Chương trình bình ổn giá thuốc ở TP Hồ Chí Minh:
Để thuốc giá rẻ đến tay người nghèo
Giá rẻ
Theo PGS Phạm Khánh Phong Lan- Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, sẽ có 40 hoạt chất với 10 nhóm thuốc trị các bệnh thông thường và mãn tính như giảm đau-hạ sốt, chống dị ứng, tiêu chảy, trị ho, đau dạ dày, tim mạch, tiểu đường, kháng sinh, kháng viêm và thuốc nhỏ mắt… được chọn đưa vào chương trình bình ổn này.
"Số lượng thuốc tham gia bình ổn thị trường chiếm 50% lượng thuốc thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân thành phố"- bà Lan cho hay. Giá bán của các nhóm thuốc trong chương trình bình ổn thấp hơn giá bán của sản phẩm cùng loại trên thị trường ít nhất là 10%.
Tại các buổi làm việc giữa 4 doanh nghiệp tham gia bình ổn giá thuốc (Công ty Dược 3 tháng 2, Công ty Xuất nhập khẩu dược phẩm Domesco, Công ty Dược Glomed và Công ty dược Euvipharm), lãnh đạo UBND TPHCM đã thống nhất tất cả thuốc bình ổn đều là thuốc sản xuất trong nước, đạt chuẩn GMP của Tổ chức Y tế Thế giới.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cho biết, lượng thuốc trong chương trình bình ổn giá đủ khả năng cân đối cung cầu cho người dân thành phố, kể cả trong trường hợp xảy ra biến động khi mà nhu cầu sử dụng thuốc tăng cao.
Các doanh nghiệp tham gia chương trình được thành phố cho vay không tính lãi, không phải thế chấp tài sản trong thời gian 12 tháng. Những mặt hàng thuốc bình ổn được phân phối qua hệ thống nhà thuốc bệnh viện, nhà thuốc chuỗi doanh nghiệp và nhà thuốc tư nhân trên địa bàn các khu dân cư.
Dễ mua?
Theo kế hoạch, từ ngày 1-4, tất cả số thuốc này có mặt trên thị trường để góp phần bình ổn giá và giúp người bệnh nghèo TPHCM giảm gánh nặng chi phí do thuốc. Nhưng thực tế, nhiều người bệnh vẫn mù mờ về chương trình.
"Tôi nghe thông tin có thuốc giá rẻ hơn 10% cho người bệnh, nhưng hôm 2-4, tôi ra nhà thuốc gần nhà mua, thì người bán thuốc ở đây cho biết, nhà thuốc này không bán thuốc bình ổn giá. Họ nói muốn mua thuốc rẻ thì đến nhà thuốc của doanh nghiệp tham gia bình ổn mà mua. Tôi hỏi doanh nghiệp nào thì họ trả lời không rõ"- ông An, 56 tuổi ở quận 7 kể.
PGS Phạm Khánh Phong Lan cho biết, ưu tiên của chương trình là nhắm đến bệnh nhân điều trị ngoại trú của TPHCM, bởi theo lý giải của bà Lan, người bệnh điều trị nội trú đã được hỗ trợ một phần nếu có bảo hiểm y tế. Thế nhưng, theo thống kê của các bệnh viện trên địa bàn TPHCM, hiện có đến 50% số bệnh nhân điều trị ngoại trú đến từ các tỉnh. Đây cũng là lý do khiến không ít người hoài nghi, bao nhiêu phần trăm số thuốc giá rẻ thuộc diện bình ổn giá này đến được tay người bệnh nghèo ở TPHCM.
Anh T.N. L, 32 tuổi ở quận 6 khi cầm toa thuốc được bác sĩ kê 6 loại thuốc điều trị viêm amiđan và viêm xoang đến nhà thuốc của một trong số 4 doanh nghiệp bình ổn trên mua thuốc, nhưng nhân viên ở đây cho biết, cả 6 loại thuốc trên đều không thể bán theo giá "bình ổn thị trường" được, bởi bác sĩ kê toàn… thuốc ngoại.
Anh L. ngớ người. Có bệnh nhân, bác sĩ kê thuốc dạng hoạt chất chứ không kê tên thương mại nên nhiều nhà thuốc dù có bán hàng bình ổn giá cũng không biết đâu mà lần. Giám đốc của một công ty dược xin giấu tên cho hay, không loại trừ sẽ có nạn thu gom thuốc bình ổn để bán lại kiếm lời. Vì vậy người bệnh nghèo sẽ "có tiếng mà không có miếng".
Khi thuốc có nguồn ổn định, bán với giá ổn định, thị trường buộc phải điều tiết theo. Điều này có ý nghĩa hỗ trợ rất lớn đối với người có thu nhập thấp, những người dễ mắc bệnh và những người phải sử dụng thuốc nhiều PGS Phạm Khánh Phong Lan |