Đò ngang tại TPHCM: Áo phao có cũng như không

Đò ngang tại TPHCM: Áo phao có cũng như không
TP - Trong lúc dư luận chưa hết bàng hoàng về vụ chìm tàu du lịch Dìn Ký (Bình Dương) cướp đi 16 mạng người, tại TPHCM đang tồn tại những chuyến đò ngang hoạt động thiếu an toàn. Nhiều ghe, đò trang bị áo phao theo kiểu có cũng như không.

> Những điểm đen
> Ẩn họa rình rập các tàu nhà hàng

Đò ngang tại TPHCM: Áo phao có cũng như không ảnh 1
 

Theo thống kê của Khu quản lý đường thủy nội địa, hiện TP HCM có hơn 38 bến đò ngang hoạt động ở các quận 2, 4, 8, 9, 12, Gò Vấp, Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn và huyện Bình Chánh, Thủ Đức.

Theo ghi nhận của PV, tại nhiều bến đò vẫn có một số trường hợp chủ đò chưa thực hiện đúng qui định về phương tiện cứu sinh. Đa phần các phao cứu sinh được các chủ đò cất trong các bao ni lông, áo phao thì có nơi chất thành đống trên đò, có nơi thì treo trên lan can đò...

Tại phường Long Bình, Q.9, chúng tôi đã đi trên chuyến đò đưa khách sang cù lao để đến ngôi chùa Phước Long (quận 9). Theo quy định, chiếc đò này không được phép chở quá 35 khách. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV số lượng khách trên tàu hơn 40 người. Những chiếc áo phao cứu sinh, được bao bọc bằng túi nhựa, phao tròn để trên nóc tàu ngoài tầm tay với của khách. Vào những ngày mồng một, ngày rằm, lượng người đi chùa đông nên những chuyến đò chật ních người và xe máy.

Tại bến đò thuộc phường Linh Đông (Thủ Đức) chở khách từ nơi này qua khu Thanh Đa, quận Bình Thạnh, đò không hề có rào chắn ở mạn đò và hành khách cũng không thấy ai mặc áo phao như quy định. Bến đò 2 bên bờ sông cũng thuộc khu vực được cảnh báo dễ sạt lở.

Một chiếc đò ngang chở khách tại bến đò An Lợi Đông (quận 2), hành khách và lái đò không hề mặc áo phao Ảnh: Quang Phương
Một chiếc đò ngang chở khách tại bến đò An Lợi Đông (quận 2), hành khách và lái đò không hề mặc áo phao.
Ảnh: Quang Phương.

Bến đò An Lợi Đông (quận 2) có khoảng hơn 10 chiếc ghe nhỏ với sức chở 4-5 người từ Q.2 sang Q.7 và ngược lại, song lại chạy ở khu vực thường xuyên có tàu, thuyền lớn qua lại. Mỗi khi tàu biển, sà lan chạy qua tạo thành những cơn sóng làm các con đò nhỏ chòng chành, chao đảo dữ dội.

Tuy vậy, hành khách đi đò thì ai muốn mặc áo phao thì mặc, ai không mặc cũng... chẳng ai nhắc. Tại các bến đó ở các quận khác như: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi... tình trạng trên cũng diễn ra tương tự.

Chỉ thị 09/2010 của UBND TPHCM về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với trật tự an toàn giao thông đường thủy nêu rõ “Tất cả phương tiện thủy nội địa chở khách ngang sông phải trang bị đầy đủ phương tiện cứu sinh, còn hạn sử dụng và bố trí đúng nơi quy định, tại chỗ dễ đến, dễ thấy nhất và dễ sử dụng khi có sự cố, tai nạn xảy ra”.

Tuy nhiên, ông Phan Hoàng Trí, Phó giám đốc Khu Quản lý đường thủy nội địa TPHCM cho biết, hiện nay vẫn chưa có quy định bắt buộc hành khách mặc áo phao khi đi đò.

Lực lượng chức năng không có cơ sở để xử phạt, chỉ kiểm tra, nhắc nhở và vận động người dân cùng chủ phương tiện thực hiện đúng quy định. Có lẽ vì thế mà từ hành khách đi đò đến chủ đò đều phớt lờ việc mặc áo phao mỗi khi đi đò cho nên dù trên đò có áo phao nhưng chúng vẫn bị treo... làm cảnh.

Anh Nguyễn Dương Đức, một người thường đi đò tại bến đò phường 7, Q.8 cho rằng: “Cần phải có quy định bắt buộc mặt áo phao khi đi đò đối với hành khách và chủ phương tiện. Tại sao đi xe máy, không đội mũ bảo hiểm thì bị xử phạt, mà đi đò không mặc áo phao thì không ai nói gì?”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Điều 'kỳ lạ' ở thủ đô của Na Uy
Điều 'kỳ lạ' ở thủ đô của Na Uy
TPO - Tại các công trường xây dựng ở thủ đô Oslo của Na Uy có những bãi vật liệu xây dựng được tập kết gọn gàng, công nhân xây dựng và máy móc miệt mài làm việc, nhưng không có tiếng ồn như ở những công trường khác.
Thủ phủ gốm sứ Bình Dương
Thủ phủ gốm sứ Bình Dương
TPO - Bảo tàng gốm sứ được hoàn thành sau 20 năm ấp ủ và triển khai xây dựng. Không chỉ là nơi trưng bày những sản phẩm sứ đậm bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tàng còn truyền tải những giá trị văn hóa và nghệ thuật của người Việt đã được gìn giữ qua bao thế hệ.