Nhà công, đất công là bầu sữa ngọt!

Văn phòng giao dịch của Ngân hàng Nông nghiệp tại số 4 Phạm Ngọc Thạch (Hà Nội) xây dựng trái phép trên đất thuê nhà nước Ảnh: Minh Tuấn
Văn phòng giao dịch của Ngân hàng Nông nghiệp tại số 4 Phạm Ngọc Thạch (Hà Nội) xây dựng trái phép trên đất thuê nhà nước Ảnh: Minh Tuấn
TP - Hàng trăm cơ quan, doanh nghiệp tại Hà Nội đang sử dụng sai mục đích hàng vạn mét vuông nhà công, đất công, thu lợi bất chính. Trong khi đó, cơ chế kiểm soát và chế tài xử lý thì còn tùy tiện, nửa vời...
Văn phòng giao dịch của Ngân hàng Nông nghiệp tại số 4 Phạm Ngọc Thạch (Hà Nội) xây dựng trái phép trên đất thuê nhà nước Ảnh: Minh Tuấn
Văn phòng giao dịch của Ngân hàng Nông nghiệp tại số 4 Phạm Ngọc Thạch (Hà Nội) xây dựng trái phép trên đất thuê nhà nước. Ảnh: Minh Tuấn.

Không những được hưởng nhiều đặc ân của nhà nước, một số cơ quan, doanh nghiệp còn lợi dụng các sơ hở trong cơ chế quản lý để thu lợi.

Bầu sữa ngọt

Hình thức trục lợi điển hình nhất của các doanh nghiệp sau khi được thuê nhà đất công đó là việc ngấm ngầm cho các doanh nghiệp khác thuê lại.

Điển hình như vi phạm của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội-Handico trong quản lý, sử dụng khu đất mặt đường tại số 4 Phạm Ngọc Thạch - Hà Nội. Mặc dù chỉ được nhà nước cho thuê thời hạn ngắn nhưng Tổng Cty kinh doanh xuất nhập khẩu lương thực (nay đã sáp nhập vào Handico) ký hợp đồng cho Ngân hàng NN&PTNT thuê tới 30 năm!

Dựa vào hợp đồng trái pháp luật này, ngân hàng đã xây dựng tại đây cả một cao ốc 9 tầng và một toà nhà 5 tầng trên diện tích hơn 1.500 m2 đất.

Căn nhà 2 tầng diện tích 155 m2 trên khuôn viên đất 260 m2 tại vị trí 96 Hàng Trống thuộc diện nhà chuyên dùng thuộc sở hữu nhà nước cho Xí nghiệp hóa mỹ phẩm thuê với giá bèo, chưa đến 100.000 đồng/m2. Nhưng xí nghiệp này lại cho Cty TNHH Duy Nghĩa hợp tác kinh doanh với thời hạn 10 năm với điều kiện hàng tháng Cty Duy Nghĩa trả cho Xí nghiệp vỏn vẹn 1.500 USD.

Trong quá trình sử dụng, Cty Duy Nghĩa đã đầu tư cải tạo lại nhà 96 Hàng Trống thành nhà 4 tầng với diện tích lên tới hơn 1.000 m2 sàn xây dựng để mở cửa hàng bán tranh mỹ thuật. Nhiều cơ quan nhà nước cũng sử dụng quỹ đất công được giao khá tùy tiện...

Có dung túng, bao che?

Lý giải tình trạng sử dụng lãng phí, tuỳ tiện nhà đất công, ông Mai Xuân Vinh - Chi cục trưởng Chi cục quản lý công sản Hà Nội cho rằng, nguyên nhân có phần từ sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm của cơ quan chủ quản. “Nhức nhối nhất là nhà đất do các bộ ngành trung ương quản lý đang rất khó xử lý”- Ông Vinh nói.

Ông Vinh nêu ví dụ: Bệnh viện E có cơ sở khám chữa bệnh rộng tới hơn 2.000 m2 đất tại phố Phan Huy Chú. Sau nhiều năm để hoang và cho thuê lại, “chúng tôi đề nghị thu hồi để giao cho trường tiểu học Võ Thị Sáu mở rộng cơ sở đào tạo vì tại đây rất thiếu phòng học. Tuy nhiên khi vụ việc lên đến Bộ Y tế thì lại mắc, dậm chân tại chỗ”.

Kéo dài đến 2 năm rưỡi, Bộ Y tế mới quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng phòng khám đa khoa thuộc Bệnh viện E. Trước đó, khi kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện tình trạng để hoang hoá nhà đất tại đây, Bệnh viện E cho một số đơn vị kinh doanh thuốc thuê lại. “Nếu xử lý nghiêm, nhất định tình trạng lãng phí sẽ chấm dứt. Điều này cũng cho thấy nhiều bộ ngành, cơ quan nhà nước chưa quán triệt tốt Quyết định 09 của Thủ tướng”-ông Vinh kiến nghị.

Thực hiện Quyết định 09 của Thủ tướng về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước, qua kiểm tra hiện trạng quản lý sử dụng 732 cơ sở thuộc thành phố Hà Nội với tổng diện tích 4,386 triệu mét vuông đất và 1,06 triệu mét vuông nhà đã phát hiện 46 đơn vị, doanh nghiệp sử dụng nhà đất không đúng quy định, khai thác không hiệu quả, cho thuê, liên kết kinh doanh trái pháp luật.

Cơ quan chức năng đã đề nghị xử lý thu hồi 22.736m2 đất, 24.322m2 nhà; 20 cơ sở sử dụng không phù hợp với quy hoạch với diện tích 251.021m2 đất... 

(Còn nữa)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG