thu nhận một số lượng lớn bản sao của một đoạn ADN xác định với thời gian chỉ 2 ngày.

Để phòng bệnh, cách tốt nhất là ăn chín, uống sôi, việc ăn rau sống rất nguy hiểm bởi dù có được ngâm nước muối, thuốc tím cũng chỉ có tác dụng giảm vi khuẩn chứ không diệt được. Hơn nữa, có một số loại vi khuẩn đơn bào về đường ruột có trong rau, nước muối đặc và thuốc tím không những không có tác dụng, còn khiến nó kháng lại và phát triển thêm.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sắp có 100.000 ha lúa chất lượng cao ở Kiên Giang
Sắp có 100.000 ha lúa chất lượng cao ở Kiên Giang
TPO - Tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu, đến năm 2025 triển khai Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đạt 100.000 ha, tăng lên gấp đôi đạt 200.000ha vào năm 2030.